Bộ Tư pháp: Trình Chính phủ 03 Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự

05/06/2009
Ngày 29/5/2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký các Tờ trình để trình Chính phủ 03 Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự  (THADS) và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS theo tiến độ đã đề ra.

Nhằm quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật số 26/2008/QH12 - Luật THADS và Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về thi hành Luật THADS, thực hiện Chương trình xây dựng Nghị định của Chính phủ năm 2009, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, soạn thảo 03 Dự thảo Nghị định. Đó là Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS về cơ quan THADS, cơ quan quản lý THADS và công chức làm công tác THADS; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS và Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và Nghị quyết của Quốc hội về triển khai Luật THADS về cơ quan THADS, cơ quan quản lý THADS và công chức làm công tác THADS nhằm quy định chi tiết 9 điều của Luật THADS giao Chính phủ quy định, gồm: nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý THADS; tên gọi, cơ cấu, tổ chức cụ thể của cơ quan THADS (Điều 13); trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên (Điều 17); các trường hợp đặc biệt áp dụng cho người có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên trung cấp hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên cao cấp (Điều 18); trình tự, thủ tục miễn nhiệm Chấp hành viên (Điều 19); sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ (Điều 20); tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS và cơ quan thi hành án trong quân đội (Điều 22); trang phục, phù hiệu, tiền lương, chế độ phụ cấp nghề nghiệp và chế độ ưu đãi khác đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên và công chức khác làm công tác THADS (Điều 26); nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác THADS và quản lý chuyên ngành về THADS của cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp (Điều 167); nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng (Điều 168).  Ngoài ra, Nghị định còn thực hiện Điều 183 Luật THADS giao cho Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thi hành những nội dung cần thiết khác của Luật để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và điểm 3 Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội về thi hành Luật THADS giao Chính phủ quy định những cơ quan THADS cụ thể ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật THADS có hiệu lực thi hành để phù hợp với điều kiện cụ thể về nguồn công chức làm công tác THADS tại các địa bàn trên trong tình hình hiện nay.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS được xây dựng nhằm hướng dẫn 7 điều Luật THADS được giao Chính phủ quy định, gồm các trường hợp đặc biệt khác không được tổ chức cưỡng chế thi hành án (Điều 46); về mức phí THADS, thủ tục nộp, quản lý, sử dụng phí THADS (Điều 60); thẩm quyền, điều kiện, đối tượng, thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án (Điều 65); chi phí cần thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án; thủ tục thu, nộp, miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án (Điều 73); về trình tự, thủ tục, phương pháp định giá và thẩm quyền định giá quyền sở hữu trí tuệ (Điều 85); về trình tự, thủ tục bán đấu giá và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ (Điều 86) và về tài sản kê biên có giá trị nhỏ do Chấp hành viên xác định giá (Điều 98). Bên cạnh đó, Ban soạn thảo, Tổ Biên tập cũng xác định Nghị định cần hướng dẫn một số nội dung khác của Luật THADS về thủ tục THADS để đảm bảo áp dụng chặt chẽ, thống nhất trong thực tiễn. Đó là các nội dung về thoả thuận thi hành án; thời hiệu và thủ tục yêu cầu thi hành án; về ra quyết định thi hành án thuộc diện chủ động thi hành án và thi hành án theo đơn yêu cầu; về thông báo thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án; về nguyên tắc và thủ tục áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; thủ tục xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước và bị tuyên tịch thu tiêu huỷ; về thi hành bản án, quyết định buộc nhận người lao động trở lại làm việc; uỷ thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; cách xác định giá trị tài sản trong trường hợp thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; về xác nhận kết quả thi hành án và về giải quyết khiếu nại về thi hành án.

Khác với 02 Dự thảo Nghị định trên, Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện Điểm 2 của Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về thực hiện Luật THADS, theo đó, nhằm triển khai thực hiện chủ trương xã hội hoá một số công việc có liên quan đến THADS, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên) tại một số địa phương; việc thí điểm được thực hiện từ ngày Luật THADS có hiệu lực thi hành đến ngày 01/7/2012 và giao Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Triển khai thực hiện Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 19/2/2009  phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh”. Do đó, cụ thể hoá các văn bản quan trọng trên, đúng như tên gọi, Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh quy định các vấn đề quan trọng về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại tổ chức thí điểm trước mắt tại thành phố Hồ Chí Minh, như: phạm vi hoạt động, điều kiện hành nghề, nguyên tắc hoạt động của Thừa phát lại và Văn phòng Thừa phát lại, trình tự, thủ tục thành lập, đăng ký Văn phòng Thừa phát lại, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động thuộc phạm vi hoạt động của Thừa phát lại như xác minh điều kiện thi hành án, lập vi bằng và trực tiếp tổ chức thi hành một số loại việc THADS, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại về hoạt động của Thừa phát lại.

Quá trình soạn thảo 03 Nghị định trên, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc Hội nghị, hội thảo, tọa đàm với sự tham dự của đại diện nhiều cơ quan THADS địa phương, các Bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức lấy ý kiến góp ý bằng văn bản của các Bộ, ngành, của các cơ quan THADS địa phương, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân tham gia góp ý Dự thảo Nghị định đã được tổng hợp đầy đủ và Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã nghiên cứu kỹ, nghiêm túc để tiếp thu chỉnh lý Dự thảo. Sau quá trình chỉnh lý nhiều lần để hoàn thiện Dự thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành  Quyết định về việc thành lập Hội đồng thẩm định đối với các Dự thảo Nghị định. Trong các ngày 22, 25 và 26/5/2009, các Hội đồng thẩm định tiến hành phiên họp thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hội đồng thẩm định đều thống nhất ý kiến rằng các Dự thảo Nghị định đã được chuẩn bị công phu, đề nghị Ban soạn thảo, Tổ Biên tập sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định trình Chính phủ xem xét.

Việc trình Chính phủ xem xét 03 Dự thảo Nghị định trên với tiến độ mong muốn là các Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ 01/7/2009, cùng thời điểm có hiệu lực thi hành của Luật THADS, là hết sức cần thiết, đặc biệt là Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS về thủ tục THADS, vì không làm gián đoạn hoạt động của cơ quan THADS và thuận lợi cho việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân./.  

Trần Văn Duy