Hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn suy thoái kinh tế

23/04/2009
Trong 2 ngày 21, 22/4/2009, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải phòng phối hợp với Báo doanh nhân và pháp luật, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Hải Phòng tổ chức Toạ đàm “Hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn suy thoái kinh tế” tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Tham dự Toạ đàm có ông Đan Đức Hiệp - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Hải Phòng, ông Đào Xuân Hội - Q. Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam, TS. Đặng Vũ Huân - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và pháp luật và ông Phí Văn Dực - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Hải Phòng cùng với gần 200 doanh nghiệp Hà Nội, Hải Phòng và 20 cơ quan đài, báo Trung ương, địa phương tham dự, đưa tin về Toạ đàm.

Mở đầu Toạ đàm Luật gia Trần Minh Sơn, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã trao đổi và giới thiệu với các cơ quan, doanh nghiệp về các cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng: Luật Doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Hợp tác xã, Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật này đã tạo nên một khung pháp lý tương đối đầy đủ và thuận tiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong giai đoạn hiện nay. Trên thực tế, các doanh nghiệp và các chủ thể kinh doanh khác được thành lập ngày càng nhiều về số lượng, đa dạng về quy mô và hình thức hoạt động[1]. Kết quả hoạt động của lực lượng doanh nhân này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, trong hoạt động áp dụng pháp luật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay còn nhiều mặt yếu kém, khiến cho các doanh nghiệp đã khó khăn thì lại càng khó khăn chồng chất hơn, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động “lay lắt” hoặc rơi vào tình trạng sắp phá sản.

Sự yếu kém trong việc thực hiện pháp luật của doanh nghiệp hiện nay là do những nguyên nhân từ hai phía gây ra: phía doanh nghiệp và phía Nhà nước.

Về phía doanh nghiệp, có những nguyên nhân chủ yếu sau đây: Thứ nhất, nhận thức về vai trò, ý nghĩa của pháp luật của nhiều chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp còn hạn chế.[2] Nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen hoặc không đủ nguồn lực để sử dụng tư vấn pháp luật áp dụng, thi hành pháp luật và phòng, chống rủi ro trong kinh doanh. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc sử dụng tư vấn pháp luật. Thứ ba, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật.

Về phía Nhà nước, có những nguyên nhân chủ yếu sau đây: Việc thực thi pháp luật của các doanh nghiệp khó một phần cũng do một số nguyên nhân từ phía Nhà nước, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu: Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự quan tâm đến việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật cho doanh nghiệp. Thứ hai, nhiều thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định pháp luật và việc áp dụng pháp luật chưa được các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm giải đáp kịp thời, do đó cũng làm cho việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp gặp khó khăn.

Những nguyên nhân từ hai phía trên đây đã làm cho công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp còn kém hiệu quả. Pháp luật được ban hành nhưng chưa được tổ chức thi hành tốt đã ảnh hưởng tới việc xây dựng môi trường kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, đầu tư thuận lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước đã thiết lập cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. Hầu hết các nước thuộc Cộng đồng chung Châu Âu coi việc thông tin và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Nhà nước.[3]

Trên cơ sở đó, việc Chính phủ triển khai Nghị định 66 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với mục tiêu là thiết lập cơ chế thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để hướng dẫn Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác tổ chức thi hành pháp luật đối với doanh nghiệp. Nghị định quy định cụ thể hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý và trách nhiệm của các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Về nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo hướng hoạt động hỗ trợ pháp lý do Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phải đảm bảo sự bình đẳng (không phân biệt hình thức sở hữu, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động), được thực hiện bằng các hình thức đa dạng và phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương và trong từng thời kỳ.

Hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong giai đoạn suy thoái hiện nay: các hình thức, biện pháp và nội dung hỗ trợ pháp lý mà các cơ quan nhà nước phải thực hiện để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bao gồm:

Hình thức thứ nhất, xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp

Nghị định quy định các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật các cơ sở dữ liệu về tất cả các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản giải đáp pháp luật  trong ngành, lĩnh vực, phạm vi do mình phụ trách và đăng tải trên trang thông tin chính thức của Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí thông tin đăng tải trên cơ sở dữ liệu này và có quyền yêu cầu Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cập nhật toàn văn nội dung văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên trang thông tin chính thức của Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Hình thức hỗ trợ này sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận với thông tin pháp lý, nhất là các văn bản hướng dẫn thi hành do các ngành và địa phương ban hành. Đồng thời, quy định này cũng góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch của WTO trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

           Hình thức thứ hai, xây dựng tài liệu giới thiệu, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật

       Để bảo đảm việc phổ biến kịp thời các quy định pháp luật có liên quan phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ quy định các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có liên quan đến ngành, lĩnh vực hoặc phạm vi do mình quản lý cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch và phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp phổ biến các tài liệu giới thiệu, tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật cho doanh nghiệp.

            Hình thức thứ ba, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp

           Để đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay, Chính phủ quy định các Bộ có trách nhiệm tổ chức xây dựng, định kỳ cập nhật tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình quản lý và phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm và phối hợp với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các báo cáo viên thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp tại địa phương.

Hình thức thứ tư, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp

Pháp luật hiện hành quy định việc hướng dẫn thực hiện pháp luật là chức năng, nhiệm vụ của các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Để tổ chức thực thi pháp luật, trong thẩm quyền của mình, các Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh, Nghị định... Mặc dù đã có các văn bản hướng dẫn thi hành nhưng do thực tiễn sản xuất - kinh doanh là sinh động, thường xuyên phát sinh nhiều vấn đề mới mà chưa có pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, pháp luật nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo tính đồng bộ, tính cụ thể, đôi khi còn chồng chéo, mâu thuẫn nên đã gây ra cho doanh nghiệp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu và thực thi pháp luật. Vì vậy trên thực tế, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu được giải đáp pháp luật.

Để đáp ứng yêu cầu này của doanh nghiệp, Nghị định quy định trách nhiệm của Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp. Việc giải đáp pháp luật được thực hiện dưới các hình thức khác nhau như bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, thông qua điện thoại hoặc đối thoại trực tiếp.

Hình thức thứ năm, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật

Việc tiếp nhận, tổng hợp, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo trong thời gian vừa qua nhưng kết quả còn hạn chế. Công tác tiếp nhận, tổng hợp này chưa được thực hiện đều khắp ở tất cả các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và cũng chưa được thực hiện toàn diện đối với các quy định pháp luật về kinh tế, thương mại. Còn có tình trạng kiến nghị của doanh nghiệp chưa đến được các địa chỉ cần thiết để kịp thời phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Bất cập này, một mặt gây bức xúc trong giới doanh nghiệp, trong xã hội, mặt khác không kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan có trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất xây dựng hoàn thiện các quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu pháp triển của quan hệ kinh doanh, thương mại.

Để khắc phục tình trạng này, Nghị định giao cho các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc tiếp nhận, tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp để xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Giao Vụ pháp chế Bộ, ngành và Sở Tư pháp là cơ quan giúp Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổng hợp và đề xuất việc xử lý đối với những kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật. Giao Bộ Tư pháp chủ trì theo dõi, tổng hợp công tác này để bảo đảm sự gắn kết giữa việc tiếp nhận, tổng hợp, xử lý kiến nghị của doanh nghiệp với công tác xây dựng pháp luật.

Tại Việt Nam hiện nay có trên 98% doanh nghiệp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do đó, đa số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ tư vấn pháp luật, nhất là các doanh nghiệp ở địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, xùng xa. Trong điều kiện đó, để doanh nghiệp đứng vững và hội nhập hiệu quả, biện pháp xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng và tổ chức thực hiện sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt các đạo luật sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên như thông tin pháp lý; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh; kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa bàn khó khăn. 

Để thiết lập cơ chế hiệu quả về hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp và bảo đảm tính khả thi của Nghị định sau khi được ban hành, Nghị định quy định các vấn đề về tổ chức, cán bộ và tài chính phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Nghị định quy định kinh phí phục vụ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do Ngân sách nhà nước cấp, được tổng hợp vào kinh phí chi thường xuyên của từng cơ quan. Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nguồn kinh phí thực hiện chương trình được sử dụng từ ngân sách nhà nước ở Trung ương, địa phương và sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức chi và hướng dẫn việc lập, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tại Toạ đàm, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Hải Phòng, Hiệp hội Vận tải Hải Phòng và các doanh nghiệp tham dự Toạ đàm đã trao đổi về các hình thức, nội dung trên nhằm làm rõ các hình thức hỗ trợ để góp phần hỗ trợ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn suy thoái kinh tế hiện nay.

CLB Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp


[1] Hiện có gần 300.000 doanh nghiệp được đăng ký và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trên 3.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trên 20.000 hợp tác xã và trên 2,5 triệu hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, 10 triệu hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và gần 100.000 trang trại lớn, nhỏ các loại (nguồn: Báo cáo hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức năm 2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh).

[2] Kết quả điều tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy trong số 1237 doanh nghiệp được khảo sát thì có khoảng 70 đến 80% số doanh nghiệp không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ các quy định pháp luật cơ bản về kinh doanh; có nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về pháp luật.

[3] Cộng hòa Pháp, năm 1978 đã ban hành Luật số 78-753 quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm trả lời chính xác mọi câu hỏi của cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến các quy định pháp luật. Nguồn: Báo cáo của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật của EC cho Việt Nam (ETV2) tại Hội thảo tại Bộ Tài chính.