Xây dựng chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước: Bám sát những chức năng của Bộ Tư pháp

20/04/2009
Bộ Tư pháp đang tiến hành các hoạt động nghiên cứu trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Tư pháp trong thời kỳ công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước”. Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp tục tổ chức toạ đàm nhằm tiếp thu ý kiến các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến quản lý hành chính tư pháp (HCTP) và tương trợ tư pháp (TTTP).

Cần những dự báo về TTTP

Trong tham luận “Hoạt động đại diện cho nhà nước trong các quan hệ TTTP quốc tế trước yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế”, TS.Hoàng Phước Hiệp – Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế – nhận định, hoạt động TTTP giữa Việt Nam và các nước thời gian quan đã diễn ra ngày càng phong phú, phức tạp trên mọi lĩnh vực pháp luật và trên các mức độ pháp lý quốc gia và quốc tế khác, đáp ứng yêu cầu khách quan và phù hợp nhu cầu phát triển nội tại của đất nước cũng như yêu cầu phát triển của quan hệ quốc tế.

Khác nhiều quốc gia khác khi hoạt động TTTP là xuất phát từ việc thực hiện các điều ước quốc tế, hoạt động TTTP giữa Việt Nam với các nước tuy có từ khá sớm nhưng bắt đầu từ việc chưa có các điều ước quốc tế. Cùng với quá trình phát triển, để bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam, phục vụ quá trình hội nhập, Nhà nước ta đã chủ động ban hành một số văn bản qui phạm pháp luật, đặc biệt là Luật TTTP và những qui định về TTTP trong Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.

Để làm rõ hơn vấn đề, TS.Hiệp đã trình bày một số quan niệm về TTTP theo lý luận và thực tiễn tư pháp của một số nước tiêu biểu như Đức, Pháp, Anh – Mỹ, Liên Xô và các nước XHCN (cũ) ở Đông Âu và Việt Nam để rút ra một số điểm đặc thù của hoạt động TTTP quốc tế cần lưu ý như TTTP thực chất là sự giúp đỡ, hợp tác lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia trong giải quyết thoả đáng các vấn đề tư pháp mà các bên quan tâm, cơ sở pháp lý làm nền tảng cho việc thực hiện các hoạt động TTTP quốc tế là các điều ước quốc tế, mục đích nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân của nước này trên lãnh thổ nước kia…

Cùng với việc phân tích một số ví dụ cụ thể, TS.Hiệp cũng đưa ra những cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc ngành tư pháp, trong đó có Bộ Tư pháp, đại diện cho nhà nước trong các quan hệ TTTP quốc tế. Theo đó, thực tiễn thời gian quan cho thấy, ngành tư pháp nước ta đã làm đại diện cho nhà nước trong nhiều vấn đề tư pháp, trong đó có các vấn đề được đưa ra dưới tên gọi là uỷ thác tư pháp quốc tế. Sự khác biệt của việc ngành tư pháp nước ta làm đại diện cho nhà nước trong nhiều vấn đề tư pháp thể hiện ở tính chất chủ quyền quốc gia của việc đại diện đó…

Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhận xét, vấn đề TTTP là rất quan trọng khi ta mới bước vào thời kỳ hội nhập. Do đó, cần nghiên cứu sâu hơn vào thực trạng, quá trình triển khai Luật TTTP và đưa ra những dự báo về lĩnh vực này để có cơ sở xác định các chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp liên quan đến TTTP trong các giai đoạn tới. Đồng thời, đảm bảo trong thời kỳ hội nhập, mọi vấn đề liên quan đến pháp lý quốc tế không còn xa lạ và được giải quyết một cách chuyên nghiệp.

Phải “giải mã” các khái niệm “tư pháp” và “HCTP”

Phân tích khái niệm HCTP và nghiên cứu quá trình tổ chức công tác HCTP ở nước ta từ năm 1945 đến nay, TS.Trần Thất – Vụ trưởng Vụ HCTP - cho rằng, dù thời gian gần đây, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực này có được phát triển nhưng vẫn bị thu hẹp nhiều do việc nhận thức chưa thống nhất và đầy đủ về khái niệm HCTP. Nội dung quản lý HCTP không ổn định qua các thời kỳ và hiện đang bị “tản mát” ở các cơ quan khác nhau như TANDTC quản lý HCTP đối với toà án và thẩm phán, VKSNDTC quản lý VKSND các cấp và kiểm sát viên, cơ quan điều tra và điều tra viên thuộc quyền quản lý của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSNDTC, mặc dù Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ quản lý về giám định tư pháp nhưng quyền năng pháp lý của Bộ trong lĩnh vực này còn rất hạn chế…

TS.Thất còn nhận thấy trong tổ chức công tác HCTP hiện nay của ta còn thiên về màu sắc hành chính, ít thể hiện tính đặc thù về tư pháp, thậm chí trong một số lĩnh vực cơ quan quản lý HCTP không phân biệt với cơ quan tiến hành tố tụng. Và mặc dù các văn bản qui phạm pháp luật đã có những qui định nhằm bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của các cơ quan, chức danh tư pháp nhưng những qui định này thường bị vô hiệu hoá hoặc bị hạn chế bởi mối quan hệ hành chính.

Tuy đồng tình với quan điểm của TS.Thất về tính ước lệ trong sự phân định lĩnh vực HCTP và bổ trợ tư pháp (BTTP), Bộ trưởng vẫn lưu ý cần “giải mã” các khái niệm “tư pháp”, “HCTP”, phải đánh giá sâu hơn quá trình và hiệu quả xã hội hoá đối với những hoạt động HCTP và BTTP để xác định giới hạn quan hệ quản lý nhà nước và quan hệ tự quản. Vì thực tiễn, nhiều nước đã kết hợp có hiệu quả hai mối quan hệ này, giúp bộ máy nhà nước đỡ cồng kềnh và phát huy vai trò tích cực của các hiệp hội trong việc bảo đảm tính nghiêm túc của các hoạt động HCTP và BTTP đã được xã hội hoá./.

Huy Long

Nước ta đang có quan hệ ngoại giao với gần 180 nước trên thế giới; có quan hệ thương mại với khoảng 230 nước và vùng lãnh thổ, ký kết hàng trăm hiệp định song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế; là thành viên tích cực của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế như LHQ, IMF, UNESCO, ASEAN, APEC, ASEM…