Bộ Tư pháp tổng kết Chỉ thị 12-CT/TƯ về công tác nhân quyền

12/03/2009
Bộ Tư pháp tổng kết Chỉ thị 12-CT/TƯ về công tác nhân quyền
Hôm qua (11/3), Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo tổng kết Chỉ thị 12-CT/TƯ (ngày 12/7/1992) của Ban Bí thư khoá VII về công tác nhân quyền, để chuẩn bị cho công tác tổng kết toàn quốc về vấn đề này

Nỗ lực không ngừng để đảm bảo quyền con người

Quyền con người là thành quả đấu tranh lâu dài của loài người, là giá trị chung của nhân loại. Tuy nhiên các giá trị về quyền con người được thể hiện, bảo vệ theo những cách khác nhau, không thể sao chép từ quốc gia này sang quốc gia khác, để đảm bảo phù hợp với những chuẩn mực quốc tế, cũng như điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Tại Việt Nam, bảo đảm và thực thi quyền con người là mục tiêu của Đảng và Nhà nước. Do đó, vấn đề quyền con người không đối lập với bản chất, chế độ của Nhà nước.

Bà Tạ Thị Minh Lý (Cục trưởng Cục TGPL) cho rằng, Việt Nam nhìn nhận về quyền con người theo phạm vi rộng, chứ không bó hẹp trong phạm vi quyền chính trị hay dân sự. Đó là quyền được bảo vệ khỏi thiên tai, địch hoạ, thực hiện các quyền chính trị, lao động, kinh doanh… Trên cơ sở đó, các quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật, tạo thành một hệ thống tương đối hoàn chỉnh.

Kể từ Hiến pháp 1992, tư duy pháp lý về quyền con người (quyền công dân) ở nước ta đã có nhiều đổi mới, hệ thống pháp luật về quyền con người cũng được xây dựng và hoàn thiện đồng bộ, đảm bảo sự phù hợp giữa quyền con người trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên với quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật, sự phát triển đồng bộ, cân đối giữa pháp luật về các nhóm quyền con người, quyền công dân, giữa quyền và nghĩa vụ của công dân với trách nhiệm pháp lý của Nhà nước.

Trong suốt 17 năm thực hiện Chỉ thị, Bộ Tư pháp trong phạm vi quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình đã thực hiện nhiều hoạt động để tham gia thể chế hoá các qui định về quyền con người, thực thi quyền con người vào các văn bản pháp luật được giao chủ trì hoặc tham gia soạn thảo. Đồng thời, liên tục rà soát các văn bản pháp luật để đưa ra những đề xuất, sửa đổi nhằm bảo vệ, tôn vinh, bảo đảm hơn nữa quyền con người, cũng như ngăn chặn những hành vi có thể vi phạm quyền con người. Bộ Tư pháp cũng đã nỗ lực không ngừng  để thực hiện trao quyền (tiếp cận) pháp lý cho người nghèo – đối tượng dễ bị tổn thương cả về mặt pháp lý - thông qua những hoạt động như trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hoạt động của luật sư…

Theo đánh giá của Thứ trưởng thường trực Hoàng Thế Liên, Việt Nam đã có bước tiến dài trên các mặt bảo vệ, đấu tranh, tuyên truyền về quyền con người. Điều đó thể hiện qua việc thay đổi về chất, từ bị động sang chủ động, từ đấu tranh nhân quyền quốc tế sang đấu tranh nhân quyền trong nước, đảm bảo cho nhân quyền đối nội thực sự trở thành tiền đề vững chắc cho nhân quyền đối ngoại thành công.

Quan trọng là thực thi tốt

Một trong những hạn chế trong việc bảo đảm quyền hiến định của công dân ở nước ta hiện nay theo nhận xét của bà Dương Thanh Mai (Viện KHPL) là vì chưa có qui định về cơ chế bảo đảm các qui định của Hiến pháp, xử lý các vi phạm hiến pháp (tài pháp hiến pháp). Hơn nữa, tuy luật đã tương đối đầy đủ các qui định về bảo đảm quyền con người nhưng vấn đề là ở trình độ, nhận thức, ý thức của người thực thi. Vì thế, trong quá trình thực thi đã nảy sinh nhiều vấn đề dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng, những nhận thức sai hoặc hành vi cố tình làm sai dẫn đến những hậu quả ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân.

Cho đến nay vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu hết những quyền cơ bản của mình, chưa nhận được những dịch vụ công đúng mức… nên thực tế quyền con người, quyền công dân của họ vô tình bị hạn chế. Hiện có khoảng 24 triệu người thuộc diện chính sách (được hưởng chế độ TGPL miễn phí của nhà nước). Đây là những người dễ bị kích động, đe doạ … và có thể bị xâm phạm quyền con người mà không có khả năng đấu tranh, bảo vệ nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, xã hội, tổ chức.

Từ thực tế này, vai trò của công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu về quyển con người, quyền công dân. Từ đó thúc đẩy cơ chế thực thi hiệu quả cùng với việc đề cao trách nhiệm của nhà nước đối với việc bảo vệ quyền công dân cho phù hợp với nhịp độ phát triển của xã hội dân sự, xây dựng nhà nước pháp quyền. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tạo cơ chế giám sát, hỗ trợ (TGPL) đủ mạnh, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm… để góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền con người. Đặc biệt, cùng với vai trò đưa pháp luật nói chung và các qui định pháp luật về quyền con người nói riêng đi vào cuộc sống, Bộ Tư pháp còn đóng vai trò quan trọng để quốc tế hiểu hơn về cách nhìn nhận, bảo vệ quyền con người của Việt Nam./.

(Hương Giang, ảnh Cục CNTT)

Thứ trưởng Thường trực Hoàng Thế Liên: “Không ai có thể vẽ được “bức tranh nhân quyền” thực sự ở Việt Nam bằng người Việt Nam… Không có pháp luật thì không đảm bảo quyền con người nhưng có pháp luật mà không thực thi được thì quyền con người có như không”.

Sự phát triển các nhóm quyền trong Hiến pháp Việt Nam

(Theo PGS.TS.Nguyễn Văn Động, Quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp Việt Nam, NXB Khoa học, 2005) 

Các nhóm quyền, nghĩa vụ

Hiến pháp

1946

1959

1980

1992

Quyền chính trị

05

05

06

09

Quyền dân sự

12

16

24

30

Quyền kinh tế

 

07

04

08

Quyền văn hoá

01

05

06

09

Quyền xã hội

06

09

16

19

Tổng số quyền

26

43 (23 mới)

57 (18 mới)

76 (26 mới)

Nghĩa vụ

03

05 (2 mới)

13 (8 mới)

13