Hội thảo về Xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam

04/04/2018
Hội thảo về Xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam
Vừa qua, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo “Xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam – Một số vấn đề đặt ra”. Đây là một trong những hoạt động của Bộ Tư pháp nhằm triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 về việc phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, trong năm 2018, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ: (i) rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan; và (ii) lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo.
Hội thảo đã quy tụ được rất nhiều đại biểu tham gia, không chỉ các chuyên gia, học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu; các bộ, ngành, như: Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao, Tổng cục Thuế… mà còn có đại diện của các doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam, như: NextTech Group; Vok Smarttech hay Infinitive Blockchain Labs…
Sau phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp đã có bài trình bày tổng quan về tiền ảo (virtual currency) hay tiền mã hóa (cryptocurrency) dưới các góc độ kinh tế - tài chính, công nghệ và pháp lý. Theo đó, tiền ảo không phải mới xuất hiện nhưng lại là hiện tượng đang gây sốt trên toàn thế giới hiện nay; tiền ảo được tạo ra từ việc giải các thuật toán mã hoá phức tạp dựa trên các phần mềm mã nguồn mở sử dụng công nghệ chuỗi khối (điển hình nhất là công nghệ blockchain). Hiện nay có nhiều tên gọi dành cho tiền ảo như là “tiền mã hoá” hay “tiền thuật toán”, tuy nhiên, “tiền ảo” đang là khái niệm được sử dụng rộng rãi nhất. Trên thị trường có khoảng gần 1600 loại tiền mã hoá hay còn gọi là tiền ảo, tổng giá trị vốn hoá thị trường các loại tiền ảo rơi vào khoảng trên 260 tỷ đô la mỹ với lưu lượng giao dịch mỗi ngày ước tính khoảng 11 tỷ đô la mỹ (tính đến ngày 30/3/2018). Ngoài việc gắn liền với sự xuất hiện, ra đời của Bitcoin và rất nhiều loại tiền ảo khác, Blockchain là một công nghệ có rất nhiều tiềm năng ứng dụng vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội như tài chính ngân hàng, quản lý dữ liệu, dân cư, hợp đồng thông minh...
Trong cuộc hội thảo, nhiều các diễn giả đến từ khối doanh nghiệp công nghệ cũng như cơ quan quản lý nhà nước cũng đã đăng ký phát biểu tham luận. Các tham luận có nội dung rất phong phú và mang tính chuyên sâu cao, các chuyên gia, các diễn giả không chỉ phát biểu thuần về kỹ thuật công nghệ thông tin mà còn có những phân tích đánh giá rất chi tiết về hành lang pháp lý dành cho “tiền ảo”. Một số tham luận cụ thể như: hành lang pháp lý quản lý tiền ảo ở các nước trên thế giới do ông Nguyễn Hoà Bình – Chủ tịch tập đoàn công nghệ NextTech; Quản lý sàn giao dịch tiền mã hoá và hoạt động gọi vốn đầu tư ICO – ông Ngô Hoàng Quyền, Đại diện Công ty Cổ phần giao dịch trực tuyến Phương Đông; Khung pháp lý về quản lý thuế đối với tiền ảo – Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng cục thuế, Bộ Tài chính…Ngoài ra, các thành viên “nhóm thực hiện Đề án tiền ảo” của Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cũng đóng góp một số tham luận nghiên cứu về hành lang pháp lý, kinh nghiệm ứng xử với tiền ảo của các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Nhật bản, Canada, Úc, Singapore, Hàn quốc, Trung quốc trên các khía cạnh pháp lý như: đánh thuế đối với tiền ảo; quản lý hoạt động huy động vốn bằng tiền ảo (ICO) cũng như chính sách về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo.
Tại phiên thảo luận của hội thảo, nội dung thảo luận tập trung vào một số vấn đề chính như: bản chất, khái niệm của “tiền ảo”; các ứng dụng của công nghệ tạo nên tiền ảo; sàn giao dịch tiền ảo; sử dụng tiền ảo để gọi vốn thông qua hoạt động ICO…Cụ thể, một số đại biểu băn khoăn về cách sử dụng khái niệm “tiền ảo” vì khái niệm này rất dễ nhầm lẫn với “tiền tệ”; do đó, đề xuất nên gọi “tiền ảo” là “tài sản số” hay “tiền thuật toán”. Liên quan đến các hoạt động huy động vốn bằng cách phát hành tiền ảo (ICO), các đại biểu cho rằng, việc quản lý khâu trung gian (các sàn giao dịch) là một phương án khả thi và cần thiết để có thể quản lý hiệu quả thị trường giao dịch tiền ảo và huy động vốn thông qua tiền ảo; các đại biểu cũng thảo luận nhiều về một trong những công cụ được coi là hiệu quả trong việc quản lý hoạt động mua bán tiền ảo qua sàn giao dịch qua công nghệ định danh khách hàng (KYC – Know Your Customer) - đây là quy trình rất chặt chẽ nhằm xác minh danh tính của các cá nhân khi muốn giao dịch trên một sàn tiền ảo. Một số đại biểu cũng gợi ý rằng, trước khi ban hành những khung pháp lý mới để quản lý tiền ảo, các cơ quan nghiên cứu lập pháp nên tiến hành nghiên cứu, rà soát khung khổ pháp luật hiện hành như pháp luật công nghệ thông tin; pháp luật giao dịch điện tử; pháp luật về dân sự hay pháp luật về chứng khoán để làm rõ “tiền ảo” đã thuộc phạm vi điều chỉnh và là đối tượng áp dụng của các quy phạm pháp luật hiện hành hay chưa. Một đại biểu khác đến từ khối doanh nghiệp khẳng định rằng, muốn quản lý được hiện tượng “tiền ảo” và các công nghệ kèm theo một cách hiệu quả, chúng ta cần phải xác định rõ mục đích của việc quản lý. Ví dụ: quản lý tiền ảo nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước (thu thuế) hay quản lý để tạo môi trường phát triển khoa học, công nghệ.
Kết thúc phiên họp, các đại biểu đều nhất trí rằng, cần ban hành khung pháp lý để quản lý các hoạt động mua bán, giao dịch tiền ảo tại Việt Nam. Cụ thể, phải có cơ chế pháp lý để quản lý khâu trung gian của hoạt động mua bán, trao đổi, giao dịch các loại “tiền ảo” là sàn giao dịch, theo đó, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành khung pháp lý nhằm quy định rõ các điều kiện để có thể thành lập sàn; cũng như các điều kiện cụ thể dành cho các cá nhân, nhà đầu tư muốn giao dịch qua sàn; các quy định nhằm bảo đảm giải quyết các rủi ro, các tranh chấp có thể xảy ra giữa sàn với các nhà đầu tư hoặc giữa các nhà đầu tư với nhau.
Tuấn Linh – PLDSKT