Cục ĐKQGGDBĐ họp góp ý dự thảo Báo cáo rà soát pháp luật về đăng ký tài sản

26/05/2017
Cục ĐKQGGDBĐ họp góp ý dự thảo Báo cáo rà soát pháp luật về đăng ký tài sản
Thực hiện sự phân công của Lãnh đạo Bộ Tư pháp về việc giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất xây dựng hồ sơ chính sách pháp luật về đăng ký tài sản, trong thời gian vừa qua, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã thực hiện các hoạt động nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về đăng ký tài sản và dự kiến những quan điểm và định hướng lớn trong xây dựng xây dựng Luật Đăng ký tài sản. Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo rà soát pháp luật nêu trên làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách pháp luật của Luật đăng ký tài sản, ngày 25/5/2017, Cục Đăng ký tổ chức họp cuộc góp ý dự thảo Báo cáo tại trụ sở Cục Đăng ký.
Tham dự cuộc họp có ông Đinh Trung Tụng - Chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp; đại diện các đơn vị thuộc các Bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; chuyên gia dài hạn của dự án Jica (ông Hajime Kawanishi - Cố vấn trưởng và ông Masanori Tsukahara - chuyên gia dài hạn của Dự án); một số chuyên gia trong lĩnh vực đất đai.
Thay mặt cho đơn vị chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự thảo Báo cáo, bà Nguyễn Chi Lan - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đã trình bày kết quả rà soát pháp luật về đăng ký tài sản và đề xuất quan điểm, định hướng hoàn thiện pháp luật về đăng ký tài sản với những nội dung cơ bản như: đánh giá thực trạng pháp luật về đăng ký tài sản trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Bộ luật dân sự năm 2015, pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản, pháp luật về đăng ký phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa…; đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại của pháp luật hiện hành về đăng ký tài sản; một số nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đăng ký tài sản trong thời gian qua và đưa ra quan điểm, định hướng xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về đăng ký tài sản.
 

Đa số các đại biểu tham dự cuộc họp đều đánh giá cao nội dung dự thảo Báo cáo, cơ bản dự thảo Báo cáo đã rà soát một cách đầy đủ, toàn diện các quy định của pháp luật có liên quan về đăng ký tài sản. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Báo cáo còn thiếu phần đánh giá các thủ tục đăng ký, đơn vị chủ trì nghiên cứu cần phải phối hợp chặt chẽ hơn với các Bộ ngành trong việc tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật có liên quan về đăng ký tài sản nhằm phục vụ cho việc đề xuất xây dựng luật chung hay luật sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, một số đại biểu cho rằng, đơn vị chủ trì cần nghiên cứu kỹ hơn về phạm vi điều chỉnh của luật này, theo đó, luật này có quy định về nội dung không hay chỉ quy định về thủ tục.
Các chuyên gia Nhật Bản cũng đã trao đổi và đề nghị đơn vị chủ trì nghiên cứu, cân nhắc một số một số vấn đề liên quan đến dự thảo Báo cáo như: xác định rõ phạm vi tài sản thuộc đối tượng đăng ký theo Luật Đăng ký tài sản theo đó, không nên quy định đăng ký những tài sản chịu sự ràng buộc của các Điều ước quốc tế; một số vấn đề thuộc luật nội dung nhưng cần cân nhắc khi xây dựng Luật Đăng ký tài sản như thời điểm phát sinh, thời điểm chuyển quyền, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Trên cơ sở kết quả cuộc họp, ông Phạm Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Đăng ký thay mặt cho đơn vị chủ trì khẳng định, những ý kiến của các đại biểu và các chuyên gia tham dự cuộc họp sẽ được nhóm xây dựng dự thảo Báo cáo nghiên cứu, tiếp thu và tiếp tục chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Báo cáo nêu trên trước khi báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp trong tháng 6 năm 2017.
Nguyễn Hoa - Cục Đăng ký QGGDBĐ