Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp

23/12/2016
Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp
Ngày 22/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (THPL) Hồ Quang Huy nhấn mạnh, công tác theo dõi THPL ngày càng có bước phát triển, chú trọng thực hiện thông qua việc ban hành kế hoạch hoạt động, kiểm tra, xử lý thông tin trong các lĩnh vực do Bộ, ngành Tư pháp quản lý. Mặc dù đây là công tác mới, khó khăn nhưng Đại hội Đảng XII đã chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức THPL và Hiến pháp năm 2013 cũng quy định một trong những nhiệm vụ quan trọng của các bộ là tổ chức, theo dõi THPL nên theo ông Huy, cần thiết phải đổi mới, nỗ lực hơn nữa. Vì vậy, bên cạnh trao đổi những kết quả đạt được, ông Huy đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá khó khăn, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Chia sẻ về những kết quả đạt được của công tác theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm của Bộ Tư pháp, đại diện Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL cho biết, trong 2 năm 2015 – 2016, Bộ Tư pháp đều lựa chọn các lĩnh vực theo dõi trọng tâm. Qua đó các đơn vị có lĩnh vực được lựa chọn đã chú trọng, quan tâm hơn tới công tác theo dõi THPL từ việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến việc đảm bảo các điều kiện THPL và nhất là thực hiện các hoạt động theo dõi THPL (kiểm tra tình hình THPL, điều tra, khảo sát, xử lý thông tin tình hình THPL). Tuy nhiên, việc nắm bắt, thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình THPL còn nhiều hạn chế. Các đơn vị vẫn chưa chủ động, tích cực và chưa nắm bắt rõ về nghiệp vụ thực hiện hình thức theo dõi tình hình THPL.
Trong thời gian tới, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ quan tâm bố trí cán bộ, kinh phí để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác theo dõi tình hình THPL thuộc phạm vi quản lý của đơn vị mình; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL tại đơn vị mình. Các đơn vị cần xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn của Bộ về kế hoạch theo dõi THPL hàng năm, giải quyết triệt để các kiến nghị về tình hình theo dõi THPL trong phạm vi quản lý…

Một số đơn vị thuộc Bộ cũng phản ánh những vướng mắc trong công tác theo dõi THPL thuộc lĩnh vực quản lý của mình, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ. Đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cho rằng, trong năm 2017, cần tiếp tục chỉ đạo và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực hộ tịch, nhất là lĩnh vực hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng kiến nghị Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, tạo điều kiện để Cục Công nghệ thông tin tiếp tục mở rộng phạm vi các tỉnh được triển khai sử dụng phần mềm đăng ký khai sinh và triển khai thí điểm phần mềm hộ tịch dùng chung.
Đại diện Cục Con nuôi cũng cho rằng phải tăng cường kiểm tra thực tế để nắm bắt được nguồn thông tin. Cục Con nuôi còn đề xuất tăng cường nguồn lực cán bộ; xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về những vụ việc cụ thể trong việc thực hiện pháp luật về nuôi con nuôi; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật tới người dân, cán bộ tư pháp – hộ tịch qua các kênh thông tin báo chí, phương tiện truyền thông…
Đại diện một số đơn vị bày tỏ sự quan tâm đến việc hoàn thiện đội ngũ cán bộ làm công tác theo dõi THPL. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế thì cần tính đến giải pháp năng động hơn như nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác theo dõi, có chế độ khen thưởng, động viên kịp thời…
                                                            H.Thư