Tọa đàm với chuyên gia Pháp về xây dựng Luật Đăng ký tài sản

14/07/2016
Tọa đàm với chuyên gia Pháp về xây dựng Luật Đăng ký tài sản
Trong khuôn khổ hợp tác gữa Bộ Tư pháp Việt Nam với Đại sứ quán Pháp, nhằm triển khai các hoạt động nghiên cứu xây dựng Luật Đăng ký tài sản, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm giữa các chuyên gia Pháp với chuyên gia pháp luật của Việt Nam về xây dựng Luật Đăng ký tài sản tại Việt Nam” từ ngày 11 đến ngày 13 tháng 7 năm 2016 tại trụ sở Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.
Tham dự Tọa đàm, về phía chuyên gia dự án có ông Michel Grimaldi - Giáo sư Đại học Paris II, ông Jacoby - Công chứng viên tại Pháp, ông Nguyễn Ngọc Điện - Phó Giáo sư, Tiến sĩ trường Đại học Kinh tế - Luật thành phố Hồ Chí Minh và một số chuyên gia khác của Pháp. Về phía Việt Nam, chủ trì Tọa đàm là bà Nguyễn Chi Lan  - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cùng các đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức như Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Tổng  cục Thi hành án dân sự, Cục Bổ trợ tư pháp), Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Hà Nội và một số tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Trong 03 ngày làm việc giữa chuyên gia Pháp với chuyên gia, đại biểu của Việt Nam, Tọa đàm đã xoay quanh những nội dung chính sau đây:

Tọa đàm đã nghe các chuyên gia Pháp giới thiệu tổng quan về quá trình xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản ở Pháp và một số nội dung cơ bản của pháp luật Pháp về đăng ký tài sản. Ở Pháp có hai hệ thống là hệ thống đăng ký tài sản áp dụng chung cho toàn nước Pháp và hệ thống đăng ký tài sản đặc thù dành riêng cho vùng Alsace và Moselle. Quá trình xây dựng pháp luật về đăng ký tài sản ở Pháp đã trải qua 05 giai đoạn (trước năm 1989, từ năm 1789 đến năm 1799, giai đoạn gắn với sự ra đời của Bộ luật dân sự Pháp năm 1804, giai đoạn gắn với sự ra đời của đạo luật năm 1855 và giai đoạn gắn với sự ra đời của Nghị định năm 1955). Theo đó, pháp luật hiện hành về đăng ký tài sản ở Pháp có một số điểm đặc thù như: (1) về giá trị pháp lý của đăng ký tài sản: việc đăng ký có giá trị đối kháng với người thứ ba; (2) về cơ quan đăng ký: đối với hệ thống pháp luật áp dụng chung cho toàn nước Pháp thì cơ quan đăng ký bất động sản trực thuộc Bộ Tài chính; đối với vùng Alsace và Moselle thì cơ quan đăng ký bất động sản là Tòa án trực thuộc Bộ Tư pháp; (3) về phương thức đăng ký: hiện nay ở Pháp áp dụng phương thức đăng ký trực tuyến và người yêu cầu đăng ký là công chứng viên. Pháp đã thực hiện việc số hóa giấy tờ trong hồ sơ đăng ký và có phần mềm giúp Công chứng viên hoàn thiện việc công chứng cũng như tích hợp dữ liệu với hệ thống đăng ký của cơ quan đăng ký. Bên cạnh đó, chuyên gia Pháp cũng làm rõ hơn những vấn đề pháp lý xung quanh việc đăng ký tài sản là quyền bề mặt và quyền hưởng dụng tại Pháp để từ đó so sánh, bình luận về các quy định có liên quan đến quyền bề mặt, quyền hưởng dụng theo pháp luật Việt Nam.  
Tọa đàm cũng nghe bà Nguyễn Chi Lan giới thiệu tổng quan các quy định pháp luật hiện hành về đăng ký tài sản tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, chuyên gia Pháp bình luận và đưa ra các khuyến khị xây dựng, hoàn thiện pháp luật đăng ký tài sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Kết thúc 03 ngày làm việc tích cực và hiệu quả, thay mặt phía Việt Nam, bà Nguyễn Chi Lan trân trọng cảm ơn chuyên gia Pháp đã có những chia sẻ thẳng thắn, hữu ích, giúp cho đơn vị chủ trì Tọa đàm và cũng là đơn vị được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì xây dựng dự thảo luật có những kiến thức lý luận và thực tiễn về đăng ký tài sản, qua đó giúp ích cho việc triển khai nghiên cứu, xây dựng Luật Đăng ký tài sản trong thời gian tới./.
 
Nguyễn Hoa - Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm