Hội thảo “Thương mại hóa sáng chế và công nghệ cho khối các trường đại học của Việt Nam”

13/06/2016
Hội thảo “Thương mại hóa sáng chế và công nghệ cho khối các trường đại học của Việt Nam”
Ngày 10/6/2016, tại Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã tổ chức Hội thảo: “Thương mại hoá sáng chế và công nghệ cho khối các trường đại học của Việt Nam”.
Ông Peter N. Fowler, Tuỳ viên Sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á, Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Sứ quán Hoa Kỳ tại Bangkok, Thái Lan chủ trì Hội thảo.
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội nói: “Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế khu vực và thế giới, các vấn đề liên quan đến pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp.  Đặc biệt, việc Việt Nam cùng với 11 quốc gia thành viên đã ký Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sẽ phê chuẩn Hiệp định này trong thời gian sắp tới sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội khi tham gia vào thị trường của những nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay. Cùng với những cơ hội là không ít những thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể hội nhập vững vàng ở “sân chơi” TTP. Các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ và pháp luật sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung mà Việt Nam cần đặc biệt quan tâm chuẩn bị khi tham gia sân chơi này. Để làm tốt được điều này, việc tạo những cơ hội trao đổi nhằm hiểu biết đầy đủ hơn về các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ cũng như chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm liên quan đến việc thực hành pháp luật về sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với các nhà hoạch định, xây dựng chính sách, pháp luật, các nhà quản lý, thực hành luật, các doanh nghiệp, cũng như giới học thuật”.

Tại Hội thảo, ông Peter N. Fowler đã giới thiệu về hệ thống cấp bằng sáng chế của Hoa Kỳ: Bằng sáng chế cho thiết kế và bằng sáng chế giải pháp hữu ích. Những vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ như: “Bảo hộ kiểu dáng ở Hoa Kỳ”, “Vai trò của môi trường và khung sở hữu trí tuệ đối với khuyến khích đổi mới và sáng tạo”, “Các vấn đề chuyển giao công nghệ ở khu vực châu Á Thái Bình Dương: Bài học từ kinh nghiệm của Hoa Kỳ” cũng đã được ông Peter N. Fowler trình bày tại Hội thảo. Đặc biệt, tại Hội thảo, “thảo luận bàn tròn về chiến lược nghiên cứu và đăng ký sáng chế của các trường đại học” và “thảo luận bàn tròn về quản lý công nghệ và tài sản trí tuệ trong môi trường đại học: chính sách và thực tiễn” đã diễn ra với nhiều ý kiến, tham luận của những người tham gia.

Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã triển khai thành công nhiều hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của Trường. Việc “đồng sáng kiến” tổ chức Hội thảo này một lần nữa khẳng định mối quan hệ tích cực và hiệu quả giữa Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng như các đối tác khác của cả hai bên.
                                                                                                           Hồng Thu