Hội thảo về tư pháp chưa thành niên của Việt Nam và kinh nghiệm của cộng hòa liên bang Đức

15/04/2016
Hội thảo về tư pháp chưa thành niên của Việt Nam và kinh nghiệm của cộng hòa liên bang Đức
Trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giai đoạn 2015 – 2018 giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, trong hai ngày 12 và 13 tháng 4 năm 2016, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) tổ chức Hội thảo về tư pháp chưa thành niên của Việt Nam và kinh nghiệm của cộng hòa liên bang Đức.
Hội thảo có sự tham gia của Bà Victoria Börner - Đại diện Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ), Ông Michael Klein, Thẩm phán Tòa án Cologne CHLB Đức và đại diện đến từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan có liên quan.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính nêu rõ tầm quan trọng của trẻ em và trách nhiệm của Nhà nước đối với trẻ em. Trong những năm qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em nhằm tạo cơ hội để các em được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và phát triển trên tất cả các lĩnh vực và có một cuộc sống tốt đẹp, cố gắng hạn chế tình trạng trẻ em vi phạm pháp luật, phạm tội.
Đáng tiếc là tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên cũng vẫn chưa giảm. Số trẻ em tham gia tố tụng dân sự trong các vụ án ly hôn, cấp dưỡng, hạn chế quyền làm cha mẹ v.v… hiện chưa thống kê được nhưng rất nhiều. Thêm vào đó, hệ thống xử lý vi phạm cũng như bảo vệ trẻ em trong hoạt động tố tụng của Việt Nam còn một số bất cập, hạn chế.
Hiện nay, Việt Nam đã có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với các quy định riêng, đặc thù về chính sách xử lý cũng như thủ tục tố tụng áp dụng đối với người chưa thành niên và đang được tiếp tục hoàn thiện, tuy nhiên, hệ thống văn bản này vẫn chưa thiết kế được một hệ thống tư pháp riêng dành cho người chưa thành niên, trong đó quy định một cách tập trung, thống nhất các vấn đề về tư pháp người chưa thành niên, bao gồm cả chính sách xử lý, thủ tục tố tụng và thiết chế đặc thù cũng như vấn đề bảo vệ, hỗ trợ đặc biệt đối với người chưa thành niên. Về lâu dài, cần nghiên cứu để thống nhất hệ thống xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đây cũng là kinh nghiệm của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việc nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, trong đó có Cộng hòa Liên bang Đức, là vô cùng cần thiết. Hội thảo là cơ hội tốt để chúng ta chia sẻ, trao đổi thông tin về thực trạng pháp luật nước ta về tư pháp người chưa thành niên cũng như kinh nghiệm pháp luật và thực tiễn của Cộng hòa liên bang Đức về hệ thống tư pháp người chưa thành niên.

Tại Hội thảo, Ông Michael Klein giới thiệu về Luật Hình sự thanh niên của Cộng hòa liên bang Đức, từ quá trình hình thành, tư tưởng giáo dục và hệ quả đến chế tài trong tố tụng hình sự thanh niên và thi hành chế tài, Toà án thanh niên, thành phần tham gia quá trình tố tụng hình sự thanh niên; các đặc điểm của tố tụng hình sự thanh niên;, ... Đồng thời, ông Michael Klein chia sẻ kinh nghiệm của Đức trong việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong đó nhấn mạnh đối với các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên chỉ nhằm mục đích giáo dục, các biện pháp tước tự do gồm quản chế, phạt tù,… các Thẩm phán chỉ đưa ra trong các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, nếu áp dụng các biện pháp tước tự do đối với người chưa thành niên, thì thời gian áp dụng các biện pháp này cũng rất ngắn, như biện pháp quản chế thời hạn tối đa chỉ có 4 tuần, trong trường hợp phạt tù, thì các thẩm phán cũng xem xét để chuyển sang án treo, hoặc giảm án trước thời hạn.
Ngoài ra, một kinh nghiệm của Đức đối với việc giáo dục người chưa thành niên là sự tham gia của tổ chức phi chính phủ. Theo ông Michael Klein chia sẻ sự phối hợp này đem lại hiệu quả cao, sự phối hợp của Tòa án với các tổ chức phi chính phủ trong việc giáo dục người chưa thành niên theo mô hình tổ chức phi chính phủ cung cấp dịch vụ - và Nhà nước trả tiền để thực hiện các dịch vụ này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia Việt Nam cũng giới thiệu về các quy định và thực trạng của Việt Nam trong việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật và trao đổi với chuyên gia Đức và các đại biểu tham dự hội thảo về các vấn đề của Việt Nam.
Hội thảo đã diễn ra thành công trong không khí cởi mở với sự tham gia thảo luận sôi nổi của đại biểu. Chuyên gia Đức đã cung cấp nhiều thông tin về hệ thống pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn trong việc xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Các thông tin này là kinh nghiệm quý đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp cho người chưa thành niên. Bà Victoria Börner - Đại diện Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (IRZ) cũng đánh giá cao thành công của hội thảo và hy vọng trong thời gian sắp tới, hợp tác giữa Việt Nam và Đức về vấn đề tư pháp đối với người chưa thành niên sẽ được đẩy mạnh.