Sơ kết đào tạo thí điểm cử nhân ngành Luật thương mại quốc tế k36 hệ chính quy

12/06/2015
Sơ kết đào tạo thí điểm cử nhân ngành Luật thương mại quốc tế k36 hệ chính quy
Sáng ngày 10/6/2015, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết đào tạo thí điểm cử nhân ngành luật thương mại quốc tế K36 hệ chính quy với nội dung trọng tâm là lấy ý kiến công khai của sinh viên K36 ngành luật thương mại quốc tế về quá trình đào tạo sinh viên K36 ngành luật thương mại quốc tế.

Tham gia Hội nghị có TS. Trần Quang Huy - Phó Hiệu trưởng, TS. Chu Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng cùng toàn thể cán bộ, giảng viên Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường và toàn thể sinh viên K36, đại diện sinh viên K37, K38, K39 ngành luật thương mại quốc tế.

Tại Hội nghị, TS. Lê Đình Nghị - Trưởng phòng Đào tạo đã báo cáo khái quát về việc thực hiện chương trình đào tạo và kết quả học tập của sinh viên K36 ngành luật thương mại quốc tế. Theo đó, từ năm 2011, Trường Đại học Luật Hà Nội đã thực hiện Chương trình thí điểm đào tạo hệ chính quy trình độ đại học ngành luật thương mại quốc tế ban hành kèm theo Quyết định số 1826/QĐ-ĐHLHN ngày 05/9/2011. Khoá học đầu tiên áp dụng Chương trình là Khoá 36 với 136 sinh viên đăng ký, được tổ chức thành 2 lớp là K3625, K3626. Đến năm 2015, Trường đã tổ chức được 4 khoá (K36, K37, K38, K39) với gần 450 sinh viên học mã ngành luật thương mại quốc tế. Trong đợt xét tốt nghiệp này dự kiến có 116/136 sinh viên K36 ngành luật thương mại quốc tế đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Về tình hình nguồn nhân lực tham gia đào tạo ngành thương mại quốc tế, TS. Nguyễn Thanh Tâm - Trưởng Khoa pháp luật thương mại quốc tế cho biết: Đến tháng 6/2015, Khoa Pháp luật thương mại quốc tế có 17 giảng viên cơ hữu, trong đó có 3 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 4 thạc sĩ được đào tạo dài hạn, ngắn hạn ở nước ngoài, được phát triển theo hướng có đủ trình độ chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở tất cả các môn học về pháp luật thương mại quốc tế và có liên quan. Khoa cũng đã hình thành được đội ngũ giảng viên thỉnh giảng, cộng tác viên nghiên cứu trong và ngoài trường, trong và ngoài nước với số lượng 60 người, bao gồm các giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ; chuyên gia các bộ, ngành; các luật sư làm việc cho các công ty luật nước ngoài (như Baker & McKenzie, Allen Arthur Robinson, YKVN, VILAF); các chuyên gia pháp luật cao cấp của các dự án nước ngoài...

Với nội dung trọng tâm là lấy ý kiến công khai, trực tiếp của sinh viên về tất cả các vấn đề liên quan đến quá trình đào tạo K36 ngành luật thương mại quốc tế, đã có hơn 10 lượt ý kiến của sinh viên tại Hội nghị. Nhìn chung, các sinh viên đều đánh giá chương trình đào tạo ngành luật thương mại quốc tế là chương trình đào tạo hiện đại, tiên tiến, tiếp cận được với pháp luật quốc tế trong bối cảnh hội nhập…. Tại Hội nghị, các sinh viên đã mạnh dạn  đưa ra các ý kiến đóng góp cho chương trình đào tạo K36 ngành luật thương mại quốc tế.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, TS. Chu Mạnh Hùng đánh giá: Các vấn đề được sinh viên nêu ra tại Hội nghị đều hết sức thiết thực, Nhà trường sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý này để trên cơ sở đó nghiên cứu, đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng, thương hiệu ngành luật thương mại quốc tế của Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tiếp sau Hội nghị này, Nhà trường sẽ Tổ chức Hội nghị sơ kết lần 2 dành cho đối tượng giảng viên tham gia đào tạo ngành luật thương mại quốc tế. Kết quả của hai Hội nghị này sẽ được sử dụng làm cơ sở báo cáo kết quả đào tạo và việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên K36 ngành luật thương mại quốc tế, trình Bộ Giáo dục và Đào tạo./.