Học viện Tư pháp: Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học

08/12/2011
Trong 2 ngày 5, 6/12/2011, Học viện Tư pháp đã tiến hành nghiệm thu 2 Đề tài khoa học cấp cơ sở. Đây là 2 công trình khoa học do các đơn vị của Học viện Tư pháp đăng ký và triển khai thực hiện. Hai công trình nghiên cứu đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về tính nghiêm túc trong việc nghiên cứu cũng như những đóng góp của đề tài vào trong các hoạt động thực tiễn của Học viện Tư pháp.

Đề tài “Kiện Toàn tổ chức, cán bộ nâng cao năng lực hoạt động của Học viện Tư pháp” do ThS. Phương Văn Ngọc làm chủ nhiệm đã nghiên cứu tổng thể quá trình hoạt động của Học viện Tư pháp, đánh giá công tác xây dựng tổ chức, bộ máy Học viện trong thời gian qua. Mặc dù đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, nhưng chất lượng hoạt động của Học viện vẫn còn nhiều điểm hạn chế, bất cập mà một phần nguyên nhân là do công tác xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ. Trước yêu cầu mới về công tác đào tạo các chức danh tư pháp, xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp, công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy Học viện trong thời gian tới cần phải có những thay đổi phù hợp và nhóm nghiên cứu đã đưa ra mô hình tổ chức bộ máy, cán bộ và đề xuất các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức, cán bộ của Học viện trong thời gian tới.

Đề tài “Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng thừa phát lại ở Việt Nam” do TS. Lê Thu Hà làm chủ nhiệm đã phân tích làm rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh Thừa phát lại; chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển nghề thừa phát lại. Đề tài cũng đã đánh giá thực tiễn hoạt động thí điểm Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó nhóm tác giả đề tài đã đề xuất, kiến nghị nội dung chương trình, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp để góp phần đưa hoạt động nghề nghiệp của Thừa phát lại được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Nguyễn Tuấn Long