Tọa đàm về “Các biện pháp đưa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vào cuộc sống”

07/12/2011
Thực hiện nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2011, ngày 01/12/2011, tại thành phố Cần Thơ, Cục Bồi thường nhà nước phối hợp với dự án JICA, Nhật Bản tổ chức Tọa đàm về “Các biện pháp đưa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vào cuộc sống” với thành phần đại biểu bao gồm đại diện lãnh đạo và công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố: Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, đại diện các Sở, ban, ngành tại thành phố Cần Thơ và các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và cấp huyện tại thành phố Cần Thơ.

Qua thảo luận, các đại biểu cho biết: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã có tác động tích cực tới đời sống kinh tế - xã hội và nhận thức, ý thức trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc như: thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường mặc dù được quy định đầy đủ, chặt chẽ nhưng chưa thực sự tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; việc triển khai nhiệm vụ quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành về bồi thường nhà nước của Sở Tư pháp còn nhiều hạn chế do bồi thường nhà nước là một lĩnh vực mới, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể…

Liên quan đến việc thúc đẩy hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường ở địa phương, các đại biểu phản ánh: ngay sau khi liên bộ Tư pháp và Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch số 18/2011/TTLT-BTP-BNV ngày 19/10/2011 hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và Bộ trưởng Bộ Tư pháp có Công văn số 7093/BTP-BTNN ngày 16/11/2011 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị bố trí biên chế tại Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp để thực hiện công tác bồi thường nhà nước, nhiều Sở Tư pháp đã khẩn trương phối hợp với Sở Nội vụ để xây dựng đề án cấp biên chế bổ sung cho Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho biết, trong điều kiện chưa có văn bản hướng dẫn về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí về bồi thường nhà nước, việc Bộ Tư pháp có Công văn số 6570/BTP-BTNN ngày 27/10/2011 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc lập dự toán kinh phí bồi thường cho năm 2012 đã tạo căn cứ để Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính để lập dự toán kinh phí bồi thường nhà nước cho năm 2012 trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Qua Toạ đàm, các đại biểu đã đề xuất nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy việc đưa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đi vào cuộc sống như: tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thúc đẩy công tác quản lý chuyên ngành về bồi thường nhà nước ở địa phương; sớm có kế hoạch sơ kết 3 năm thi hành Luật TNBTCNN để phát hiện những khó khăn, vướng mắc qua đó có đề xuất biện pháp tháo gỡ, giải quyết…

Lê Thái Phương - Cục Bồi thường nhà nước