Cục Trợ giúp pháp lý kỷ niệm 14 năm ngày thành lập

08/09/2011
Trong không khí cởi mở và thân tình, tối ngay 6/9 vừa qua, Cục Trợ giúp pháp lý đã tổ chức lễ kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Cục. Tới dự chia vui với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức các thế hệ của Cục có nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng và Phạm Quý Tỵ cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.

Từ sáng kiến của Bộ Tư pháp, ngày 6/9/1997, Cục Trợ giúp pháp lý chính thức được thành lập bằng Quyết định số 734/TTg của Thủ tướng Chính phủ. 14 năm - tuy chưa dài nhưng Cục đã đạt được nhiều mốc son trong quá trình phát triển của mình. Buổi đầu ra đời chỉ có 6 cán bộ, 4 phòng chức năng, 7 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn, thì đến nay Cục Trợ giúp pháp lý đã thực sự lớn mạnh và trưởng thành. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Cục lên đến 53 người với 4 phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 2 đơn vị sự nghiệp. Trong nhiều năm liền, Cục được đánh giá là đơn vị Lá cờ đầu của ngành Tư pháp, là đơn vị kiểu mẫu của Bộ.

Với sự nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công chức, Cục đã đạt được nhiều kết quả trên các mặt công tác, đặc biệt là công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, theo dõi thi hành pháp luật về trợ giúp pháp lý, hướng dẫn và chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với địa phương. Qua đó, Cục Trợ giúp pháp lý đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước năm 2007, Cờ thi đua của Chính phủ năm 2008, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích đột xuất, xuất sắc trong 3 năm thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2009…

Hiện Cục Trợ giúp pháp lý được Bộ trưởng tin tưởng giao trên 20 đầu nhiệm vụ với rất nhiều nhiệm vụ mới như: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển trợ giúp pháp lý; Hướng dẫn, theo dõi việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý; Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp chứng chỉ bồi dưỡng cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý; Thanh tra, kiểm tra tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và hoạt động trợ giúp pháp lý; Kiểm tra, đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý; Chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng và thực hiện quản lý Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam; Thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật… Đặc biệt là, nghiên cứu để thu hút nguồn lực xã hội tham gia trợ giúp pháp lý và đã hỗ trợ thành lập Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam.

Cảm ơn lãnh đạo Bộ luôn tạo điều kiện cho Cục hoàn thành nhiệm vụ, Cục trưởng Tạ Thị Minh Lý mong muốn, trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Bộ. Cục trưởng Lý cũng nhắn gửi tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Cục hãy đoàn kết, nhất trí hơn nữa để phát triển chuyên môn nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ khi bước sang tuổi 15. “Cục Trợ giúp pháp lý sẽ tiếp tục kiện toàn và nâng cấp tổ chức bộ máy, đặc biệt là tăng cường năng lực cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý bảo đảm trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng dịch vụ và quản lý chuyên ngành về trợ giúp pháp lý trong điều kiện mở rộng xã hội hóa công tác trợ giúp pháp lý và mở rộng diện đối tượng được trợ giúp pháp lý” - bà Lý cam kết.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, so với các lĩnh vực khác, công tác trợ giúp pháp lý còn non trẻ nhưng đã đạt được nhiều kết quả, được lãnh đạo Bộ và nhân dân ghi nhận. Về thể chế, hệ thống pháp luật về trợ giúp pháp lý đã cơ bản hoàn thiện với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và nhiều văn bản hướng dẫn. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 - chiến lược đầu tiên của toàn ngành Tư pháp. 14 năm qua, đã có hàng triệu người nghèo, người yếu thế được trợ giúp pháp lý miễn phí và đối tượng được trợ giúp pháp lý cũng ngày càng được mở rộng hơn. Hiện nay, trong cả nước, mạng lưới Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý với khoảng 400 Trợ giúp viên và hơn 9 nghìn cộng tác viên, đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của xã hội, được phép tham gia phiên tòa như luật sư. Trợ giúp pháp lý đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân, nhất là người nghèo.

Về phần Cục Trợ giúp pháp lý, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng khẳng định, Cục luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ, thể hiện qua việc có nhiều Huân chương, Bằng khen… Với cá nhân Cục trưởng cũng đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng, nhiều Bằng khen của Bộ trưởng… và còn đạt danh hiệu Phụ nữ Việt Nam năm 2010. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng tin tưởng, công tác trợ giúp pháp lý  nói chung và Cục Trợ giúp pháp lý nói riêng sẽ tiếp tục giành được sự tin yêu của người dân cũng như phát huy mạnh mẽ vai trò, vị trí của mình trong xã hội.

Cẩm Vân