Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức Tọa đàm về tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm

27/07/2011
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tổ chức Tọa đàm về tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm
Ngày 22/7/2011, Cục Đăng  ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) đã phối hợp với Dự án hỗ trợ thi hành pháp luật về hội nhập kinh tế của Cơ quan hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) tổng kết, đánh giá thực tiễn 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (sau đây gọi là Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tọa đàm do TS Vũ Đức Long, Cục trưởng Cục Đăng ký QGGDBĐ và Ông John Bentley, Cố vấn trưởng Pháp luật, Dự án USAID đồng chủ trì. Tham dự Tọa đàm có đại diện Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, đại diện Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Tòa án nhân dân, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, các tổ chức tín dụng, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận; một số chuyên gia về pháp luật dân sự của Đại học Luật TP.HCM, Đại học Kinh tế - Luật thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh).

Các bài tham luận và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Tọa đàm khẳng định sự ra đời của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP đã tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng một cách bền vững, qua đó phát huy tối đa mọi nguồn lực phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó nổi bật là các vấn đề như: (i) Tăng cường khai thác giá trị kinh tế của tài sản bảo đảm một cách an toàn; (ii) Tăng cường quyền tự do cam kết, thoả thuận, tự chịu trách nhiệm của các chủ thể; (iii) xác định một trật tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác có liên quan và (iv) Tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ… Tuy nhiên, bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ một số vướng mắc phát sinh trong thực tiễn rất cần được nghiên cứu, giải quyết trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, ví dụ như: (i) thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên nhận bảo lãnh với bên nhận cầm cố, bên nhận thế chấp; (ii) việc kiểm soát tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện thủy nội địa; (iii) việc đầu tư làm tăng giá trị của tài sản thế chấp và (iv) việc xử lý tài sản bảo đảm bằng các phương thức cụ thể...

Việc tổng kết, đánh giá thực tiễn 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 163/2006/NĐ-CP giúp Cục Đăng ký nhìn nhận, đánh giá toàn diện những vấn đề “nổi cộm” trong thực tiễn để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan, ./.

Dương Thị Thu Trang