Khảo sát thực tiễn tình hình xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế

24/06/2011
Khảo sát thực tiễn tình hình xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Căn cứ vào Quyết định số 496/QĐ-BTP ngày 14/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch hoạt động năm 2011 của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và trong khuôn khổ Chương trình đối tác tư pháp (Dự án JPP) do Liên minh Châu Âu, Thụy Điển và Đan Mạch tài trợ, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã tổ chức khảo sát về tình hình thực hiện Luật Lý lịch tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tại tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm đánh giá thực trạng xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương từ ngày 20/6/2011 đến ngày 22/6/2011.

Đoàn khảo sát do đồng chí  Đặng Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia làm Trưởng đoàn cùng một số cán bộ cấp phòng và chuyên viên đang công tác tại Trung tâm.

Trong thời gian tiến hành khảo sát, Đoàn đã có buổi làm việc với Lãnh đạo Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế về tình  hình thực hiện công tác lý lịch tư pháp tại Sở. Đồng chí Dương Quang Tương, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: trong giai đoạn đầu thực hiện công tác xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp,  mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất cập (biên chế hạn hẹp, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Lý lịch tư pháp ban hành chậm, phần mềm tin học xử lý dữ liệu lý lịch tư pháp để áp dụng thống nhất cho các địa phương trong toàn quốc chưa có…). nhưng lãnh đạo Sở Tư pháp rất quan tâm, tập trung cho công tác quản lý lý lịch tư pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sở Tư pháp cũng chú trọng đến việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong tỉnh để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và bảo đảm đáp ứng yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân ở địa phương (trong năm 2010, Sở Tư pháp đã cấp phiếu lý lịch tư pháp cho 4900 trường hợp; năm 2011, tính đến 20/6, Sở đã cấp 1200 phiếu lý lịch tư pháp); bước đầu đưa vào áp dụng phần mềm tin học hóa xử lý dữ liệu lý lịch tư pháp.

Đoàn đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức buổi Tọa đàm về xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương. Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo một số cơ quan có liên quan như: Tòa án nhân dân tỉnh, Sở Nội vụ, Phòng quản lý hồ sơ nghiệp vụ Công an tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo và cán bộ đang làm công tác lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế….

Đồng chí Đặng Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm, đã nêu rõ mục đích của buổi Tọa đàm là để có cơ hội trực tiếp trao đổi, mạn đàm với đại diện lãnh đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương về thực tiễn thực thi Luật Lý lịch tư pháp, cơ chế phối hợp và trách nhiệm của mỗi cơ quan trong công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan của tỉnh đã trình bày báo cáo tham luận, thẳng thắn trao đổi những băn khoăn, vướng mắc trong thực tiễn ở địa phương, chân thành chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những đề xuất, kiến nghị trong việc trao đổi, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp giữa các cơ quan, về thời hạn cấp Phiếu lý lịch tư pháp, xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, vấn đề bảo đảm nhân lực, kinh phí phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý lý lịch tư pháp… để việc thực thi những quy định của Luật Lý lịch tư pháp được thuận lợi, đạt hiệu quả thiết thực.

Thay mặt Đoàn khảo sát, đồng chí Đặng Thanh Sơn cảm ơn sự hợp tác chặt chẽ, phương pháp làm việc hiệu quả, trách nhiệm của lãnh đạo Sở Tư pháp, lãnh đạo các ban ngành hữu quan tại địa phương, tạo điều kiện cho Đoàn tìm hiểu tình hình thực tiễn về lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, hiệu quả. Đồng chí cũng thẳng thắn trao đổi cùng các đại biểu dự Tọa đàm về những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn trong công tác lý lịch tư pháp tại địa phương mà các đại biểu đã nêu, đồng thời cũng lưu ý, công tác xây dựng và quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp đối với ngành Tư pháp còn mới mẻ trong giai đoạn đầu thực hiện Luật. Đoàn khảo sát xin ghi nhận phản ánh của địa phương về những khó khăn, vướng mắc; ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của địa phương để kịp thời tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp có giải pháp tháo gỡ kịp thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành ở Trung ương chỉ đạo thực hiện thống nhất Luật Lý lịch tư pháp, các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật trên toàn quốc, tăng cường hiệu quả công tác quản lý lý lịch tư pháp để phục vụ kịp thời nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp ngày càng tăng của cá nhân, tổ chức .  

Trong thời gian khảo sát, Đoàn đã đến thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng chí Đặng Quang - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh đã tiếp và làm việc với Đoàn, giới thiệu với Đoàn về những cải cách, đổi mới của các cơ quan Tòa án của tỉnh trong công tác quản lý và hoạt động tố tụng; đặc biệt đồng chí quan tâm trao đổi, đề cập nhiều đến việc chỉ đạo và thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hoạt động cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của các Tòa án trong tỉnh cho Sở Tư pháp để phục vụ trực tiếp cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, từng bước thực hiện tin học hóa toàn bộ hoạt động này.

Kết thúc chương trình khảo sát tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Đoàn khảo sát đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm và ghi nhận được thực tiễn sống động trong quản lý lý lịch tư pháp tại địa phương, tiếp tục tăng cường phối hợp cùng địa phương khắc phục những khó khăn, bất cập, đưa công tác quản lý lý lịch tư pháp ngày càng đi vào hiệu quả, thiết thực, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn./.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia