Tổ chức Toạ đàm góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm

10/06/2011
Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo được ban hành đã tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó phát huy tối đa mọi nguồn lực phục vụ sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều nội dung của Nghị định này cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cũng như đòi hỏi của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tín dụng ở nước ta. Đáp ứng yêu cầu này, trong thời gian qua Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định nêu trên.

Nhằm tạo diễn đàn để trao đổi, thảo luận về những quy định cần sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, và những vấn đề cơ bản còn có nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Nghị định từ đó đưa ra sự thống nhất đối với những vấn đề mang tính định hướng cần thể hiện trong dự thảo, đồng thời tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước về kinh nghiệm xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã phối hợp với dự án Jica tổ chức 02 cuộc Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm vào ngày 3/6/2011 tại TP Đà Nẵng và ngày 8/6/2011 tại Hà Nội.

Hai cuộc Toạ đàm được tổ chức đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giảng dạy tại trường Đại học Luật Hà Nội, đại diện Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, các tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức tín dụng tại địa phương, ngoài ra còn có sự tham gia của các chuyên gia dài hạn của dự án Jica tại Việt Nam, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập, đại diện các bộ ngành có liên quan, Hiệp hội Ngân hàng….

Tại Tọa đàm, chuyên gia pháp lý Nhật Bản và đại biểu tham dự đã góp ý chi tiết đối với bố cục và nội dung của Dự thảo Nghị định. Những vấn đề liên quan đến việc xác định, phân biệt nguyên liệu sản xuất đầu vào và hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh; xác định giá trị đối kháng của các biện pháp giao dịch bảo đảm khác nhau, đồng thời xác định rõ bản chất của biện pháp cầm cố, thế chấp với biện pháp bảo lãnh theo quy định của Bộ luật Dân sự Việt Nam và so sánh với các quy định tương tự trong pháp luật về dân sự và giao dịch bảo đảm tại Nhật Bản… là những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau được trao đổi, thảo luận nhiều nhất. Bên cạnh đó, những quy định liên quan đến nhà ở hình thành trong tương lai, phương thức xử lý tài sản bảo đảm, quy định nhằm nâng cao hiệu quả trên thực tế đối với công tác hỗ trợ của cơ quan công an trong việc giúp các tổ chức tín dụng thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm… cũng thu hút được sự quan tâm tại Tọa đàm lần này.

Trên cơ sở ý kiến góp ý và những kinh nghiệm pháp lý được chia sẻ tại Tọa đàm, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ thực hiện việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm với mục tiêu tăng cường đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản và cá nhân, tổ chức có liên quan, đồng thời thực hiện mục tiêu pháp điển hoá các quy định về giao dịch bảo đảm, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của các quy định trong lĩnh vực này, khắc phục các hạn chế của pháp luật về giao dịch bảo đảm.

Thu Thuỷ - Cục Đăng ký QGGDBĐ