Họp liên ngành triển khai “Chương trình Đối tác Tư pháp”

13/01/2010
Bộ Tư pháp mới đây đã tổ chức cuộc họp liên ngành với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam để triển khai Kế hoạch hoạt động của “Chương trình Đối tác Tư pháp” giai đoạn 2010-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 9/9/2009 tại Công văn số 1604/TTg-QHQT.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Khánh Ngọc, thực hiện Chương trình Đối tác Tư pháp Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định Tài chính với Chính phủ 2 nước Đan Mạch và Thụy Điển. Hiện, Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức Việt Nam có liên quan nhằm hoàn tất các thủ tục đàm phán cuối cùng với Liên minh Châu Âu về Hiệp định Tài chính. Chương trình Đối tác Tư pháp sẽ kéo dài trong vòng 5 năm rưỡi với 3 hợp phần khá độc lập nhằm hỗ trợ Chiến lược cải cách tư pháp của Việt Nam, riêng giai đoạn khởi động sẽ tiến hành trong vòng 12 tháng (từ tháng 1-12/2010). Điểm đáng chú ý của Chương trình là không đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Ngọc cũng bày tỏ lo ngại về cơ chế phối hợp vì đây là Chương trình đa nguồn tài trợ (cả chính phủ lẫn phi chính phủ lại hỗ trợ cho các bộ ngành, tổ chức khác nhau. Vì vậy, ông Ngọc cho biết, các đối tác mong muốn mỗi cơ quan phía Việt Nam có một ban chỉ đạo và ban quản lý riêng để tạo sự chủ động của từng cơ quan. Ông Ngọc đề xuất, để điều hành chung, Bộ Tư pháp sẽ cùng với các cơ quan liên quan, các nhà tài trợ thành lập Ủy ban định hướng và Ban thư ký của Ủy ban nên có 1 Uỷ ban định hướng, thành lập để đi vào hoạt động vào cuối năm 2010. Đồng thời đề nghị các cơ quan tham gia Chương trình cần phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc tuân thủ cơ chế thông tin, báo cáo và họp nội bộ.

Cùng với Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC, Liên đoàn Luật sư Việt Nam là những đối tượng thụ hưởng của Chương trình và các cơ quan đều tán thành việc thành lập Ủy ban định hướng. Tuy nhiên, theo đại diện của các cơ quan này, đến nay họ vẫn chưa nhận được công văn hướng dẫn triển khai Chương trình của Bộ Tư pháp - cơ quan điều hành của Chương trình. Ông Trần Văn Thư (TANDTC) kiến nghị, Bộ Tư pháp có thêm một công văn gửi cho các bộ ngành để các bộ ngành có cơ sở cử người tham gia vào Uỷ ban định hướng. Bà Nguyễn Kim Thu (VKSNDTC) cho rằng, Bộ Tư pháp cần phát huy tốt vai trò đầu mối để tránh trùng lặp các hoạt động của các hợp phần Chương trình, tránh việc phải ban hành một quy chế nội bộ phía Việt Nam. Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh còn mong muốn được các cơ quan, nhất là Bộ Tư pháp, hỗ trợ kinh nghiệm do lần đầu tiên Liên đoàn được thực hiện một chương trình hợp tác lớn.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, trong quý I năm nay phải làm được một số vấn đề về tổ chức và lên kế hoạch cho cả năm. Đây là một chương trình tổng thể, đòi hỏi các hoạt động phải gắn kết với nhau vì mục tiêu chung, trong đó Bộ Tư pháp giữ vai trò điều hành, còn kinh phí do các đối tác trực tiếp “rót” vào từng cơ quan. Theo Thứ trưởng, Uỷ ban định hướng phải được ưu tiên thành lập sớm, có thể ngay trong tháng 1 để tháng 2 tiến hành cuộc họp đầu tiên và từng cơ quan cũng phải nhanh chóng lập ra Ban chỉ đạo và Ban quản lý riêng cho các hoạt động của cơ quan mình.

Thục Quyên