Ban hành Kế hoạch hoạt động hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự

12/10/2015
Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 13/SL, trong đó quy định “việc thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”, hoạt động thi hành án dân sự đã trở thành công cụ quan trọng để tham gia bảo vệ chính quyền nhân dân ngay từ những ngày đầu của Nhà nước cách mạng.
 

Ngày 19/7/1946, chiểu theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quyền Chủ tịch nước (trong thời gian từ ngày 31/5 đến ngày 21/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Fontainebleau nên Cụ Huỳnh Thúc Kháng được giao giữ chức quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo Sắc lệnh số 82/SL ngày 29-5-1946, thay Chủ tịch Hồ Chí Minh ký những công văn thường ngày và Chủ tọa Hội đồng Chính phủ) đã ký Sắc lệnh số 130 ấn định thể thức thi hành phải ghi trên các bản toàn sao hay trích sao án hoặc mệnh lệnh. Sắc lệnh đã quy định những thủ tục riêng, cụ thể và khá độc lập về thẩm quyền, thể thức và quy trình thi hành các án hoặc mệnh lệnh của các tòa án hộ. 

Kể từ đó đến nay, sau 70 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định rằng hệ thống thi hành án dân sự đã có sự lớn mạnh vượt bậc, với một diện mạo mới, được tổ chức tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp ở Trung ương, 63 Cục Thi hành án dân sự được tổ chức ở cấp tỉnh, 710 Chi cục Thi hành án dân sự được tổ chức ở cấp huyện và gần một vạn cán bộ, công chức, viên chức thi hành án dân sự. Đặc biệt, trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thượng tôn pháp luật và đảm bảo thực thi công lý, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã “luật hóa” việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ THADS tại Luật THADS năm 2008 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014, tiếp tục tạo cơ sở vững chắc cho sự ổn định, phát triển bền vững cả về quy mô và chất lượng của toàn Hệ thống.

Từng bước thực hiện chủ trương “xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”, trên cơ sở Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII về tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại, Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Ban hành kèm theo Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/03/2012 của Thủ tướng Chính phủ) và các chỉ đạo của Chính phủ, chế định Thừa phát lại đã được triển khai thực hiện tại 13 địa phương. Cả nước hiện có 53 Văn phòng Thừa phát lại với 134 Thừa phát lại, 295 Thư ký nghiệp vụ và 214 nhân viên. Về kết quả, tính đến ngày 30/9/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 939.544 văn bản, lập 42.911 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 885 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu là gần 136 tỷ đồng. Nhìn chung, sau 6 năm thí điểm, chế định Thừa phát lại đã chứng tỏ được tính đúng đắn và được xã hội đón nhận, đặc biệt là ở các địa bàn kinh tế - xã hội phát triển.

Ghi nhận sự trưởng thành, lớn mạnh cũng như những đóng góp tích cực của toàn Hệ thống THADS đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời để vun trồng những giá trị truyền thống tốt đẹp của Ngành, ngày 05/3/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 397/QĐ-TTg lấy ngày 19 tháng 7 hàng năm là “Ngày truyền thống THADS”. Thực hiện Quyết định số 397/QÐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình công tác năm 2015 của Bộ Tư pháp; Quyết định số 3449/QĐ-BTP ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2015, ngày 12 tháng 10 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 1808/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch hoạt động hướng tới tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự (19/7/1946 - 19/7/2016).

Mục tiêu hướng tới của các hoạt động kỷ niệm là nhằm Nâng cao nhận thức của công chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Hệ thống Thi hành án dân sự và Thừa phát lại về lịch sử hình thành và phát triển của Hệ thống, của ngành Tư pháp và của đất nước; Giáo dục truyền thống, khích lệ tự hào nghề nghiệp, phát huy tính chủ động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, thử thách của các thế hệ công chức, người lao động các cơ quan thuộc Hệ thống Thi hành án dân sự và Thừa phát lại; Bồi dưỡng và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống ngành Tư pháp, truyền thống Thi hành án dân sự, tạo không khí thi đua thiết thực trong toàn Hệ thống, góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự được Quốc hội và Chính phủ giao./.

                                      Văn phòng Tổng cục THADS



File đính kèm