Bộ Tư pháp hoàn thiện thể chế nội bộ về tiếp công dân

12/02/2015
Ngày 05/02/2015, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã ký các Quyết định số 266/QĐ-BTP Quyết định số 267/QĐ-BTP ban hành Quy chế tiếp công dân và Nội quy tiếp công dân của Bộ Tư pháp, đánh dấu một bước quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế nội bộ về tiếp công dân của Bộ Tư pháp theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013.
 

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 4 Luật Tiếp công dân và Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tổng cục và tổ chức tương đương, Cục; đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, quyền lợi của công dân, tổ chức phải tổ chức tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Mặt khác, theo Điểm a Khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp công dân, Điểm a Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm “ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Thanh tra Bộ đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành Quy chế, Nội quy tiếp công dân của Bộ Tư pháp theo quy định.

Quy chế tiếp công dân quy định cụ thể các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân

Căn cứ Điều 4 Luật Tiếp công dân, Điều 3 Nghị định số 64/2014/NĐ-CP, Điều 3 của Quy chế đã quy định các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân, bao gồm Bộ Tư pháp; Tổng cục Thi hành án dân sự, các Cục thuộc Bộ; các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tư pháp. Các đơn vị thuộc Bộ khác có nghĩa vụ tiếp công dân theo yêu cầu của Bộ. Đây là một trong những điểm mới cơ bản của Quy chế mới so với Quy chế tiếp công dân đang áp dụng nhằm quy định rõ trách nhiệm tổ chức tiếp công dân và trách nhiệm tiếp công dân của Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ.

Điều 4 Quy chế quy định cụ thể về việc tổ chức tiếp công dân thường xuyên của Bộ Tư pháp. Điều này gồm 3 khoản, trong đó Khoản 1 quy định cụ thể việc tổ chức tiếp công dân tại Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp (số 12 phố Chu Văn An, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội); Khoản 2 và Khoản 3 quy định mang tính nguyên tắc, nhấn mạnh trách nhiệm tổ chức tiếp công dân của Cục Công tác phía Nam và các Cục, đơn vị sự nghiệp công lập không có trụ sở tại Bộ Tư pháp. Trên cơ sở quy định này, các cơ quan, đơn vị nói trên có trách nhiệm ban hành nội quy, quy chế và tổ chức tiếp công dân theo quy định của pháp luật (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 19 Quy chế).

Nội quy tiếp công dân xác định rõ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và của người tiếp công dân

Nội quy tiếp công dân được ban hành theo Quyết định số 267/QĐ-BTP ngày 05/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Nội quy gồm 3 phần, trong đó phần II quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi đến Địa điểm tiếp công dân của Bộ Tư pháp theo quy định tại Điều 7 Luật Tiếp công dân; phần III quy định trách nhiệm của người tiếp công dân theo quy định tại Điều 8 Luật Tiếp công dân.

Có thể nói, việc ban hành Quy chế, Nội quy tiếp công dân đánh dấu một bước quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế nội bộ về tiếp công dân của Bộ Tư pháp theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân của Bộ Tư pháp, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Tư pháp cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện tốt Quy chế, Nội quy tiếp công dân, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước nói chung và ngành Tư pháp nói riêng./. 

Thanh tra Bộ Tư pháp