Thông cáo báo chí kết quả công tác Tư pháp năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp trong Quý I/2024

28/02/2024
I. KẾT QUẢ CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2023
Tiếp nối những kết quả đạt được của những năm đầu nhiệm kỳ, kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với năm 2022, trong đó, một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật luôn được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, ưu tiên nguồn lực để tham mưu, thể chế hoá những quan điểm, đường lối của Đảng, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Năm 2023, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 10 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Đặc biệt, đã tham mưu Chính phủ ban hành và tổ chức triển khai Nghị quyết số 126 về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.
Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 05 Nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700VBQPPL cấp xã.
- Chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo VBQPPL tiếp tục được nâng cao. Năm 2023, Bộ Tư pháp đã thẩm định 44 đề nghị xây dựng VBQPPL và 237 dự án, dự thảo VBQPPL; Tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 543 dự thảo VBQPPL; các địa phương đã thẩm định hơn 7000 dự thảo VBQPPL.
- Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được Bộ Tư pháp và nhiều bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, trong năm, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát hệ thống VBQPPL theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101 của Quốc hội; rà soát các quy định pháp luật để phục vụ triển khai Đề án phát triển và ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử.
- Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp quan tâm thực hiện, bám sát các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của từng năm, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, đạt được nhiều kết quả tích cực; quyết liệt thực hiện các giải pháp để hạn chế việc chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.
- Công tác truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn thực hiện quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được tăng cường, bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều mô hình hay, hiệu quả.
Tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương đã tích cực tham mưu, tổ chức thành công nhiều sự kiện hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Đặc biệt, việc tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV đã thu hút sự tham giacủa 63 đội thi đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong xã hội về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở. Bên cạnh đó, năm 2023, các hoà giải viên trong toàn quốc đã tiếp nhận trên 90.000 vụ việc, với tỷ lệ hoà giải thành trung bình là 84,7%. Nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được các Sở Tư pháp chủ động tham mưu đưa vào Chương trình, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PBGDPL hằng năm. Qua báo cáo của các địa phương, tính đến nay có trên 10.000 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỉ lệ trên 95%.
- Tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục được kiện toàn, ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả,chuyên nghiệp; công tác phối hợp, nhất là phối hợp liên ngành trong THADS được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Cơ sở vật chất, điều kiện, trang thiết bị làm việc, phục vụ hoạt động THADS được đầu tư, nâng cấp đảm bảo tốt cho thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, số việc và tiền thụ lý đều tăng, nhưng kết quả THADS năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ so với năm 2022.
- Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng thực hiện, giải quyết kịp thời yêu cầu của người dân, bám sát các quy định pháp luật và nhiệm vụ được giao tại các Đề án trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản giấy tờ. Trong năm, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu số liên quan đến đăng ký và thống kê hộ tịch. Bộ, các cơ quan tư pháp địa phương đã tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt Đề án số 06, đặc biệt lần đầu tiên tổ chức cấp giấy tờ hộ tịch điện tử, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp thông qua việc triển khai 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông về đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế; đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - hỗ trợ mai táng phí. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục được hoàn thiện với trên 63 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,5 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 02 cơ sở dữ liệu.
- Công tác quản lý nhà nước về con nuôi, phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi được các cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ với việc kịp thời giải quyết hơn 3.000 trường hợp nuôi con nuôi trong nước trong năm 2023.
- Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
- Việc đăng ký biện pháp bảo đảm tiếp tục được đẩy mạnh và đạt kết quả ấn tượng. Năm 2023, các Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản đã tiếp nhận và giải quyết hơn 1 triệu phiếu yêu cầu về đăng ký, cung cấp thông tin. Trong đó, tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt trên 83%.
- Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bồi thường nhà nước được tăng cường. Công tác phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ.
- Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực luật sư, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, thừa phát lại, quản lý thanh lý tài sản… tiếp tục được Bộ Tư pháp, cơ quan tư pháp địa phương chỉ đạo sát sao, bám sát chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và pháp luật của Nhà nước. Bộ Tư pháp đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các VBQPPL trong lĩnh vực đấu giá tài sản, công chứng và giám định tư pháp, đặc biệt là tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Bộ và ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Trong năm, các đấu giá viên đã thực hiện 41.976 cuộc đấu giá thành, thu 545.608 tỉ vượt 101.912 tỉ so với giá khởi điểm. Cả nước đã thực hiệm giám định tư pháp đối với 189.344 vụ việc.
- Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) đã được triển khai đồng bộ gắn kết chặt chẽ với triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Chất lượng dịch vụ TGPL ngày càng được nâng cao, thực sự là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL. Lần đầu tiên thiết lập cơ chế phối hợp trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự trên toàn quốc thông qua việc ký kết Chương trình phối hợp trực TGPL trong điều tra hình sự trên phạm vi toàn quốc giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Năm 2023, cả nước đã tiếp nhận hơn 38 nghìn vụ việc TGPL, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng là hơn 25 nghìnvụ việc (chiếm 77% tổng số vụ việc, tăng 19% so với năm 2022).
- Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng triển khai thực hiện, góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp lý, phục hồi sản xuất, kinh doanh, phòng ngừa rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh, góp phần nâng cao nhận thức và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
- Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, sửa đổi nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các bộ, ngành đã tích cực rà soát, trình Chính phủ sửa đổi các nghị định quy định xử phạt VPHC trong các lĩnh vực cụ thể, bảo đảm phù hợp với các VBQPPL liên quan và tình hình thực tế về kinh tế xã hội của đất nước.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu; hoạt động kiểm tra, hướng dẫn việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC tiếp tục được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng thực hiện.
- Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của cơ quan đại diện pháp lý cho Chính phủ trong các tranh chấp đầu tư quốc tế; phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ giúp Chính phủ xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong hội nhập quốc tế và hướng dẫn các địa phương liên quan đến nhiều vụ việc nhà đầu tư nước ngoài có vướng mắc, khiếu kiện; tăng cường thực hiện nhiệm vụ cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.
- Năm 2023, công tác hợp tác quốc tế về pháp luật, tư pháp và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này tiếp tục bám sát định hướng, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đạt nhiều kết quả tích cực đáng ghi nhận, như củng cố quan hệ hợp tác, mở rộng, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước, như Chương trình hợp tác pháp luật với Trung Quốc, Cuba, Achentina, Ấn Độ…; với các tổ chức quốc tế như Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - Nhật Bản lần thứ nhất; Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN - G7 lần thứ nhất tại Tokyo - Nhật Bản.
- Công tác xây dựng ngành tiếp tục được toàn ngành Tư pháp tập trung thực hiện, đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần nghị quyết của Đảng. Bộ Tư pháp đã ban hànhThông tư hướng dẫn vị trí việc làm cho cơ quan tư pháp các cấp đã tạo tiền đề cho việc bố trí biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ.
- Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý đạt được nhiều kết quả tích cực, với việc hoàn thành 01 đề tài khoa học cấp quốc gia, triển khai hơn 20 đề tài khoa học cấp Bộ, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc cho công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế quản lý và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương.
- Công tác báo chí, xuất bản tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, bám sát quan điểm, các chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo Pháp luật Việt Nam đã có nhiều tác phẩm báo chí ấn tượng, mang thông điệp giá trị được vinh danh tại các giải báo chí lớn. Công tác truyền thông ngày càng được thực hiện bài bản, nền nếp, kịp thời phản ánh tới người dân và xã hội về kết quả, tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ, ngành.
- Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được Bộ và hệ thống Thi hành án dân sự ngành Tư pháp quan tâm triển khai, thực hiện nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, tập trung vào thanh ra đột xuất, thanh tra các cơ quan, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lĩnh vực do Bộ, ngành Tư pháp quản lý có nhiều bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Năm 2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành 53 cuộc thanh tra, xác minh, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm tra sau thanh tra.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP TRONG QUÝ I/2024
1. Tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả, kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; các Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp;  Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ; Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.
2. Nâng cao chất lượng tham mưu lập Đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tích cực tham mưu, giúp Chính phủ thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024”.
3. Chủ động xây dựng các đề án, văn bản giao Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo thuộc Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024. Tiếp tục phối hợp Văn phòng Chính phủ hoàn thiện các đề án, văn bản đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa được ban hành. Hoàn thiện, trình Bộ trưởng ký ban hành đối với các văn bản, đề án thuộc thẩm quyền. Đồng thời, thực hiện nghiêm, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao; hoàn thành việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV
4. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo chỉ đạo, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
- Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao năm 2023; thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế.
5. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về các mặt công tác này. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
6. Tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là Chương trình hành động của Bộ, ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02 năm 2024 của Chính phủ.
Hoàn thành việc tự chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2023, chuẩn bị tốt cho việc tham gia Hội đồng thẩm định Chỉ số cải cách hành chính năm 2023.
7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng chỉ đạo của Đảng và quy định của pháp luật. Thực hiện tốt các nhiệm vụ về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng.
8. Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và tổ chức các hoạt động đón Tết theo đúng phương châm “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung rà soát, đảm bảo an ninh, trật tự và thực hiện phòng chống cháy, nổ, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác ngay sau đợt nghỉ Tết nguyên đán.
III. MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ LẬP ĐỀ NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ (SỬA ĐỔI)
Ngày 11/01/2024, Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 03/TTr-BTP trình Chính phủ Đề nghị xây dựng Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) với một số nội dung cụ thể như sau:
1. Sự cần thiết ban hành Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi)
1.1. Cơ sở chính trị, pháp lý
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản xác định rõ chủ trương, định hướng nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó có lĩnh vực THADS, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới[1]; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có quy định liên quan đến hoạt động THADS. Do đó, việc rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về THADS nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu phát triển là một yêu cầu cần thiết.
1.2. Cơ sở thực tiễn
Quá trình thi hành Luật THADS, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác THADS còn gặp một số khó khăn, thách thức như: Số lượng vụ việc phải thi hành án có xu hướng ngày càng tăng, giá trị lớn, tính chất pháp lý phức tạp; nhiều vấn đề mới phát sinh đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước, trong khi đó tổ chức bộ máy, biên chế, nguồn lực, cơ sở vật chất bảo đảm, phục vụ công tác quản lý và tổ chức THADS còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay.
Sau 15 năm thi hành, một số quy định của Luật THADS đã bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn, cần tiếp tục được hoàn thiện, cụ thể như: (i) Quy định về tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò, trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong THADS; quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; (ii) Trình tự, thủ tục trong tổ chức THADS cần được hoàn thiện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác THADS, thực hiện chủ trương về rút ngắn thời gian, giảm chi phí thi hành án và thực hiện xã hội hóa một số hoạt động THADS. Do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng Luật THADS (sửa đổi) là cần thiết.
2. Mục đích, quan điểm chỉ đạo
- Thể chế hoá đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước liên quan đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách tư pháp, kiểm soát quyền lực trong hoạt động THADS và các chủ trương khác liên quan đến tổ chức, hoạt động THADS.
- Kế thừa, phát triển những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm; sửa đổi, bổ sung những quy định còn bất cập, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính khả thi, thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành có liên quan.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác THADS, xây dựng khung pháp lý nhằm rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong THADS, thực hiện xã hội hóa một số hoạt động THADS với cơ chế bảo đảm và lộ trình phù hợp.
- Nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động THADS ở Việt Nam; đảm bảo thể chế hóa, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3. Quá trình lập đề nghị xây dựng Luật
Bộ Tư pháp đã thực hiện: (1) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Hội nghị và xây dựng Báo cáo Tổng kết thi hành Luật; (2) Đăng tải hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; (3) Lấy ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan và tiếp thu, giải trình ý kiến; (4) Thẩm định Đề nghị xây dựng Luật; (5) Nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ.
4. Các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật
Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi Luật THADS tập trung vào 5 nhóm chính sách, định hướng lớn như sau:
4.1. Chính sách 1. Phạm vi bản án, quyết định do cơ quan THADS tổ chức thi hành và các nguyên tắc cơ bản trong THADS
Xác định rõ phạm vi các bản án, quyết định mà cơ quan THADS tổ chức thi hành; bổ sung phạm vi hoạt động của cơ quan THADS tạo đồng bộ, thống nhất với các Luật có liên quan như Luật Thi hành án hình sự; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Trọng tài Thương mại... và cụ thể hóa nguyên tắc kiểm soát quyền lực trong THADS đã được xác định tại Quy định số 132-QĐ/TW.
4.2. Chính sách 2. Hoàn thiện các quy định về quyền, nghĩa vụ của đương sự, người tham gia THADS khác
- Thể chế hóa đầy đủ, phù hợp các quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án; người được thi hành án; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động THADS.
- Người được THADS có quyền và nghĩa vụ chủ động xác minh, chứng minh điều kiện thi hành án, đề nghị áp dụng các biện pháp bảo đảm THADS; cơ quan THADS có trách nhiệm hỗ trợ các đối tượng chính sách trong xác minh điều kiện thi hành án.
- Hoàn thiện cơ chế người phải thi hành án phải có trách nhiệm thi hành đối với toàn bộ tài sản của mình; quy định cụ thể về thủ tục để thực hiện nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và chế tài nếu không thực hiện hoặc kê khai gian dối, chống đối, cản trở việc thi hành án.
4.3. Chính sách 3. Hoàn thiện tổ chức, hoạt động của hệ thống cơ quan THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, người có thẩm quyền trong THADS; vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan khác trong THADS
- Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan THADS, đảm bảo tính kế thừa, phát huy những ưu điểm cơ bản của mô hình hiện tại, hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp, tổ chức hợp lý các cơ quan THADS cấp huyện có số việc và tiền phải thi hành ít, phù hợp chủ trương xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bổ sung thẩm quyền thi hành án của cơ quan quản lý thi hành án Bộ Quốc phòng.
- Xác định đúng vai trò của Chấp hành viên là đầu mối, chủ trì thực hiện các trình tự, thủ tục THADS; kết nối các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhằm tổ chức thi hành án hiệu quả. Quy định chặt chẽ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS; đảm bảo tính độc lập, chủ động của Chấp hành viên trong thi hành án; thể chế hóa Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong THADS, nhất là các trình tự, thủ tục, giai đoạn dễ xảy ra sai sót, vi phạm khó khắc phục[2].
 - Đề cao vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát hoạt động, kiểm soát quyền lực trong suốt quá trình THADS. Hoàn thiện cơ chế pháp lý để Tòa án thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong THADS.
- Quy định đầy đủ, đồng bộ hơn nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm đối với các cơ quan khác có liên quan trong từng giai đoạn thi hành án, tạo cơ chế bảo đảm cho đương sự thực hiện các quyền của mình theo Luật THADS.
4.4. Chính sách 4. Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả THADS
- Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án; đơn giản hoá thủ tục; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử; rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và đồng bộ, thống nhất với quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, tập trung hoàn thiện quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời; biện pháp cưỡng chế THADS; trình tự, thủ tục xử lý đối với những tài sản đặc thù[3]; đấu giá tài sản THADS; buộc thực hiện hoặc không thực hiện công việc nhất định; cơ chế kết thúc việc thi hành án; giảm thiểu các chi phí do ngân sách nhà nước phải chi trả, phù hợp với nguyên tắc đương sự tự chịu trách nhiệm trong quan hệ dân sự.
- Quy định rõ quy trình, thủ tục thi hành đối với từng loại bản án, quyết định được giao cho cơ quan THADS thi hành, khắc phục cơ bản những bất cập hiện nay[4].
4.5. Chính sách 5. Tăng cường các điều kiện bảo đảm, đáp ứng yêu cầu quản lý và hoạt động THADS
- Đảm bảo nguồn nhân lực của Hệ thống THADS đủ về số lượng, nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, ngang tầm với nhiệm vụ được giao, tương ứng, đồng bộ với các cơ quan tố tụng.
- Quy định các nguyên tắc để đảm bảo nguồn lực phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trụ sở, kho vật chứng cho cơ quan THADS.
Trên đây là Thông cáo báo chí về kết quả công tác tư pháp năm 2023 và nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong Quý I/2024. Bộ Tư pháp xin thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí./.
 
[1] “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thi hành án…Hoàn thiện cơ chế nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành án dân sự, hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong thi hành án hình sự, dân sự và hành chính; thực hiện xã hội hóa một số hoạt động thi hành án dân sự với cơ chế bảo đảm và lộ trình phù hợp”.
[2] Như: biện pháp bảo đảm, biện pháp kê biên, đưa tài sản ra định giá, đấu giá, đảm bảo kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS.
[3] như xử lý tài sản là: vốn góp, cổ phần, cổ phiếu; tài sản hình thành trong tương lai; thi hành án có yếu tố nước ngoài v.v
[4] Trình tự thủ tục thi hành: (1) Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, (2) quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, (3) Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án, (4) quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành và (5) quyết định của Trọng tài thương mại,v.v