Kiên Giang: Trợ giúp pháp lý nỗ lực trở thành người bạn tin cậy

07/02/2012
Để Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) sớm đi vào cuộc sống, Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang đã tham mưu UBND tỉnh ban hành rất nhiều văn bản. Và với nhiều biện pháp đồng bộ và sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ những người thực hiện TGPL, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Kiên Giang đã gặt hái được nhiều kết quả trong suốt 5 năm qua.

Cụ thể, Trung tâm đã thực hiện được hơn 20,5 nghìn vụ việc, tăng gần gấp đôi so với 7 năm trước cho các đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, chính sách…. Giám đốc Sở Tư pháp Huỳnh Thanh cho biết: Trong các hình thức TGPL tư vấn, hoà giải, tham gia tố tụng, TGPL trong khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính thì hình thức tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính là có hiệu quả nhất với 1.141 vụ việc, tăng 921 vụ việc so với 7 năm trước đó.

Nhiều vụ việc đã mang lại niềm vui, nụ cười cho người nghèo, như vụ án dân sự của ông Huỳnh Hữu Chất ở huyện Tân Hiệp, nếu như không có Trung tâm thì 4 hộ gia đình cha con ông Chất bị “đẩy ra đường” vì phải trả lại nhà và đất cho người hàng xóm; vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất của ông Lý Trí Phương ở Rạch Giá cũng suýt nữa mộ của cha mẹ ông phải nằm nhờ trên đất của người khác; vụ của bà Lắm thuộc diện hộ nghèo ở An Biên đã chuộc lại 6 công đất sau phiên toà phúc thẩm… Đó là chỉ là một số trong hàng trăm vụ việc tham gia tố tụng thành công để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong các phiên toà.

Trong 5 năm qua, Trung tâm TGPL nhà nước đã tổ chức 127 đợt TGPL lưu động về 333 lượt xã, phường, thị trấn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi có điểm nóng về khiếu kiện, đền bù giải phóng mặt bằng và các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Các hoạt động TGPL khác cũng được đẩy mạnh như kiến nghị 17 vụ việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi cho người dân; tham gia hoà giải, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật với chính quyền cơ sở và các cơ quan, tổ chức nhằm phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Đặc biệt, cũng theo ông Thanh, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh luôn có sự quan tâm đúng mức đến công tác TGPL như năm 2010 đã tăng thêm 26 biên chế, nâng tổng số lên 32 biên chế (trong đó có 7 Trợ giúp viên pháp lý) cho Trung tâm TGPL; thành lập 4 phòng chuyên môn và 2 Chi nhánh thuộc Trung tâm, với 8 tổ cộng tác viên TGPL và 36 Câu lạc bộ TGPL. Về cơ sở vật chất từng bước được đầu tư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như cấp trụ sở riêng cho Trung tâm TGPL, trang bị mới xe ô tô để phục vụ hoạt động cho Trung tâm; tổng kinh phí được cấp suốt 5 năm qua từ Dự án và của địa phương đạt gần 6,3 tỷ đồng.

Những thành tích trong hoạt động của Trung tâm TGPL đã được ghi nhận bằng phần thưởng xứng đáng: 2 Danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, 1 Cờ thi đua của Chính phủ, 2 Cờ thi đua của UBND tỉnh, 1 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh… “Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất vẫn là niềm tin của người nghèo, coi TGPL Nhà nước là chỗ dựa tin cậy, là bạn đồng hành của mình trong hành trình xóa đói pháp luật” – ông Thanh tự hào.

PV