Diễn đàn pháp luật ASEAN 2022: Đẩy mạnh hợp tác TTTP về dân sự và thương mại giữa ASEAN và quốc tế

Diễn đàn pháp luật ASEAN 2022: Đẩy mạnh hợp tác TTTP về dân sự và thương mại giữa ASEAN và quốc tế

Vào ngày 17 tháng 11 năm 2022 tới đây, Bộ Tư pháp Việt Nam tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN năm 2022 với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong khuôn khổ HCCH” tại Khách sạn Intercontinental West Lake – số 5 phố Từ Hoa, Tây Hồ, Hà Nội. Diễn đàn lần này nhằm triển khai Sáng kiến “Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên” trong ASEAN, có sự phối hợp của Ban thư ký ASEAN, Ban thư ký Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam - EU Justice and Legal Empowerment (EU JULE) .
Tham dự Diễn đàn dự kiến có khoảng 80 đại biểu gồm các đại diện từ các Bộ, ngành, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu về pháp luật của Việt Nam, đại diện một số quốc gia thành viên ASEAN; Đại diện Ban Thư ký ASEAN; các chuyên gia quốc tế từ HCCH, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thuỵ Sĩ, Hoa Kỳ; Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, UNDP Việt Nam và đại diện Đại sứ quán một số nước: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản… Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc sẽ tham dự và phát biểu khai mạc.
Nội dung của Diễn đàn sẽ chia sẻ kinh nghiệm của các nước ASEAN về gia nhập và thực thi các Công ước về tương trợ tư pháp của HCCH (Công ước tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ), tập trung vào một số nội dung cụ thể sau:
- Giới thiệu chung về tình hình thực thi các Công ước tại các quốc gia trong khu vực ASEAN, khuyến nghị cho các quốc gia ASEAN gia nhập và thực thi các Công ước theo ghi nhận của HCCH;
- Pháp luật của các nước ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, tình hình nghiên cứu, gia nhập HCCH; nghiên cứu, gia nhập và thực thi các Công ước về tương trợ tư pháp của HCCH (Công ước tống đạt giấy tờ, Công ước thu thập chứng cứ);
- Kinh nghiệm các nước Nhật Bản, Hoa Kỳ, Thuỵ Sỹ, Hàn Quốc trong ký kết, gia nhập và tổ chức thi hành các Công ước, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự;
- Các khuyến nghị về tăng cường hợp tác giữa ASEAN và HCCH về việc gia nhập, thực thi các Công ước của HCCH tại các nước ASEAN.
Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) là một tổ chức quốc tế đa phương về tư pháp quốc tế, có mục tiêu hài hòa hóa các hệ thống pháp luật khác nhau, phát triển và cung cấp các văn kiện pháp lý quốc tế đáp ứng các nhu cầu của thế giới. Ngày 10/4/2013, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của HCCH.
Cho đến nay, mới chỉ có 5/10 nước ASEAN là thành viên của HCCH[1], việc tham gia các Công ước của HCCH của các nước ASEAN vẫn còn hạn chế mới chỉ tập trung vào một số Công ước như Công ước La Hay năm 1961 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài; Công ước La Hay 1993 bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế (Công ước nuôi con nuôi); Công ước La-hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế (Công ước bắt cóc trẻ em); Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt); Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ)[2].
Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, Công ước tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ được coi là một cặp công cụ pháp lý đồng hành hỗ trợ cho việc hợp tác giải quyết các vụ việc dân sự xuyên biên giới. Mặc dù vậy, hiện nay mới chỉ có Phi-líp-pin và Việt Nam là thành viên của Công ước tống đạt; Xinh-ga-po và Việt Nam là thành viên của Công ước thu thập chứng cứ. Trước thực tế quan hệ giao lưu dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình trong cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển kéo theo việc gia tăng các tranh chấp tại cơ quan tài phán đòi hỏi phải có cơ sở pháp lý quốc tế hỗ trợ cơ quan tài phán giải quyết. Là một trong những thành viên tích cực của HCCH, Việt Nam nhận thức rõ lợi ích mà các Công ước của HCCH đem lại. Thay vì việc ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương với từng nước hoặc xây dựng Hiệp định mẫu khu vực về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự thì việc gia nhập các Công ước của HCCH sẽ tạo điều kiện cho một quốc gia được tham gia “sân chơi” chung của thế giới với tiêu chuẩn quốc tế, giải quyết hiệu quả các tranh chấp dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài.
Thực tế tại Việt Nam, sau khi gia nhập Công ước tống đạt, số lượng yêu cầu tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước ngày càng tăng, kết quả đạt được tương đối cao (khoảng 75.1% đối với yêu cầu của nước ngoài đến Việt Nam, khoảng 77.99% đối với yêu cầu của Việt Nam đi nước ngoài)[3]. Tuy nhiên, trong phạm vi các quốc gia Đông Nam Á, việc trao đổi các yêu cầu tương trợ tư pháp về dân sự hoặc thương mại của Việt Nam còn hạn chế do mức độ tham gia của các nước ASEAN vào HCCH không cao.
Về phía HCCH, Hội nghị mong muốn thúc đẩy hợp tác với ASEAN cũng như tăng cường sự tham gia các Công ước của các nước ASEAN nhằm lan toả ảnh hưởng của Hội nghị cũng như phát huy tác dụng của các Công ước, tăng cường lợi ích cho các nước thành viên. Các hoạt động hỗ trợ của HCCH dành cho khu vực có thể kể đến như: năm 2016, tham gia hỗ trợ Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn pháp luật ASEAN về một số Công ước của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế giúp các nước ASEAN hiểu sâu hơn về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của các công cụ pháp lý quốc tế này. Nhờ đó, cho đến nay, các nước ASEAN đã tham gia sâu hơn vào các hoạt động của HCCH như Phi-líp-pin trở thành thành viên Công ước tống đạt, Công ước bắt cóc trẻ em, Việt Nam trở thành thành viên Công ước thu thập chứng cứ, Thái Lan trở thành thành viên của HCCH. Năm 2019, HCCH hỗ trợ Việt Nam tổ chức Hội nghị về Công ước nuôi con nuôi. Năm 2020, Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của HCCH hỗ trợ Nhật Bản và một số nước ASEAN tổ chức Toạ đàm về Công ước bắt cóc trẻ em. Năm 2021, Văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của HCCH đã tham dự Hội nghị quan chức pháp luật cấp cao ASEAN (ASLOM) giới thiệu về Công ước tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ, đồng thời thể hiện mong muốn hợp tác trong khu vực[4]… Ngoài ra, HCCH còn hỗ trợ hậu gia nhập các Công ước (các hướng dẫn kỹ thuật về thực thi) đối với các quốc gia thành viên.
Về phía ASEAN, tại ASLOM lần thứ 20 và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN (ALAWMM) lần thứ 11, ASEAN đã thể hiện rõ chủ trương thúc đẩy hợp tác giữa khu vực và quốc tế, đặc biệt với những tổ chức quốc tế có uy tín như HCCH.
Trong bối cảnh đó, nhằm thực hiện Sáng kiến “Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên” trong ASEAN, Việt Nam đề xuất tổ chức Diễn đàn pháp luật ASEAN với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự và thương mại trong khuôn khổ HCCH”.
Diễn đàn với sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành, các chuyên gia pháp luật cao cấp của các cơ quan pháp luật và tư pháp các nước ASEAN và chuyên gia giàu kinh nghiệm từ một số nước thành viên HCCH với mục đích thúc đẩy sự hợp tác pháp luật và tư pháp giữa các nước trong khu vực ASEAN và hỗ trợ các nước thành viên ASEAN cùng đẩy mạnh nghiên cứu, gia nhập các thiết chế đa phương về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại nhằm hướng đến sự hòa hài hóa pháp luật trong ASEAN với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN, đáp ứng như cầu của cộng đồng kinh doanh ASEAN và công dân các nước ASEAN.
Diễn đàn nhằm góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Ban chấp hành Trung ương về hội nhập quốc tế[5]; thể hiện và khẳng định vai trò tham gia chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác pháp luật và tư pháp ASEAN, trong đó Bộ Tư pháp được Chính phủ giao trọng trách trong lĩnh vực này, từ đó góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời hướng tới hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp và thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực phục vụ hội nhập quốc tế. Diễn đàn cũng trực tiếp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN với HCCH và với các quốc gia khác; tăng cường tiếp cận tư pháp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân trong các vụ việc dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người và thúc đẩy phát triển môi trường kinh doanh thương mại.
 
[1] Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan và Việt Nam.
[2] Công ước Công ước La Hay năm 1961 về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công: Bru-nây, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po; Công ước La Hay 1993 bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế: Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Thái Lan, Việt Nam; Công ước La-hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em: Phi-líp-pin, Xing-ga-po, Thái Lan.
[3] Số liệu thống kê từ ngày 01/01/2017 đến ngày 30/9/2022
[4] Báo cáo hoạt động của các văn phòng khu vực Châu Mỹ La Tinh và Ca-ri-bê và Châu Á Thái Bình Dương từ ngày 01/01 đến 31/12/2021
[5] Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển và an ninh của đất nước; đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập đi vào thực chất, tạo sự đan xen gắn kết lợi ích giữa nước ta với các đối tác.
Chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc tham gia xây dựng Cộng đồng ASEAN, phát huy vai trò của Việt Nam trong ASEAN và các cơ chế, diễn đàn do ASEAN giữ vai trò trung tâm, nhằm tăng cường đoàn kết, gia tăng liên kết nội khối, củng cố quan hệ hợp tác với các bên đối thoại của ASEAN, thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Phát huy vai trò tại các tổ chức, diễn đàn, cơ chế hợp tác mà nước ta là thành viên. Xây dựng và triển khai kế hoạch gia nhập các tổ chức, diễn đàn khác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tích cực triển khai chủ trương đưa người Việt Nam vào làm việc tại các tổ chức quốc tế, chủ động chuẩn bị nhân sự ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của các tổ chức quốc tế.