Các diễn giả đã trình bày nội dung một số văn kiện của HCCH: Công ước năm 1961 về miễn hợp hóa giấy tờ công nước ngoài (Công ước Apostille), Công ước năm 2005 về thỏa thuận lựa chọn tòa án (Công ước thỏa thuận lựa chọn tòa án) Công ước năm 2019 về công nhận và thi hành phán quyết nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước phán quyết), Công ước năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt), Công ước năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ), Công ước năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế (Công ước con nuôi), Công ước năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế (Công ước bắt cóc), Công ước năm 1996 về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác trong lĩnh vực trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em (Công ước bảo vệ trẻ em), Bộ nguyên tắc năm 2015 về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế (Bộ nguyên tắc). Hội nghị đã trao đổi thảo luận sôi nổi về các quan điểm kinh nghiệm của các quốc gia trong khu vực về thực thi các Công ước nêu trên. Đại diện của HCCH cũng giới thiệu về các dự án lập pháp mới của Hội nghị: dự án Phán quyết và dự án về Kinh tế số.
Hội nghị đã ghi nhận tầm quan trọng của HCCH và các Công ước La Hay, khuyến khích các quốc gia trở thành thành viên của HCCH và tham gia các Công ước, tăng cường hiện diện của tổ chức và các công việc của mình trong cả 3 trụ cột: pháp luật gia đình và bảo vệ trẻ em quốc tế, pháp luật tố tụng quốc tế và miễn hợp pháp hóa giấy tờ công (Apostille) và pháp luật thương mại tài chính số hóa quốc tế. Các quốc gia thành viên cần cùng nhau nỗ lực thực thi hiệu quả các Công ước của HCCH bao gồm cả việc áp dụng các công nghệ mới.
Một số nội dung nổi bật của Tuần lễ như sau:
1. Về lợi ích của việc trở thành thành viên HCCH và các Công ước La Hay
Tư pháp quốc tế truyền thống vẫn được hiểu là bao gồm các vấn đề về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận và thi hành phán quyết của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. HCCH đã bổ sung thêm một thành tố mới đó là hợp tác giữa các quốc gia để tăng cường hiệu quả và vượt qua khó khăn, thách thức.
HCCH tạo dựng các cầu nối đảm bảo tính chắc chắn và dự đoán trước được về mặt pháp lý, hỗ trợ các tương tác xuyên biên giới nhưng tác động rất ít đến pháp luật quốc gia, xây dựng mạng lưới để hợp tác hội nhập trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng và đa phương
HCCH thành lập từ năm 1893, với nhiệm vụ thống nhất dần dần các quy tắc tư pháp quốc tế, hiện HCCH có 91 quốc gia thành viên và 65 quốc gia không phải thành viên của HCCH nhưng là thành viên các Công ước của tổ chức này. Số lượng các quốc gia thành viên có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Ban thư ký của HCCH có 2 văn phòng khu vực tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ La tinh và Ca-ri-bê.
HCCH đã xây dựng được 37 Công ước, 2 Nghị định thư và một văn kiện luật mềm. Thực tế cho thấy các Công ước chính của tổ chức vẫn thu hút các quốc gia tham gia ở thời điểm hiện tại. Tới này đã có 989 lượt phê chuẩn, chấp thuận hoặc gia nhập các Công ước của HCCH, tương ứng với việc ký kết 30606 điều ước song phương giữa các quốc gia có liên quan. Trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương có 21 quốc gia là thành viên và 21 quốc gia chưa phải thành viên HCCH.
Lợi ích của việc trở thành thành viên của HCCH là được quyết định chương trình làm việc và tham gia vào việc xây dựng các văn kiện mới của tổ chức. Các quốc gia trong khu vực sẽ có điều kiện tăng cường tiếng nói chung của mình làm phong phú hơn các quan điểm cách tiếp cận trong đối thoại toàn cầu và chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình. Đồng thời, các quốc gia trong khu vực cũng đảm bảo được lợi ích của quốc gia và khu vực được xem xét một cách hiệu quả và hưởng lợi từ việc tiếp cận ưu tiên với các hỗ trợ kỹ thuật, tiết kiệm được các chi phí kết nối và giải quyết các vấn đề tư pháp quốc tế phát sinh.
Việc tham gia các Công ước của HCCH cũng mang lại nhiều lợi ích: Các Công ước là các giải pháp thực tế đã được chứng minh là hiệu quả, các quốc gia có thể hưởng lợi từ các giải pháp này. Từ đó đảm bảo được tính chắc chắn và dự đoán trước được về mặt pháp lý, hưởng lợi từ các quan hệ hợp tác quốc tế được tăng cường trong khi hệ thống pháp luật trong nước ít bị ảnh hưởng, tiết kiệm được nguồn lực, tăng cường hợp tác và hội nhập trong khu vực trong khi không phải tạo ra các cơ chế tương tự ở tầm khu vực (ví dụ: đề xuất về việc hình thành mini- Apostille là không cần thiết). Các quốc gia tận dụng được cơ chế pháp lý và các chuẩn mực quốc tế, loại bỏ các khó khăn pháp lý để hỗ trợ luân chuyển của dòng nhân lực, hàng hóa và vốn; bảo vệ trẻ em ở cấp độ quốc tế; tham gia vào thương mại đa phương trên cơ sở luật lệ để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (mục tiêu số 16.2 bảo vệ trẻ em và 16.3 pháp quyền và tiếp cận công lý).
Phi-líp-pin, Thái Lan, Mông Cổ đã chia sẻ kinh nghiệm của nước mình khi tham gia vào HCCH. Trong khu vực Phi-líp-pin là quốc gia đã gia nhập nhiều Công ước của HCCH (5 Công ước) và tổ chức nhiều Tuần lễ châu Á- Thái Bình Dương. Phi-líp-pin nhận thấy công ước Apostille, Công ước tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ là các Công ước phổ biến trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Việc gia nhập các Công ước như Công ước Apostille và Công ước tống đạt đã giúp quốc gia này giảm bớt các gánh nặng trong các thủ tục hợp pháp hóa giấy tờ và cắt giảm các bước trung gian trong thực hiện tống đạt giấy tờ (giảm thời gian tống đạt từ 6 tháng xuống còn 1,5 tháng), tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Thách thức đối với Phi-líp-pin là các Công ước của Hội nghị còn chưa quen thuộc đặc biệt với các quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương và châu Phi, cần phải có sự sửa đổi pháp luật trong nước để thực thi, quy trình phê chuẩn các điều ước quốc tế thường kéo dài và vấn đề liên quan đến năng lực (nguồn lực con người và các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất để thực thi các Công ước) còn hạn chế, việc xác định cơ quan có thẩm quyền phù hợp cũng mất nhiều thời gian và có trường hợp chỉ thực hiện được khi có cơ quan “xung phong” thực hiện nhiệm vụ này.
Ưu tiên sắp tới của Phi-líp-pin là tham gia Công ước thu thập chứng cứ để giảm bớt chi phí trong tố tụng, Công ước bảo vệ trẻ em để công nhận và thi hành các biện pháp bảo vệ trẻ em. Đồng thời, các tổ chức trọng tài tại Phi-líp-pin cũng được khuyến khích áp dụng Bộ nguyên tắc La Hay vào quy tắc tố tụng trọng tài của mình. Phi-líp-pin cũng quan tâm đến Công ước phán quyết của HCCH.
Thái Lan là thành viên của HCCH từ năm 2021, trở thành quốc gia thứ năm trong khu vực ASEAN trở thành thành viên của HCCH. Thái Lan đang nghiên cứu để gia nhập Công ước Apostille và Công ước tống đạt: pháp luật trong nước (Luật về xung đột pháp luật) đang được nghiên cứu để sửa đổi vào tháng 3 năm sau (2023). Cơ quan nhà nước của Thái Lan đang tích cực nâng cao nhận thức về tư pháp quốc tế với sự giúp đỡ của giới học thuật. Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của HCCH đã hỗ trợ tích cực cho Thái Lan trong quá trình này.
Với Mông Cổ, các thay đổi đối với nền chính trị được tiến hành từ năm 1991, mở cửa hội nhập và các tranh chấp xuyên biên giới làm gia tăng nhu cầu hợp tác quốc tế. Các đạo luật chính như Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật gia đình đều được sửa đổi để đảm bảo phù hợp với tình hình mới (đang cân nhắc có ban hành một luật riêng về thương mại hay không). Trong quá trình đó các Công ước của HCCH là rất hữu ích, đặc biệt trong lĩnh vực pháp luật gia đình. Tương lai, Mông Cổ đang nghiên cứu gia nhập các Công ước tống đạt và thu thập chứng cứ, Công ước cấp dưỡng trẻ em, Công ước bắt cóc và Công ước bảo vệ trẻ em. Đồng thời, quốc gia này cũng chú trọng vào việc nâng cao năng lực: nâng cao nhận thức và sửa đổi pháp luật trong nước. Đây được đánh giá là quá trình lâu dài.
Đại diện của Văn phòng khu vực châu Á -Thái Bình Dương của HCCH cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và sự thành công của sự kiện Tuần lễ châu Á- Thái Bình Dương trong những năm qua. Khu vực châu Á- Thái Bình Dương là một khu vực đa dạng với nhiều quốc gia có ngôn ngữ, hệ thống pháp luật và trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau. Văn phòng khu vực được thành lập từ năm 2012 nhằm thắt chật mối quan hệ giữa HCCH và các quốc gia trong khu vực, quảng bá về HCCH và các Công ước của Hội nghị cũng như hỗ trợ các quốc gia trong khu vực thực thi các Công ước này. Từ năm 2000, trong số 44 quốc gia thành viên mới của HCCH có 16 quốc gia ở khu vực châu Á. Nhiều quốc gia trong khu vực theo Luật Hồi giáo nên Văn phòng đã giúp các quốc gia khác hiểu rõ hơn về Luật Hồi giáo để có thể điều chỉnh các dự án liên quan và giải thích các Công ước của HCCH đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Với cách tiếp cận các bên cùng thắng, cùng hưởng lợi, Văn phòng đã mở rộng hợp tác với các tổ chức khác trong khu vực như AALCO, ASEAN, Tổ chức hợp tác Hồi giáo…Các Công ước của HCCH đã được chứng minh tầm quan trọng trong thực tiễn, trực tiếp tác động đến đời sống của con người và cách thức vận hành thương mại quốc tế và các mối quan hệ xuyên quốc gia, tạo ra sự chắc chắn về mặt pháp lý xuyên biên giới.
Các đại biểu cũng thống nhất rằng các chi phí niên liễm (khoảng hơn 6.000 euro mỗi năm cho hầu hết các nước đang phát triển trong khu vực) là nhỏ hơn so với các lợi ích đạt được nhờ tham gia các Công ước của Hội nghị. Đồng thời, Hội nghị cũng có các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập, nhóm họp các Ủy ban đặc biệt về thực thi Công ước và nghiên cứu xây dựng các Công ước mới để giúp các Công ước của HCCH luôn được cập nhật và hoàn thiện. Quá trình này cần sự tham gia của cả những người hoạt động thực tiễn để xác định nhu cầu, vướng mắc phát sinh và tìm ra giải pháp phù hợp.
2. Về tố tụng quốc tế và hợp tác pháp luật
2.1. Công ước Apostille
Công ước Apostille giúp đơn giản hóa thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự để các giấy tờ công được sử dụng ở nước ngoài trong mọi lĩnh vực kể cả giải quyết tranh chấp… Giấy tờ được sử dụng làm chứng cứ và việc hợp pháp hóa sẽ chứng thực tính xác thực và nguồn gốc của giấy tờ.
Việc hợp pháp hóa gồm nhiều bước (chứng nhận lãnh sự tại nước gốc và hợp pháp hóa lãnh sự tại nước nhận giấy tờ) tốn thời gian nay được thay thế bằng một thủ tục duy nhất là đóng dấu Apostille – không cần bước xác nhận tại quốc gia nhận giấy tờ.
Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp số hóa (Apostille điện tử - eAPP gắn với hệ thống đăng ký điện tử e- Register để xác nhận điện tử với các dấu Apostille được cấp) đã được thảo luận nhưng bắt đầu được quan tâm đặc biệt từ sau khi đại dịch COVID-19 diễn ra.
Các cơ quan có thẩm quyền được coi là xương sống của hệ thống Apostille: là các cơ quan sẽ xác nhận tính xác thực của chữ ký và cơ quan có thẩm quyền ký giấy tờ.
- Kinh nghiệm của Phi-líp-pin: Trước khi gia nhập Công ước Apostille, các dấu chứng nhận/ hợp pháp hóa lãnh sự trên giấy tờ của Phi-líp-pin chỉ có thời hạn 5 năm nhưng sau khi Công ước Apostille có hiệu lực, Phi-líp-pin không còn áp dụng thời hạn này.
1/3 số quốc gia thành viên ASEAN và 1/8 các quốc gia thành viên của HCCH tại châu Á có e- Apostille. Tại Phi-líp-pin, Bộ Ngoại giao cấp dấu Apostille, dấu Apostille điện tử sẽ kèm theo một mã QR – chỉ cần scan và thông tin về dấu Apostille được cấp sẽ hiển thị đầy đủ. Chữ ký điện tử là yếu tố quan trọng, cần thiết để vận hành hệ thống eAPP này. Cổng thông tin của Chính phủ cũng là nơi thư điện tử chính thức được sử dụng để nộp các yêu cầu và xác minh về tính xác thực của giấy tờ.
Cơ quan có thẩm quyền của Phi-líp-pin đã tổ chức xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ làm việc trực tiếp: chương trình đào tạo cấp chứng chỉ cho người thực hiện việc cấp dấu Apostille, cung cấp thông tin, các cuộc họp phối hợp, làm việc với các cơ quan thi hành pháp luật để hạn chế lừa đảo, giấy tờ giả và tội phạm mạng, làm việc với các tổ chức thanh toán trực tuyến. Tại Phi-líp-pin mức phí hợp lý dưới 2 đô la cho một dấu Apostille.
Trên thực tế, có tới hàng nghìn con dấu và chữ ký vì vậy cơ quan có thẩm quyền sẽ phải so sánh với mẫu đã đăng ký để tiến hành xác thực. Mặc dù không xác thực về nội dung của giấy tờ nhưng cơ quan có thẩm quyền của Phi-líp-pin vẫn từ chối cấp dấu Apostille trong một số trường hợp nội dung của giấy tờ có thông tin không phù hợp như vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này (ví dụ: giấy tờ gửi cho Liên hợp quốc tuyến bố rằng một đơn vị lãnh thổ tách ra khỏi Phi-líp-pin đã bị từ chối cấp dấu Apostille).
Bằng các nỗ lực thực thi Công ước thông qua các quy trình thủ tục chặt chẽ, minh bạch, có biện pháp hiệu quả phòng chống giả mạo giấy tờ và dấu Apostille kết hợp với vận động ngoại giao, Phi-líp-pin đã gây dựng lòng tin với các quốc gia phản đối việc Phi-líp-pin gia nhập Công ước Apostille như Đức và Áo. Các quốc gia này có khả năng phản hồi tích cực, rút lại các phản đối này trong tương lai gần.
- Kinh nghiệm của Xinh-ga-po: Năm 2020, thảo luận về Công ước Apostille tại Nghị viện của Xinh-ga-po đã đề cập đến nhiều vấn đề như phạm vi chứng thực, các bước thực hiện, ngăn ngừa giấy tờ giả và lừa đảo…Phí cấp dấu Apostille vẫn còn nhưng không có thêm chi phí khác. Dự thảo đã nhanh chóng được thông qua.
Công ước có hiệu lực tại quốc gia này từ năm 2021. Bộ Pháp luật Xinh-ga-po đã chuẩn bị trong 5 năm và ngay trong giai đoạn này đã quan tâm đến việc số hóa. Quá trình này đòi hỏi sửa đổi quy định pháp luật trong nước, tìm kiếm các công nghệ thích hợp làm việc với giới học thuật và luật sư, công chứng, học tập kinh nghiệm của nước ngoài đặc biệt là các nước thuộc hệ thống thông luật (common law) như Anh, Hồng Kông, Úc và Niu Di-lân, và thu thập ý kiến của các chủ thể có liên quan. Các phát triển trong công nghệ thông tin cũng được ứng dụng trong việc cấp dấu Apostille. Xinh-ga-po khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia khác trong việc thực thi Công ước.
Tại Xinh-ga-po, việc cấp dấu Apostille cần được thực hiện thông qua luật sư và công chứng viên. Việc cấp dấu Apostille áp dụng một quy trình duy nhất cho tất cả các nước kể cả các nước không phải thành viên Công ước Apostille, để không phải cập nhật các nước thành viên Công ước.
eAPP cũng được triển khai tại Xinh-ga-po, công nghệ chuỗi khối Blockchain áp dụng với việc xác thực một số văn bản như các chứng chỉ học thuật. Tuy nhiên, số liệu lại cho thấy yêu cầu cấp dấu Apostille có xu hướng giảm chứ không tăng lên như tại Phi-líp-pin.
- In-đô-nê-xi-a chia sẻ kinh nghiệm: Nhận thấy lợi ích và tầm quan trọng của việc cắt giảm thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với củng cố nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hội nhập quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực dân sự và thương mại; giảm bớt các thủ tục hành chính; do Sáng kiến về Mini- Apostille đã không được thông qua, In-đô-nê-xi-a hy vọng tất cả các nước thành viên ASEAN có thể tham gia Công ước để tạo thuận lợi cho hoạt động của Cộng đồng khu vực. Công ước có hiệu lực với In-đô-nê-xi-a từ ngày 4/6/2022. In-đô-nê-xi-a đã học được rất nhiều từ diễn đàn eAPP và đã thông qua các quy định pháp luật trong nước, chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ quan có thẩm quyền đến cơ sở vật chất để thực hiện. Thực tế, In-đô-nê-xi-a vẫn gặp một số khó khăn trong việc thuyết phục các Bộ ngành khác thực hiện theo Công ước, mức phí 150.000 rupiat cho một dấu Apostille tương đương khoảng 10 đô la Mỹ là chấp nhận được với các doanh nghiệp nhưng khá cao với người dân bình thường và học sinh sinh viên. Hiện nay việc thành lập các văn phòng khu vực và cấp dấu Apostille điện tử đang được cân nhắc.
2.2. Công ước thỏa thuận lựa chọn tòa án và Công ước phán quyết
Hội nghị đã trao đổi về lịch sử và nội dung cơ bản của hai Công ước này. Hai Công ước đều xuất phát từ đề xuất của Hoa Kỳ vào những năm 1990 xây dựng văn kiện trong lĩnh vực tư pháp quốc tế điều chỉnh vấn đề thẩm quyền, công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài để tăng cường tiếp cận công lý, mang lại hiệu quả thực tế cho các biện pháp khắc phục được tòa án tuyên, hỗ trợ thương mại xuyên quốc gia. Qua quá trình thảo luận lâu dài và không thể đi đến thống nhất, dự án lập pháp tham vọng này của HCCH đã tách thành những hợp phần nhỏ hơn, kết quả là sự ra đời của Công ước thỏa thuận lựa chọn tòa án và Công ước phán quyết. Các Công ước này có giá trị lớn với khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Mặc dù, hiện nay, các Công ước chưa có nhiều thành viên nhưng hy vọng trong tương lai sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm hơn. Đối với Công ước lựa chọn tòa án, thỏa thuận lựa chọn tòa án là thỏa thuận xác định thẩm quyền riêng biệt của tòa án được chọn, trừ khi chứng minh được điều ngược lại. Tòa án được lựa chọn sẽ giải quyết vụ việc và tòa án không được chọn phải từ chối thụ lý giải quyết vụ việc để tòa án được chọn thực thi thẩm quyền của mình.
Đối với Công ước phán quyết, phạm vi các phán quyết được công nhận phải là các phán quyết cuối cùng (không phải phán quyết tạm thời) và nhiều nội dung không thuộc phạm vi điều chỉnh do đã thuộc phạm vi của các Công ước khác của HCCH hoặc tương đối phức tạp, không đạt được sự đồng thuận trong quá trình thảo luận. Công ước áp dụng với các trường hợp thỏa thuận lựa chọn tòa án không riêng biệt và xác định cụ thể các căn cứ để công nhận và thi hành (trên cơ sở thẩm quyền) và các căn cứ để từ chối việc công nhận và thi hành. Trong lĩnh vực tài chính, Công ước có ý nghĩa lớn vì thỏa thuận giữa các bên phần lớn lựa chọn tòa án là cơ quan giải quyết tranh chấp nhưng các thỏa thuận này đều là thỏa thuận không xác định thẩm quyền riêng biệt. Nhiều lĩnh vực khác ngoài thương mại, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không phổ biến nên Công ước có ý nghĩa và lợi ích to lớn.
Các Công ước sẽ mang lại công lý thực sự, giúp tiết kiệm thời gian giải quyết tranh chấp trong bối cảnh toàn cầu hóa do các phán quyết được luân chuyển và được chấp nhận ở các quốc gia khác nhau. Các bên nhờ đó cũng biết được nơi khởi kiện phù hợp để đảm bảo phán quyết được công nhận sau này. Tới nay có rất ít cơ chế khu vực và quốc tế cho phép công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài, vì thế Hội nghị thống nhất rằng các quốc gia nên cân nhắc việc sớm trở thành thành viên Công ước.
Phi-líp-pin và Trung Quốc đều chia sẻ quan điểm rằng hai Công ước có nhiều điểm tương đồng với pháp luật trong nước và đang có những nghiên cứu tích cực. Trung Quốc còn ghi nhận một số quy định của hai Công ước trong khi sửa đổi các quy định pháp luật trong nước có liên quan (Điều 9 Công ước thỏa thuận lựa chọn tòa án, Điều 5 Công ước phán quyết).
2.3. Công ước tống đạt và Công ước thu thập chứng cứ
Đây là hai Công ước được đánh giá là quan trọng và nhận được nhiều sự quan tâm trong khu vực. Nội dung của hai Công ước sử dụng các thuật ngữ khác nhau nhưng đều thiết kế đa dạng các kênh thực hiện chuyển giao yêu cầu: kênh chính (qua Cơ quan Trung ương), kênh thay thế và các kênh bổ sung. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đến nay vẫn chỉ được áp dụng với việc chuyển giao các yêu cầu- Công ước không có quy định hạn chế, trong khi việc thực hiện các yêu cầu trên thực tế hoàn toàn phụ thuộc vào pháp luật trong nước của từng quốc gia.
Về kinh nghiệm trong khu vực, sau khi Phi-líp-pin gia nhập Công ước Tống đạt, Tòa án tối cao đã ban hành Lệnh số 251-2020 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện các yêu cầu, căn cứ từ chối, cho phép thực hiện chuyển giao giấy tờ bằng phương thức điện tử. Từ khi Phi-líp-pin gia nhập Công ước khỏang 74% yêu cầu gửi đến đã được thực hiện nhanh chóng. Trên thực tế, Phi-líp-pin cũng gặp một số khó khăn như việc điền các mẫu theo Công ước không chính xác, địa chỉ cung cấp không đầy đủ, phía nước ngoài không thanh toán chi phí thực tế. 100 đô la Mỹ chi phí thực hiện trong nhiều trường hợp là không đủ và cơ quan có thẩm quyền của Phi-líp-pin phải cân đối với các trường hợp khác ít tốn kém chi phí hơn.
Đối với Hàn Quốc, việc thực hiện Công ước tống đạt là khoảng 1.000 vụ mỗi năm, Công ước thu thập chứng cứ thì số lượng hạn chế hơn nhưng kết quả đã hỗ trợ tích cực cho thẩm phán giải quyết vụ việc. Trên thực tế, khó khăn tại Hàn quốc phát sinh khi xem xét tính hợp lệ của việc tống đạt giấy tờ ở nước ngoài. Ví dụ: một vụ việc với Niu Di-lân, do quốc gia này chưa phải là thành viên của Công ước tống đạt cho nên khi tống đạt văn bản của tòa án Niu Di-lân cho đương sự ở Hàn Quốc bằng phương thức gửi cho người sống chung của đương sự và bản án được tuyên vắng mặt đương sự thì tòa án tối cao Hàn Quốc phải mất tới 4 năm để ra được quyết định cuối cùng khi xem xét việc công nhận và cho thi hành bản án của tòa án Niu Di-lân, thay đổi kết luận trước đó về tính hợp lệ của việc tống đạt. Ví dụ này đã cho thấy tầm quan trọng của việc trở thành thành viên Công ước. Một vấn đề khác là thủ tục thu thập chứng cứ trước khi xét xử (pre-trial discovery) của các quốc gia thông luật, Hàn Quốc gặp nhiều yêu cầu này từ phía Hoa Kỳ và đang cân nhắc thay đổi tuyên bố không chấp nhận yêu cầu thu thập chứng cứ theo thủ tục này.
3. Pháp luật quốc tế về gia đình và bảo vệ trẻ em
3.1. Công ước nuôi con nuôi
Công ước nuôi con nuôi là một trong những Công ước thu hút được nhiều thành viên của HCCH, đưa ra các bảo vệ về mặt nội dung cũng như quy trình thủ tục nuôi con nuôi vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Việc nuôi con nuôi được giải quyết theo Công ước sẽ được công nhận tự động tại các quốc gia thành viên. Việc thiết lập quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi dựa trên cơ sở quan hệ gia đình lâu dài bền vững nên các thủ tục cần được thực hiện không quá nhanh (tránh trường hợp đánh giá hời hợt, không thiết lập được quan hệ lâu dài) và không quá chậm (ảnh hưởng đến khả năng trẻ được nhận nuôi và tác động tâm lý tiêu cực đến cả hai bên cha mẹ và con nuôi). Công ước đã đạt được nhiều thành tựu: trao quyền cho quốc gia gốc phản kháng lại sức ép từ quốc gia nhận và các tổ chức được ủy quyền và chỉ làm việc với các cơ quan và tổ chức chuyên môn phù hợp nhất, chia sẻ trách nhiệm giữa quốc gia gốc và quốc gia nhận, xây dựng Cộng đồng các cơ quan liên quan, hướng đến các thực tiễn tốt nhất trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay số lượng nuôi con nuôi quốc tế có xu hướng giảm mạnh: một mặt do thực hiện nguyên tắc thay thế - hỗ trợ gia đình gốc và ưu tiên nuôi con nuôi trong nước, và mặt khác do nhiều hành vi vi phạm diễn ra khiến các chương trình hợp tác nuôi con nuôi quốc tế bị dừng lại.
Trao đổi về kinh nghiệm của các nước trong khu vực, Việt Nam và Phi-líp-pin đã có bài trình bày giới thiệu về kinh nghiệm chuẩn bị gia nhập và thực thi Công ước.
|
Nhìn chung, việc gia nhập cần nhiều thời gian để sửa đổi pháp luật, chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, nâng cao nhận thức. Tại Phi-líp-pin, để đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em, khi giải quyết nuôi con nuôi quốc tế phải có giải đoạn cha mẹ nuôi tương lai nuôi dạy trẻ thực tế trong từ 5-6 tháng (giai đoạn làm quen) trước khi cơ quan có thẩm quyền của Phi-líp-pin chấp thuận và trên cơ sở đó ra quyết định cuối cùng và chứng nhận về việc nuôi con nuôi theo Điều 23 Công ước. Mặc dù số lượng nuôi con nuôi quốc tế đã giảm nhưng các đơn đề nghị nhận nuôi từ khắp nơi trên thế giới vẫn đổ đến và các quốc gia nhận cần lưu tâm về vấn đề này, không gây sức ép đến các quốc gia gốc. Hợp tác quốc tế là nội dung quan trong để ngăn chặn các hành vi trái phép. Một số vấn đề phát sinh tại Phi-líp-pin như quốc tịch của trẻ được nhận nuôi tại nước ngoài. Nếu quốc gia có liên quan là thành viên Công ước thì luôn có giải pháp để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ, nhưng với các quốc gia không phải thành viên thì Phi-líp-pin phải có các thỏa thuận hành chính với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương tự như các quy định của Công ước. Ngoài ra, đại diện của Thái Lan cũng chia sẻ vướng mắc liên quan đến các trường hợp nhận nuôi con nuôi là các học sinh sinh viên đang học tập tại Thái Lan, vấn đề quốc tịch cũng là vấn đề cần được xem xét và trao đổi.
3.2. Công ước Bắt cóc và Công ước bảo vệ trẻ em
Hai Công ước này không phụ thuộc lẫn nhau mặc dù Công ước bảo vệ trẻ em được coi là văn kiện bổ sung đầy đủ cơ chế để bảo vệ trẻ em trong các trường hợp bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép và hai Công ước có sử dụng nhiều thuật ngữ giống nhau. Độ tuổi của trẻ em trong hai Công ước cũng có sự khác biệt (Công ước Bắt cóc trẻ em là 16 tuổi, Công ước Bảo vệ trẻ em là 18 tuổi).
Công ước bắt cóc chỉ quy định về việc xác định nơi xét xử và tiến hành các thủ tục nhanh chóng để trả lại trẻ mà không hình sự hóa các hành vi đưa đi hoặc giữ lại trẻ trái phép. Công ước quy định về các trường hợp không phải trả lại trẻ (người yêu cầu không thực hiện quyền nuôi dưỡng, cha mẹ bị bỏ lại đã đồng ý, trẻ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng khi bị trả lại, trẻ phản đối việc trả lại hoặc vì lý do trật tự công). Việc trả lại trẻ là trả về quốc gia yêu cầu chứ không phải cho người có quyền nuôi dưỡng hay người làm đơn.
Công ước bảo vệ trẻ em được diễn giải thông qua một ví dụ về mối quan hệ gia đình phức tạp có sự di chuyển qua lại giữa các quốc gia của cha mẹ và trẻ, có sự tan vỡ của cuộc hôn nhân giữa cha mẹ trẻ, có việc cha mẹ xây dựng gia đình mới và việc trẻ bị đưa đi trái phép và bị bạo hành. Công ước giúp xác định thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận và cho thi hành các biện pháp bảo vệ trẻ em trong những vụ việc phức tạp này.
Chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực, Phi-líp-pin và I-xra-en chưa phải là thành viên của Công ước Bảo vệ trẻ em nhưng đều có dự định nghiên cứu Công ước này. Để thực thi Công ước bắt cóc, tại Phi-líp-pin Bộ Tư pháp được chỉ định là Cơ quan đầu mối giải quyết các yêu cầu trả lại trẻ. Nước này đã ban hành Quy định (Circular 010) ngày 22/2/2022 để thực thi Công ước. Tại I-xra-en, việc thực hiện Công ước bắt cóc cần sự hợp tác nhanh chóng của nhiều cơ quan: cảnh sát để xác định nơi cư trú của trẻ, cơ quan bảo hiểm xã hội, những người làm công tác xã hội và tòa án, cơ quan đại diện của nước ngoài có liên quan. Thực tế cho thấy sự nỗ lực hợp tác giữa các bên có thể giúp các vụ việc trả lại trẻ được tiến hành thuận lợi kể cả trong giai đoạn diễn ra dịch bệnh Covid-19.
3.3. Công ước cấp dưỡng trẻ em
Công ước cung cấp hợp tác hành chính để mang lại hỗ trợ tài chính cần thiết cho trẻ em nhất là các trẻ em đang phải sống ở mức nghèo khổ hoặc thấp hơn bị cha mẹ bỏ mặc. Trẻ sẽ được nhận trợ giúp miễn phí kể cả các hoạt động hỗ trợ về pháp lý. Công ước cũng vận hành thông qua cơ chế hoạt động của các cơ quan trung ương, HCCH đã xây dựng hệ thống i-Support để các cơ quan trung ương thuận tiện trong việc liên lạc. Kinh nghiệm của các nước như Phi-líp-pin, Hoa Kỳ và Niu Di-lân đều cho thấy việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho quá trình tham gia Công ước, nghiên cứu sửa đổi pháp luật quốc gia, nâng cao năng lực của cơ quan thực thi, liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và tham vấn trong nước có ý nghĩa rất quan trọng làm nên sự thành công trong thực hiện Công ước.
4. Pháp luật về thương mại và tài chính quốc tế
Hội nghị đã trao đổi về nội dung Bộ quy tắc La Hay về lựa chọn pháp luật áp dụng. Mặc dù là văn kiện Luật mềm nhưng Bộ Quy tắc đã truyền cảm hứng cho nhiều dự án lập pháp tại các quốc gia (như Luật của Pa-ra-goay năm 2015 về pháp luật áp dụng với hợp đồng quốc tế hoặc Luật của U-ru-goay số 130/2020) cũng như các văn kiện quốc tế khác trong lĩnh vực này. Từ năm 2020, hàng năm, HCCH cũng tổ chức khảo sát các tổ chức trọng tài về việc áp dụng Bộ quy tắc trong giải quyết tranh chấp và nhận được nhiều tín hiệu tích cực. In-đô-nê-xi-a cũng dự kiến ban hành Luật về tư pháp quốc tế trong thời gian tới đây, dự kiến sẽ có nội dung tương tự Bộ quy tắc.
5. Các dự án lập pháp mới của HCCH
Hội nghị đã nghe đại diện của HCCH trình bày về dự án Thẩm quyền (của tòa án) và dự án Kinh tế số của HCCH, sự cần thiết của các dự án này, phạm vi các công việc đang thảo luận. Đại diện của HCCH kêu gọi các quốc gia thành viên cung cấp thêm thông tin về tình hình thực tiễn, đưa ra yêu cầu, ý tưởng, đề xuất để HCCH phát triển, cụ thể hóa thêm các dự án này hướng đến các văn kiện pháp lý có tính ràng buộc trong tương lai.
Hội nghị đã kết thúc tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc về đất nước Phi-líp-pin thân thiện, mến khách, một khu vực châu Á- Thái Bình Dương gần gũi rộng mở với các quốc gia trên thế giới và hợp tác chặt chẽ với HCCH trong lĩnh vực tư pháp quốc tế vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.