Hội thảo quốc tế về Công ước LaHay 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em và pháp luật tư pháp quốc tế.

Hội thảo quốc tế về Công ước LaHay 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em và pháp luật tư pháp quốc tế.

Ngày 6,7 tháng 7 năm 2015, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế đã phối hợp với Đại sứ quán Pháp tổ chức Hội thảo quốc tế về Công ước LaHay 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em và pháp luật tư pháp quốc tế. Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Pháp tại Việt nam nhằm mục đích trao đổi thông tin, kinh nghiệm của Pháp để có thêm thông tin phục vụ nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước LaHay về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em (Công ước) và đề xuất xây dựng Luật tư pháp quốc tế.
 

Thành phần tham dự Hội thảo, về phía Pháp có sự tham gia của Bà Marianne Schulz, chuyên gia pháp lý về Luật gia đình và con nuôi, Bộ Tư pháp Pháp và Ông Benoît Briquet, Tùy viên pháp luật, Đại sứ quán Pháp. Về phía Việt Nam, có sự tham gia của Ông Nguyễn Thanh Tú – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, bà Phạm Hồ Hương, Trưởng phòng Tư pháp quốc tế, Vụ Pháp luật quốc tế và đại diện một số Bộ, ngành: Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Khoa Luật Đại học quốc gia, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương.

 

Tại Hội thảo, chuyên gia Pháp đã có bài giới thiệu về Công ước LaHay 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em. Theo đó, ngày 25 tháng 10 năm 1980, Hội nghị La hay về tư pháp quốc tế đã cho ra đời Công ước với mục đích nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tình trạng bắt cóc trẻ em và bảo vệ trẻ em khỏi những hậu quả không đáng có của việc bị lưu giữ và mang đi trái phép. Phạm vi điều chỉnh của Công ước không điều chỉnh việc xác định quyền nuôi dưỡng đứa trẻ mà chỉ áp dụng để trẻ em được trả lại nhanh nhất về quốc gia nơi trẻ thường trú trước khi bị mang đi hoặc lưu giữ trái phép bởi chính cha, mẹ hoặc những thành viên khác trong gia đình. Công ước được mở rộng cho cả những quốc gia không phải là thành viên của Hội nghị La Hay tham gia, tính đến nay đã có 93 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên, trong số đó, tại khu vực Đông Nam Á đã có Thái Lan và Sing-ga-po tham gia Công ước. Là một trong số những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước, Pháp đã thực thi rất hiệu quả cơ chế trả lại trẻ em của Công ước. Do việc thực thi Công ước liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau nên Pháp đã chỉ định Cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp bởi cơ quan này có mối liên hệ chặt chẽ với Tòa án và các cơ quan tư pháp. Hiện nay, tại Pháp chỉ có 35 Tòa án phúc thẩm có thẩm quyền rộng có quyền giải quyết yêu cầu trả lại trẻ. Đồng thời, năm 2012, Pháp cũng đã sửa đổi Bộ Luật tố tụng dân sự để đáp ứng tố hơn yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo Công ước.

Ngoài vấn đề nêu trên, chuyên gia Pháp và Việt Nam cũng đã cùng chia sẻ một số vấn đề liên quan đến Công ước: về độ tuổi của trẻ em được bảo vệ theo Công ước (dưới 16 tuổi); về Cơ quan trung ương; về thủ tục trả lại trẻ và đặc biệt chuyên ra Pháp đã đưa ra một số kiến nghị đối với Việt Nam liên quan tới vấn đề sửa đổi và hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền nuôi dưỡng và quyền thăm nom, thủ tục tố tụng tại tòa án theo hướng tương thích hơn với các quy định của Công ước, góp phần đảm bảo thực thi tốt Công ước khi Việt Nam gia nhập.

Liên quan tới nội dung về tư pháp quốc tế, Hội thảo được nghe Tiến sĩ Ngô Quốc Chiến – Giảng viên Khoa Luật, Đại học Ngoại thương Hà Nội trình bày về Đề xuất xây dựng Luật tư pháp quốc tế của Việt Nam. Theo đó, theo thống kê hiện nay có 21 Luật tư pháp quốc tế thì có 13 luật điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế theo nghĩa rộng (xung đột thẩm quyền, xung đột pháp luật, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của trong tài nước ngoài). Do vậy, chuyên gia đề xuất Việt Nam nên xây dựng Luật tư pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ tư pháp quốc tế theo nghĩa rộng. Ngoài ra, tại Việt Nam, hệ thống các quy định về tư pháp quốc tế về nội dung đã gần tiệm cận với các quy định của quốc tế, tuy nhiên, các quy định này đang nằm rải rác tại nhiều văn bản khác nhau nên việc xây dựng một Luật tư pháp quốc tế sẽ giúp dễ tiếp cận, tiết kiệm chi phí và dễ sửa bổi, bổ dung khi cần thiết.

Những nội dung được chuyên gia Pháp và Việt Nam  chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo là những thông tin hết sức thiết thực giúp Việt Nam nghiên cứu gia nhập Công ước LaHay về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em và xây dựng Luật tư pháp quốc tế./.

​​​