Giới thiệu sơ lược kết quả tổng 6 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp (phần 3)

Giới thiệu sơ lược kết quả tổng 6 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp (phần 3)

Thực hiện vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp, theo quy định của Điều 62 Luật TTTP và Điều 6 Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTP, trong năm 2014, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Viện KSNDTC) và 63 Tòa án nhân dân, 63 Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết 6 năm thi hành Luật TTTP (giai đoạn từ ngày 01/7/2008 đến ngày 30/6/2014) trong cả bốn lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (chuyển giao NĐCHHPT). Vụ Pháp luật quốc tế xin được lần lượt thông tin về những kết quả tổng kết thi hành Luật Tương trợ tư pháp với loạt bài như sau:Phần thứ nhất: Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về tương trợ tư pháp sau khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có hiệu lựcPhần thứ hai: Công tác đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan đến tương trợ tư phápPhần thứ ba: Công tác thực hiện ủy thác tư pháp – 6 năm nhìn lạiPhần thứ tư: Công tác quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp
 

Phần thứ ba: Công tác thực hiện ủy thác tư pháp – 6 năm nhìn lại

Từ khi Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực, các cấp các ngành đã có sự quan tâm hơn đến công tác tương trợ tư pháp nói chung và việc thực hiện hồ sơ ủy thác tư pháp nói riêng. Quy trình thực hiện hồ sơ ủy thác đã bài bản hơn, các Bộ/ngành đã có đơn vị riêng để xử lý các hồ sơ ủy thác tư pháp, đặc biệt Bộ Tư pháp đã ứng dụng phần mềm riêng để quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp trong lĩnh vực dân sự. Mặc dầu vậy, kết quả thực hiện các hồ sơ ủy thác còn chưa cao, thời gian thực hiện hồ sơ ủy thác tư pháp còn chậm đòi hỏi phải có nhiều giải pháp để cải thiện.

I.  Tình hình thực hiện hồ sơ ủy thác tư pháp

1. Tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, trong thời gian từ 01/7/2008 đến 30/6/2014, cơ quan đầu mối TTTP về dân sự đã tiếp nhận tổng số 17.718 lượt hồ sơ yêu cầu UTTP từ các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi đi nước ngoài và của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài gửi đến Việt Nam. Cụ thể như sau:

1.1. Thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam gửi ra nước ngoài

 

Năm

Số hồ sơ đã gửi đi

Phân loại theo kết quả

Phân loại theo quốc tịch của đương sự

Có kết quả

Chưa có kết quả

Quốc tịch Việt Nam

Quốc tịch nước ngoài

2008

1146

113

1033

605

541

2009

2624

739

1885

740

1884

2010

1424

157

1267

232

1192

2011

2501

893

1608

734

1767

2012

2518

1689

829

620

1898

2013

3146

1512

1634

912

2234

1/2014-6/2014

1483

90

1393

485

998

Tổng cộng

14.842

5.193

9.649

4.328

10.514

Trong giai đoạn từ 01/7/2008 đến 30/6/2014, Bộ Tư pháp đã tiếp nhận 14.842 yêu cầu UTTP của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam gửi ra nước ngoài, trong đó gửi đi những nước có điều ước quốc tế TTTP về dân sự với Việt Nam là 1.388 (chiếm 9,35%); gửi đi những nước chưa có Hiệp định TTTP với Việt Nam là 13.454 yêu cầu (chiếm 90,65%).

Tổng số yêu cầu UTTP đã có trả lời gửi qua Bộ Tư pháp là 5.193/14.842 yêu cầu, trong đó kết quả trả lời từ những nước có Hiệp định TTTP là 540/1388 yêu cầu; Kết quả trả lời từ những nước chưa có Hiệp định TTTP với Việt Nam là 4.653/13.454. Số liệu thống kê cũng cho thấy việc thực hiện UTTP với những nước có Hiệp định TTTP có hồi âm trả lời trung bình đạt 39%; hồi âm trả lời từ những nước chưa có Hiệp định TTTP với Việt Nam là chỉ đạt 34,5%; nhưng trong số đó lại có đến 80% là thông báo kết quả thực hiện các yêu cầu UTTP cho công dân Việt Nam ở nước ngoài bằng hình thức niêm yết tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.   

Các yêu cầu UTTP chủ yếu là tống đạt giấy tờ, tài liệu, bản án (chiếm trên 80%), còn lại là yêu cầu thu thập chứng cứ, lấy lời khai của đương sự. Về nội dung, số lượng UTTP liên quan đến các vụ việc về hôn nhân và gia đình chiếm 50%, về dân sự (ngoài hôn nhân gia đình) là 46,5%, về thương mại 2,5% và về các lĩnh vực khác (hành chính, lao động, hộ tịch…) là 1%.

Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có nhiều yêu cầu UTTP gửi đi nhất (chiếm khoảng 52%), tiếp sau đó là Toà án nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Trà Vinh, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Bên cạnh đó, trong hai năm gần đây cũng xuất hiện yêu cầu UTTP từ các Tòa án mà từ 2012 trở về trước chưa bao giờ có yêu cầu TTTP như Khánh Hòa, Phú Yên, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Bình.

Năm nước mà Việt Nam gửi đi nhiều UTTP nhất là: Hoa Kỳ, lãnh thổ Đài Loan, Canada, Úc, Hàn Quốc. Kết quả thực hiện UTTP đạt được năm cao nhất là 65% (năm 2012), năm thấp nhất là 10% (năm 2008) [1].

1.2.Thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp của cơ quan thẩm quyền nước ngoài gửi tới Việt Nam

Năm

Số hồ sơ đã gửi đi

Phân loại theo kết quả

Phân loại theo quốc tịch của đương sự

Có kết quả

Chưa có kết quả

Quốc tịch Việt Nam

Quốc tịch nước ngoài

2008

389

197

192

18

371

2009

309

120

189

303

6

2010

226

117

109

5

221

2011

288

190

98

284

4

2012

508

307

201

493

15

2013

710

368

333

694

16

1/2014-6/2014

446

141

305

435

11

Tổng cộng

2.876

1.440

1.427

2.232

644

          Bộ Tư pháp nhận được là 2.876 yêu cầu UTTP của nước ngoài (trong đó từ những nước đã có Hiệp định TTTP với Việt Nam là 1229 yêu cầu), đã thực hiện được 1.440/2.876 yêu cầu (đạt 50%).

Các yêu cầu UTTP của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài phần lớn là tống đạt hồ sơ, tài liệu, thu thập chứng cứ, lấy lời khai, cung cấp thông tin về hộ tịch như các năm trước, trong đó yêu cầu UTTP liên quan đến vụ việc về hôn nhân, gia đình chiếm trên 90%; về dân sự (ngoài hôn nhân và gia đình) chiếm khoảng 9,6% và về thương mại chiếm 0,4%. Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã phát sinh những yêu cầu UTTP có nội dung mới, phức tạp hơn như yêu cầu hỗ trợ áp dụng các biện pháp khẩn cấp.

Số lượng 5 nước/vùng lãnh thổ có yêu cầu UTTP gửi tới Việt Nam nhiều nhất là lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Ba Lan.

Như vậy, qua số liệu về tình hình thực hiện các yêu cầu UTTP dân sự của Việt Nam gửi đi nước ngoài và tiếp nhận của nước ngoài trong 6 năm qua cho thấy, kết quả thực hiện cả hai loại yêu cầu UTTP này những năm sau đều cao hơn so với năm trước và là một bước tiến vượt bậc so với thời gian trước khi Luật TTTP được ban hành.

Công tác tổ chức thực hiện UTTP, đặc biệt là quy trình, thủ tục lập hồ sơ UTTP ở các Cơ quan Trung ương cũng như địa phương ngày càng được cải thiện, tuân thủ đúng các quy định của Luật TTTP và điều ước quốc tế về TTTP, tỷ lệ hồ sơ bị trả lại do không hợp lệ trong những năm gần đây đã giảm xuống rất nhiều so với thời gian Luật mới có hiệu lực, góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, tài lực thực hiện[2].

Số liệu thống kê cũng cho thấy rõ, kết quả thực hiện UTTP với các nước trên cơ sở có điều ước quốc tế cũng cao hơn nhiều so với các nước không ký Hiệp định TTTP với Việt Nam. Điều này thể hiện sự cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động đàm phán, ký các điều ước quốc tế về TTTP để tạo cơ sở pháp lý quốc tế hỗ trợ cho quá trình thực hiện TTTP giữa Việt Nam với nước ngoài đạt hiệu quả cao hơn.

2. Tình hình thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự

Theo thống kê của Viện KSNDTC, tình hình thực hiện UTTP về hình sự giai đoạn từ 01/7/2008 đến 30/6/2014 cụ thể như sau:

2.1. Kết quả giải quyết yêu cầu TTTP của nước ngoài gửi đến Việt Nam

Viện KSNDTC đã tiếp nhận và xử lý 1.289 lượt hồ sơ, công văn liên quan đến yêu cầu tương trợ do nước ngoài chuyển đến; trong đó 90% yêu cầu liên quan đến các nước đã ký Hiệp định với Việt Nam. Các nước có nhiều yêu cầu tương trợ là Cộng hòa Séc, Cộng hòa Ba Lan, CHND Trung Hoa, Liên bang Nga, Hàn Quốc, Vương quốc Anh…

Nội dung yêu cầu TTTP về hình sự chủ yếu là thu thập, cung cấp chứng cứ, tống đạt tài liệu, giấy tờ, chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự… Ngoài ra, thực tiễn đã phát sinh một số hình thức yêu cầu tương trợ mới như yêu cầu cho phép điều tra viên của nước ngoài vào Việt Nam tham gia vào quá trình thực hiện yêu cầu TTTP.

Các yêu cầu TTTP về hình sự liên quan đến nhiều loại tội phạm nghiêm trọng như giết người, mua bán trái phép chất ma túy, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền... Đáng chú ý, gần đây nổi lên một số yêu cầu liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản.

Viện KSNDTC đã quan tâm làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết yêu cầu tương trợ đối với các cơ quan có thẩm quyền trong nước. Do vậy, việc thực hiện các yêu cầu TTTP cơ bản đáp ứng về thời hạn, thủ tục theo yêu cầu của phía nước ngoài.

2.2. Kết quả giải quyết yêu cầu TTTP do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam gửi đi nước ngoài

Viện KSNDTC đã tiếp nhận, giải quyết 367 lượt hồ sơ, công văn liên quan đến yêu cầu tương trợ của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị phía nước ngoài hỗ trợ thực hiện, trong đó 70% yêu cầu liên quan đến các nước đã ký Hiệp định với Việt Nam. Các nước nhận nhiều yêu cầu tương trợ là CHDCND Lào, CHND Trung Hoa, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Vương quốc Anh…

Nội dung yêu cầu tương trợ chủ yếu liên quan đến việc thu thập, cung cấp chứng cứ, xác minh lý lịch, tống đạt tài liệu, giấy tờ. Đáng chú ý, gần đây đã phát sinh một số yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hỗ trợ thực hiện việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có.

Các yêu cầu TTTP về hình sự ngày càng đa dạng, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tội phạm nghiêm trọng như tham ô tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và các tội phạm xâm phạm sở hữu khác, các tội phạm về ma túy, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người như giết người, hiếp dâm…

Sau khi gửi hồ sơ yêu cầu TTTP đi, VKSNDTC đã chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh; đôn đốc thực hiện. Kết quả hoạt động TTTP về hình sự đã góp phần giải quyết nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp như vụ án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh (vụ PCI), vụ án Vinashin, Vinalines…

3. Tình hình thực hiện TTTP về dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ ngày 01/7/2008 đến 30/6/2014, Bộ Công an đã tiếp nhận và thực hiện TTTP về dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT cụ thể như sau:

3.1. Dẫn độ

-          Dẫn độ đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam

Bộ Công an đã lập và chuyển 12 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đối tượng từ nước ngoài về Việt Nam (trong đó 04 yêu cầu dẫn độ theo nguyên tắc có đi có lại, 08 yêu cầu dẫn độ theo hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước). Đến nay đã có kết quả đối với 05 yêu cầu (04 yêu cầu được chấp nhận và đã dẫn độ về Việt Nam; 01 yêu cầu bị phía nước ngoài từ chối).

-           Dẫn độ đối tượng từ Việt Nam ra nước ngoài

Bộ Công an đã tiếp nhận và giải quyết 04 yêu cầu dẫn độ đối tượng từ Việt Nam ra nước ngoài (cả 04 yêu cầu đều theo các hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và các nước). Hiện đã thực hiện dẫn độ 02 đối tượng, 01 đối tượng đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam nên Tòa án nhân dân chưa xem xét ra quyết định dẫn độ, yêu cầu bổ sung thông tin đối với 01 trường hợp còn lại nhưng chưa nhận được thông tin bổ sung.

3.2. Chuyển giao NĐCHHPT

- Chuyển giao phạm nhân từ nước ngoài về Việt Nam

Đã tiếp nhận 09 yêu cầu chuyển giao NĐCHHPT từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục chấp hành hình phạt (trong đó 08 trường hợp theo các hiệp định về chuyển giao NĐCHHPT giữa Việt Nam và các nước, 01 trường hợp theo nguyên tắc có đi có lại). Hiện đã tiếp nhận 05 phạm nhân, đang hoàn thiện thủ tục để tiếp nhận 03 phạm nhân, 01 phạm nhân đã rút đơn xin chuyển giao.

-  Chuyển giao phạm nhân từ Việt Nam ra nước ngoài

Đã tiếp nhận và xử lý 40 đề nghị cung cấp thông tin phục vụ việc chuyển giao NĐCHHPT từ Việt Nam ra nước ngoài tiếp tục chấp hành hình phạt (trong đó 33 trường hợp theo các hiệp định về chuyển giao NĐCHHPT giữa Việt Nam và các nước, 07 trường hợp theo nguyên tắc có đi có lại). Hiện đã nhận được 08 yêu cầu chính thức về việc chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, trong đó đã chuyển giao 03 phạm nhân, chuẩn bị chuyển giao 02 phạm nhân đã có quyết định của Tòa án nhân dân; các trường hợp còn lại đang tiếp tục xem xét.

II. Một số kết quả đạt được

Trước khi Luật TTTP được ban hành, số lượng UTTP giai đoạn trước vào khoảng 600 yêu cầu/năm. Tuy nhiên, phần lớn yêu cầu TTTP từ Việt Nam gửi ra nước ngoài không có kết quả, hồ sơ thực hiện UTTP không được thống kê, theo dõi, hoạt động UTTP chưa được các cấp các ngành quan tâm, tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc.

Qua 6 năm thi hành Luật TTTP, hoạt động UTTP có những bước kết quả đáng ghi nhận ở cả 4 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT. Mặc dù số lượng yêu cầu UTTP xử lý hàng năm ngày càng tăng về số lượng[3], phức tạp và đa dạng hơn về nội dung, đối tượng, nước thực hiện/yêu cầu thực hiện UTTP, với đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất chưa được bổ sung theo sự phát triển của nhiệm vụ nhưng công tác thực hiện UTTP tại Bộ, ngành và các địa phương vẫn đạt những bước tiến, kết quả năm sau đều cao hơn so với thời gian trước. Điều này thấy rõ qua số liệu thống kê thực hiện UTTP trước được nêu tại Mục 3 Phần I (Tình hình và kết quả thực hiện UTTP) ở trên.

Công tác tổ chức thực hiện UTTP, đặc biệt là quy trình, thủ tục lập hồ sơ UTTP ở các Cơ quan Trung ương cũng như địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, tuân thủ đúng các quy định của Luật TTTP và điều ước quốc tế về TTTP, tỷ lệ số hồ sơ bị trả lại do không hợp lệ đã giảm xuống, góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, tài lực thực hiện[4]. Các cơ quan đầu mối thực hiện UTTP bắt đầu xây dựng và áp dụng các phần mềm tin học thực hiện và quản lý hồ sơ UTTP để giúp xử lý hồ sơ nhanh và theo dõi, quản lý được chặt chẽ.

Thực tế cho thấy, với số lượng hàng ngàn yêu cầu UTTP về dân sự, hàng trăm yêu cầu TTTP về hình sự được thực hiện có kết quả ngày càng tăng hàng năm trong thời gian gần đây đã giúp các cơ quan tố tụng trong nước và nước ngoài xử lý các vụ việc dân sự - thương mại, giải quyết các vụ án hình sự đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan, mang lại những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế, bảo vệ trật tự an ninh và ổn định xã hội. Đồng thời, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước cũng như góp phần khuyến khích các chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài với sự yên tâm, tin tưởng rằng các tranh chấp phát sinh giữa họ (nếu có) sẽ được giải quyết một các thỏa đáng thông qua sự trợ giúp hữu hiệu của hoạt động TTTP.

III. Hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong công tác thực hiện ủy thác tư pháp

Dù kết quả thực hiện UTTP đã có những bước tiến so với những năm trước nhưng những hạn chế, bất cập vốn có vẫn chưa được giải quyết, trong đó phải kể đến là:

- Thời gian thực hiện UTTP trong cả bốn lĩnh vực còn dài (nhiều trường hợp kéo hàng năm) không đáp ứng yêu cầu về thời gian xét xử trong nước, làm ảnh hưởng đến quá trình tố tụng;

- Số lượng hồ sơ UTTP chưa có trả lời vẫn còn cao, đặc biệt trong lĩnh vực dân sự (Số lượng UTTP về dân sự không có kết quả trả lời trung bình chiếm trên 50%);

- Trong lĩnh vực dân sự, nhiều trường hợp UTTP cho công dân Việt Nam ở nước ngoài dù có kết quả trả lời nhưng nội dung vẫn không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan tố tụng trong nước;

- Thực trạng còn hạn chế, kết quả chưa đáp ứng yêu cầu của công tác thực hiện UTTP, đặc biệt là ủy thác ra nước ngoài chậm được các cơ quan liên quan nghiên cứu và phân tích nguyên nhân để từ đó có định hướng và giải pháp khắc phục, cải thiện hoạt động để nâng cao hiệu quả của công tác này.

Việc kết quả thực hiện các yêu cầu UTTP còn thấp đã làm ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng, đến việc giải quyết các vụ việc dân sự-thương mại, vụ án hình sự. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực dân sự, trong năm qua số lượng vụ việc dân sự bị “treo” vì lý do không có kết quả UTTP khá lớn (đến gần ngàn vụ việc), chưa kể một số đáng kể kết quả UTTP nhận được nhưng không đáp ứng yêu cầu tố tụng, làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng các cá nhân, tổ chức trong quá trình xét xử.

Có thể thấy những nguyên nhân chính của thực trạng này như sau:

- Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành chỉ viện dẫn chung là áp dụng các quy định của pháp luật về TTTP trong khi đó Luật TTTP lại chưa có các quy định về những nội dung đặc thù cho hoạt động TTTP trong lĩnh vực này hoặc quy định pháp luật hiện hành về TTTP còn một số khoảng trống so với yêu cầu thực tế nên dẫn đến tình trạng thiếu cơ sở pháp lý, gây khó khăn cho thực tế áp dụng giải quyết các vụ việc cụ thể. Nhiều điều ước quốc tế (về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù giữa Việt Nam với các nước) có một số quy định mà hệ thống pháp luật Việt Nam chưa hoàn toàn đáp ứng hoặc chưa có quy định, trong đó có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện[5].

- Số lượng các Hiệp định TTTP còn ít và độ phủ của các điều ước quốc tế của Việt Nam đã ký cũng hẹp (những nước Việt Nam có nhiều yêu cầu TTTP về dân sự thì lại chưa có Hiệp định, những nước Việt Nam đã có hiệp định thì số lượng yêu cầu ủy thác lại ít) nên không có cơ sở pháp lý yêu cầu phía nước ngoài thực hiện các yêu cầu TTTP của Việt Nam, nhất là khi nguyên tắc có đi có lại không phát huy tác dụng vì phía nước ngoài lại không có yêu cầu UTTP đến Việt Nam[6].

- Việc không có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin, tham vấn giữa cơ quan trung ương của Việt Nam về TTTP với cơ quan trung ương của đối tác để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện UTTP cũng làm hạn chế hiệu quả thực hiện các yêu cầu TTTP.

- Sự khác nhau trong quy định pháp luật của các nước về TTTP cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc thực hiện các yêu cầu UTTP trong cả 4 lĩnh vực[7]. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có điều ước quốc tế về TTTP làm cơ sở pháp lý cho việc phối hợp, hỗ trợ tiến hành các hoạt động tố tụng giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và các nước.

- Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất kỹ thuật bố trí cho công tác TTTP vẫn chưa có sự phát triển tương xứng với yêu cầu phát triển của hoạt động này. Đặc biệt là ở Ngành Tòa án, nơi trực tiếp thực hiện các yêu cầu UTTP về dân sự, xem xét các yêu cầu TTTP về dẫn độ, chuyển giao NĐCHHPT thì nguồn lực còn nhiều hạn chế. Hiện nay, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có bộ phận chuyên trách để thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp mà công việc này chủ yếu được giao cho Thư ký Tòa án. Với số lượng biên chế có hạn, Thư ký Tòa án ngoài việc hoàn thành công việc được giao tại cơ quan còn phải thực hiện nhiệm vụ ủy thác tư pháp (tống đạt giấy tờ, tài liệu...) cho Tòa án nước ngoài dẫn đến công việc quá tải, chất lượng không được như mong muốn.

 Riêng trong lĩnh vực dân sự, bên cạnh những nguyên nhân chung nêu trên còn có một số nguyên nhân khác khiến cho kết quả thực hiện UTTP còn hạn chế, đó là: (i) Nhiều hồ sơ UTTP của Tòa án Việt Nam không thực hiện được do địa chỉ không đúng, không viết bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước sở tại hoặc địa chỉ đúng nhưng đương sự không còn ở đó nữa; (ii) Một số nước thực hiện yêu cầu UTTP trên cơ sở thu phí UTTP (như Hoa Kỳ, Úc, Nga, Nhật Bản…) nhưng hiện nay ta chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn về vấn đề này; (iii) Việc thực hiện các UTTP cho công dân Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu được Cơ quan đại diện Việt Nam gửi qua đường bưu điện cho các đương sự, đồng thời niêm yết danh sách tại trụ sở làm việc tối thiểu 30 ngày theo quy định.

Bên cạnh những vấn đề liên quan trực tiếp đến TTTP thì qua công tác này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng nhận ra những vấn đề phát sinh từ quá trình hội nhập quốc tế của đất nước để từ đó có các điều chỉnh thích hợp về chủ trương, chính sách. Chẳng hạn với số liệu thống kê có đến khoảng 55% các yêu cầu UTTP trong lĩnh vực dân sự hiện nay là liên quan tới hôn nhân và gia đình cho thấy tiếp sau xu hướng tăng mạnh của quan hệ hôn nhân quốc tế giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài thì đến nay đã ngày càng xuất hiện nhiều hệ lụy pháp lý (như ly hôn, tranh chấp về tài sản, con cái) đòi hỏi các cơ quan nhà nước cần đánh giá và có những biện pháp xử lý.

IV. Đề xuất giải pháp cải thiện

- Các Bộ, ngành tập trung tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả, nâng cao tỷ lệ số hồ sơ UTTP thực hiện có kết quả trong đó chú trọng các hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện; tăng cường hướng dẫn thực hiện và tổ chức kiểm tra việc thực hiện UTTP trong cả bốn lĩnh vực tại các cơ quan trực tiếp thực hiện trong và ngoài nước nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan.

- Bổ sung thẩm quyền cho Tòa án nhân dân cấp huyện được thực hiện yêu cầu ủy thác tư pháp (không cần thông qua Tòa án nhân dân cấp tỉnh).

- Đề xuất việc tống đạt trực tiếp hồ sơ cho công dân Việt Nam ở nước ngoài nếu không trái với pháp luật nước sở tại hoặc thông qua cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà không phải thông qua cơ quan trung gian là Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao như hiện nay.

 



[1] Riêng số liệu kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2014 không phản ánh kết quả thực hiện của cả năm 2014 do đầu năm là thời gian gửi hồ sơ UTTP đi và mất khoảng 6 tháng để thực hiện, kết quả nhận được thường tập trung vào 6 tháng cuối năm. Tính đến tháng 15/9/2014 kết quả thực hiện đã tăng lên là 436/1483 hồ sơ.

[2]  Trong lĩnh vực dân sự, số lượng hồ sơ UTTP do các tòa án cấp tỉnh, thành phố (là nơi thực hiện hầu hết các yêu cầu UTTP) thực hiện đúng quy định đã chiếm phần lớn, kể từ khi Thông tư liên tịch số 15 hướng dẫn về tỷ lệ số hồ sơ bị trả lại do không hợp lệ đã giảm đi xuống chỉ còn khoảng 7% so với 15% trước đây.

3] Theo tổng kết của VKSNDTC, trong lĩnh vực TTTP về hình sự:  Năm 2011, yêu cầu tương trợ đến tăng 39%, tương trợ đi tăng 69% so với năm 2010; năm 2012, yêu cầu tương trợ đến tăng 135%, tương trợ đi tăng 252% so với năm 2011; năm 2013, yêu cầu tương trợ đến tăng 174%, tương trợ đi tăng 116% so với năm 2012.

[4] Trong lĩnh vực dân sự, số lượng hồ sơ UTTP do các tòa án cấp tỉnh, thành phố (là nơi thực hiện hầu hết các yêu cầu UTTP) thực hiện đúng quy định đã chiếm phần lớn, tỷ lệ số hồ sơ bị trả lại do không hợp lệ đã giảm đi xuống còn khoảng 7% so với 10% trước đây.

[5] Chẳng hạn như các quy định về điều tra chung, kỹ thuật điều tra đặc biệt, bắt khẩn cấp, dẫn độ đơn giản, công nhận và cho thi hành bản án hình sự của Tòa án nước ngoài, vấn đề áp dụng án tử hình… hiện vẫn chưa được thực hiện trên thực tế do hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có quy định.

[6] Số lượng yêu cầu UTTP về dân sự của Việt Nam gửi đi nước ngoài loại này khá lớn (chiếm từ 70-75% tổng số yêu cầu UTTP gửi đi) và tập trung nhiều đến Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Ốt-xtờ-rây-li-a, Cộng hòa liên bang Đức, Hàn Quốc.

[7] Ví dụ như một số quốc gia không quy định hình phạt tử hình nên khi thực hiện TTTP về hình sự, dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội trong khi đó pháp luật Việt Nam lại có quy định hình phạt tử hình. Bên cạnh đó, pháp luật về tố tụng hình sự của các nước cũng còn có nhiều điểm khác so với pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình phối hợp điều tra một số vụ án quan trọng.

​​​