Hội nghị tổng kết Luật Tương trợ tư pháp

Hội nghị tổng kết Luật Tương trợ tư pháp

Sáng 03/3, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết Luật Tương trợ tư pháp (TTTP). Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, việc thông qua Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động TTTP trong cả 04 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã triển khai tổng thể các hoạt động từ ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, ký kết các điều ước quốc tế, tuyên truyền phổ biến pháp luật tương trợ tư pháp cho đến xây dựng về bộ máy nhân lực tại các cơ quan trung ương. Luật Tương trợ tư pháp cùng với các điều ước quốc tế đa phương và song phương trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện cho các cơ quan tư pháp Việt Nam hợp tác, giải quyết hàng nghìn vụ việc dân sự, kinh tế, dẫn độ hình sự mỗi năm.Tuy nhiên, tình hình quốc tế, khu vực chuyển biến nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, sự tác động mạnh của quá trình toàn cầu hóa sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh của Việt Nam cùng với việc ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra yêu cầu cần tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức thi hành Luật TTTP để có thể tham mưu, đề xuất hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực này.
 
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Thứ trưởng bày tỏ hy vọng Hội nghị tổng kết 14 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp là cơ hội tốt để đánh giá những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế, tồn tại, đặc biệt là nhận diện được những thách thức, yêu cầu đối với công tác TTTP để đưa ra những kiến nghị về sửa đổi, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.  
Tổng kết 14 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp: Khung pháp lý về TTTP có nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Phạm Hồ Hương nhấn mạnh sự ra đời của Luật TTTP và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để các cơ quan có liên quan thực hiện TTTP một cách thống nhất, đúng quy trình. Sau 14 năm thi hành, Luật TTTP đã góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác với nước ngoài trong giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài, qua đó rút ngắn thời gian và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan tố tụng, gián tiếp góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. 
Công tác Điều ước quốc tế về TTTP trong cả 04 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù đã đi vào nề nếp, nghiêm túc và thống nhất quy trình thủ tục đàm phán, ký kết được quy định tại Luật điều ước quốc tế năm 2016, tạo cơ sở pháp lý trong nước cho việc đàm phán các Hiệp định TTTP được thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ giữa trong nước với Điều ước quốc tế. Số lượng các điều ước được đề xuất đàm phán, ký kết ngày càng tăng, góp phần trực tiếp hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt, việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào tháng 4 năm 2013 đã đánh dấu một bước phát triển mới về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Việt Nam, trong đó TTTP là một nội dung quan trọng.
 

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Phạm Hồng Hương trình bày báo cáo tổng kết
 
Công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về TTTP được thực hiện đều đặn qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức cũng như của người dân về ý nghĩa, vai trò, nội dung và việc triển khai thực hiện các hoạt động TTTP của các cơ quan nhà nước.
Công tác tổ chức thực hiện ủy thác tư pháp, đặc biệt là quy trình, thủ tục lập hồ sơ ủy thác tư pháp ở các cơ quan Trung ương cũng như địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, tuân thủ đúng các quy định của Luật TTTP và Điều ước quốc tế về TTTP, tỷ lệ số hồ sơ bị trả lại do không hợp lệ đã giảm xuống, góp phần tiết kiệm thời gian, nhân lực, tài lực thực hiện. Các cơ quan đầu mối thực hiện ủy thác tư pháp đã xây dựng và áp dụng các phần mềm tin học thực hiện và quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp để giúp xử lý hồ sơ nhanh và theo dõi, quản lý được chặt chẽ.
Cần nâng cao hiệu quả hoạt động TTTP trong cả 04 lĩnh vực
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận tác động của Luật TTTP và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác TTTP. Đại diện VKSND tối cao đề nghị, trong lĩnh vực TTTP về hình sự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đặc biệt là phối hợp giữa các cơ quan đầu mối, trong tất cả các khâu công tác TTTP để trao đổi thông tin nhanh chóng và giải quyết kịp thời các yêu cầu tương trợ, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật và đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục chủ động nghiên cứu xây dựng hồ sơ đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTP hình sự.
 

Đại diện VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị
 
Trong hoạt động tố tụng dân sự, Đại diện tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long cho biết việc hướng dẫn ủy thác tư pháp về dân sự cần cụ thể, chi tiết hơn, dự liệu nhiều tình huống phát sinh để tháo gỡ vướng mắc cho các thẩm phán khi thực hiện hoạt động ủy thác tư pháp. Bên cạnh đó, cần tăng cường ký kết các hiệp ước song phương về TTTP, thường xuyên cập nhật danh sách các quốc gia mà Việt Nam đã ký hiệp định TTTP về dân sự, các công ước đa phương liên quan đến ủy thác tư pháp về dân sự cho các tòa án; tăng cường tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức của các thẩm phán về lĩnh vực TTTP quốc tế.   
Nhân dịp này, Hội nghị đã tặng bằng khen cho 14 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Luật TTTP.
 


Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc tặng bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện Luật TTTP.
Anh Thư - Trung tâm Thông tin
​​​