Nhằm thực thi Công ước La Hay về thu thập chứng cứ năm 1970, đại diện của Bộ Tư pháp đã tham gia Hội thảo trực tuyến Công ước La Hay về thu thập chứng cứ năm 1970 và việc thu thập chứng cứ từ xa thông qua kết nối truyền hình “HCCH 1970 Evidence Convention and Remote Taking of Evidence by Video-link” do Viện Pháp luật kinh doanh châu Á (Asian Business Law Institute) và Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (HCCH) đồng tổ chức trong ngày 1/6/2021. Thành phần đại biểu dự Hội thảo có đại diện của hai tổ chức nêu trên, các diễn giả là thẩm phán, luật sư, những người hoạt động thực tiễn tại các nước trong khu vực châu Á và nhiều quốc gia khác.
Tổng thư ký HCCH, ông Christopher Bernasconi phát biểu khai mạc, giới thiệu về HCCH, sơ lược nội dung của Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước trong giai đoạn hiện nay cùng với các thách thức, cơ hội mà công nghệ và bối cảnh ngăn cách bởi dịch bệnh tạo ra.
Tiếp đó, ông Yun Zhao- Trưởng Văn phòng khu vực châu Á- Thái Bình Dương của HCCH đã giới thiệu cụ thể về các nội dung của Công ước và các cách thức mà việc thu thập chứng cứ qua kết nối truyền hình/ cầu truyền hình có thể thực hiện trong phạm vi Công ước:
Việc thu thập chứng cứ theo Công ước có thể thực hiện theo quy định tại Chương 1 Công ước - thông qua văn bản yêu cầu gửi đến Cơ quan trung ương hoặc theo Chương 2 Công ước thông qua cán bộ ngoại giao lãnh sự hoặc người được ủy quyền. Việc thu thập chứng cứ qua kết nối truyền hình có thể thực hiện theo cả hai Chương để hỗ trợ cho sự tham gia của những người liên quan trong thủ tục thu thập chứng cứ, để thu thập chứng cứ với các chủ thể ở xa trong cùng một quốc gia hoặc giữa hai quốc gia khác nhau. Công nghệ nói chung hỗ trợ rất nhiều cho quá trình thu thập chứng cứ, không chỉ là trực tiếp thu thập chứng cứ qua kết nối truyền hình mà còn hỗ trợ việc chuyển giao yêu cầu thu thập chứng cứ thông qua thư điện tử hoặc các hình thức thu thập chứng cứ điện tử khác.
Thông tin về Công ước thu thập chứng cứ và các cập nhật mới nhất đều có tại mục Evidence trên trang thông tin điện tử của HCCH. Gần đây, năm 2020 HCCH đã thông qua Hướng dẫn thực hành tốt về việc sử dụng kết nối truyền hình theo Công ước Chứng cứ (có tại địa chỉ https://www.hcch.net/en/publications-and-studies/details4/?pid=6744&dtid=3)
Ông Alexander Blumrosen, luật sư người Mỹ hành nghề tại Paris Pháp đã chia sẻ góc nhìn của người làm thực tiễn tranh tụng đối với việc thực hiện Công ước Thu thập chứng cứ trong bối cảnh các vụ việc liên quan đến Pháp và Hoa Kỳ. Ông đã trực tiếp tham gia vào các vụ việc trong đó thủ tục thu thập chứng cứ do một cơ quan hành chính ở Hoa Kỳ đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Pháp thực hiện nhưng về bản chất vẫn được coi là thủ tục tố tụng theo Công ước.
Án lệ nổi tiếng của Tòa án tối cao Hoa Kỳ năm 1987 Societe Nationale Industrielle Aerospatiale v. United States District Court for the Southern District of Iowa, Hoa Kỳ đã khẳng định Công ước chỉ được áp dụng như một lựa chọn chứ không có tính bắt buộc, nhưng đặc biệt khoảng 10- 15 năm trở lại đây, đã có xu hướng tại Hoa Kỳ ủng hộ “thử” áp dụng Công ước thay vì bỏ qua các kênh hợp tác có sẵn trong Công ước này.
Chương 1 của Công ước quy định về kênh hợp tác chính thức thông qua đầu mối cơ quan trung ương và thông thường thì việc thực hiện mất từ 6 tuần tới 3 tháng. Điều 9 Công ước cho phép cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu đưa ra phương thức thu thập chứng cứ đặc biệt đề nghị cơ quan của nước được yêu cầu thực hiện. Đó có thể là việc thu thập chứng cứ phải được ghi chép lại đầy đủ, phải có người phiên dịch hoặc có luật sư. Với các nước thông luật Common law thì việc cho phép luật sư được hỏi là rất quan trọng trong thủ tục tố tụng. Thường thì các tòa án Pháp không thể hiểu hết các vấn đề của pháp luật của Hoa Kỳ. Luật sư của Hoa Kỳ sẽ đưa ra các câu hỏi và có thể dẫn chiếu hoặc tìm hiểu các tài liệu khác nhau kết hợp với kiểm tra chéo người làm chứng. Thực tế cho thấy việc cho phép luật sư Hoa Kỳ được hỏi khiến cho quy trình thu thập chứng cứ hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho các thủ tục tố tụng tại Hoa Kỳ.
Chương 2 Công ước cho phép cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ chỉ định người được ủy quyền để thu thập chứng cứ tại Pháp. Người này sẽ phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền tại Pháp (Cơ quan trung ương- Bộ Tư pháp Pháp) để được quyền thu thập chứng cứ tại nước này. Cơ quan trung ương của Pháp cũng trả lời khá nhanh trong khoảng 1 ngày, đối với các vụ việc phức tạp hơn thì khoảng 10 ngày đến 14 ngày. Sau khi được cho phép người được ủy quyền sẽ tổ chức thu thập chứng cứ một cách chủ động hơn và hoàn toàn có thể thu thập chứng cứ từ xa. Bản thân diễn giả đã tham gia thu thập chứng cứ cho một vụ việc phá sản trong đó có tới 40 người tham gia ở khắp thế giới trong một thủ tục liên quan đến cả Mỹ và Canada. Điều này cho thấy kênh thu thập chứng cứ theo chương 2 nhanh chóng và mềm dẻo hơn nhiều so với kênh tại chương 1.
Ông Edmund J Kronenburg, luật sư tại Singapore đã cung cấp thêm thông tin về tình hình thực thi Công ước tại Singapore, theo đó Singapore đã có một đạo luật riêng để thực thi Công ước (Luật chứng cứ (thủ tục tố tụng dân sự tại quốc gia khác) - Evidence (Civil Proceedings in Other Jurisdictions) Act) trong đó chỉ định Cơ quan đăng ký của Tòa án tối cao là cơ quan trung ương. Để thu thập chứng cứ cần có lệnh của Cơ quan đăng ký và người nộp đơn đến cơ quan đăng ký có thể là người được ủy quyền hợp lệ hoặc Tổng chưởng lý (phụ thuộc vào cách thức nhận yêu cầu). Nội dung này được quy định cụ thể tại Quy tắc số 66, Quy tắc Tòa án của Singapore. Mặc dù là quốc gia theo hệ thống thông luật, Singapore không áp dụng Chương II của Công ước. Việc thu thập chứng cứ tại Singapore theo Điều 4 (1) của đạo luật nêu trên có thể thực hiện bằng bất kỳ cách thức nào phù hợp với mục đích của yêu cầu. Điều đó có nghĩa là vần đề điều kiện của việc thực hiện thu thập chứng cứ bằng kết nối truyền hình không phụ thuộc ở pháp luật của Singapore mà phụ thuộc vào pháp luật của nước ngoài có cho phép thực hiện phương thức này hay không. Mặc dù chưa có số liệu chính thức nhưng thực tiễn hành nghề của diễn giả cho thấy việc sử dụng Công ước có tăng lên trong những năm trở lại đây.
Các diễn giả đã thảo luận về một số nội dung được các đại biểu quan tâm như:
Liệu Công ước có áp dụng đối với thủ tục tố tụng trọng tài hay không, liệu tòa án của địa điểm tố tụng trọng tài có thể hỗ trợ trọng tài thu thập chứng cứ bằng cách sử dụng Công ước hay không. Trong khi ông Anselmo Reyes, trọng tài viên đồng thời là thẩm phán Tòa thương mại quốc tế Singapore cho rằng việc áp dụng Công ước đối với thủ tục tố tụng trọng tài là không cần thiết vì đây là thủ tục mà các bên trong tố tụng trọng tài có thể tự mình dàn xếp được. Rõ ràng về mặt từ ngữ, trọng tài (arbitration) hoàn toàn không nằm trong thủ tục tố tụng tư pháp (judicial proceedings) được quy định tại Điều 1 Công ước. Tuy nhiên các diễn giả khác khi nhắc đến các kết luận của Ủy ban đặc biệt về thực thi Công ước cũng như thực tiễn tại một số quốc gia như Thụy sĩ, Hoa Kỳ, Trung Quốc (Macao, Hồng Kông)… đặc biệt là những nơi áp dụng Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài thì tòa án có sự hỗ trợ đối với trọng tài kể cả trong trường hợp thu thập chứng cứ và có sử dụng đến kênh Công ước.Tại Pháp, thủ tục chuyên gia (expertise proceedings) cũng được tạo ra để hỗ trợ cho thủ tục trọng tài, giúp thu thập chứng cứ từ những người làm chứng bất hợp tác. Như vậy, mặc dù về lý luận và thực tiễn còn có nhiều quan điểm khác nhau nhưng nhiều quốc gia đã cho phép áp dụng Công ước trong những trường hợp này với lập luận tòa án yêu cầu tiến hành việc thu thập chứng cứ để thực hiện chức năng của tòa án trong hỗ trợ trọng tài.
Đối với các Tòa án thương mại quốc tế, tại Singapore, thủ tục tố tụng tại Tòa án đòi hỏi các bên phải bảo đảm rằng pháp luật của nước ngoài liên quan đến người làm chứng phải cho phép việc thu thập chứng cứ đó. Tuy nhiên các quốc gia có Tòa án thương mại quốc tế như Singapore và Trung Quốc đều loại trừ việc áp dụng Chương II Công ước. Để hỗ trợ hiệu quả việc thu thập chứng cứ ở nước ngoài, các quốc gia đã là thành viên Công ước và cả các quốc gia chuẩn bị nghiên cứu gia nhập cần đánh giá lại một số các quy định tại Chương 2 trong đó có các Điều 17, 18 của Công ước. Điều 17 Công ước cho phép người được ủy quyền được chỉ định hợp lệ. Người chỉ định ra người được ủy quyền có thể chính là Tòa án thương mại quốc tế hoặc thẩm phán đang giải quyết vụ việc. Một giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn cho các tòa án này là ký kết các Biên bản ghi nhớ cho phép thu thập chứng cứ bằng kết nối truyên hình. Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc thu thập chứng cứ trong giai đoạn hiện nay. Điều 18 còn tạo ra một cơ chế cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu thập chứng cứ. Mặc dù vậy, vẫn cần chú ý đến quy định cụ thể của các đạo luật ngăn cấm (blocking statute) của từng quốc gia trong việc ngăn chặn cung cấp chứng cứ cho nước ngoài vì sẽ có thể có một vài thủ tục hành chính cần được thực hiện.
Thời gian đến phiên họp tiếp theo của Ủy ban đặc biệt về thực thi Công ước năm 2023 còn xa, vì vậy có diễn giả đã đề xuất Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương của HCCH tổ chức thêm nhiều hoạt động để thống nhất cách hiểu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt của các nước trong khu vực, nâng cao hiểu biết về nội dung Công ước.
Thực tiễn những năm gần đây đặc biệt do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19 việc thu thập chứng cứ qua kết nối truyền hình ngày càng phổ biến. Khi thực hiện có thể có sự tham gia của người quay phim, người làm chứng và luật sư. Do độ mềm dẻo, nhanh chóng mà các sắp xếp thu thập chứng cứ theo chương 2 Công ước cũng được ưa chuộng hơn. Vẫn có nhiều luật sư muốn gặp mặt trực tiếp để thu thập chứng cứ vì điều đó giúp họ nắm bắt tâm lý của người trả lời và giải quyết tình huống tốt hơn nhưng đa số các luật sư ngày càng thích nghi với bối cảnh mới và hài lòng với phương thức thu thập chứng cứ qua kết nối truyền hình.
Người được ủy quyền cũng không nhất thiết phải là luật sư hay một người ngoài tòa án, không có giới hạn theo Điều 17 Công ước vì vậy cơ quan yêu cầu có thể chỉ định chính thẩm phán là người được ủy quyền. Cơ quan có thẩm quyền được yêu cầu tại Pháp có xu hướng hỗ trợ hơn là muốn trực tiếp tham gia vào việc thu thập chứng cứ vì họ có nhiều việc quan trọng hơn phải thực hiện. Do đó, họ cũng không tham gia vào thủ tục thu thập chứng cứ do người được ủy quyền của nước ngoài thực hiện. Việc thẩm phán là người được ủy quyền cũng không ngăn cản các luật sư cùng tham gia và đặt câu hỏi trên cơ sở câu hỏi đó được cho là thẩm phán sẽ hỏi trong thủ tục tố tụng liên quan.
Các nội dung cả về pháp lý và kỹ thuật (tốc độ đường truyền, thiết kế phòng họp, thiết bị nghe nhìn, phần mềm ứng dụng…) đều có hướng dẫn chi tiết trong tài liệu của HCCH. Đây là gợi ý định hướng dựa trên những thực tiễn tốt nhất cho đến thời điểm này, mặc dù chưa có số liệu chứng minh loại hình, cách thức tổ chức thu thập chứng cứ qua kết nối truyền hình nào được ưu tiên lựa chọn hơn trên thực tế.
Nhiều nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và Đông Nam Á chưa tham gia Công ước nhưng có các Hiệp định tương trợ tư pháp song phương có cơ chế tương tự Công ước ví dụ: Indonesia. Các diễn giả đã phân tích những lợi ích và hạn chế khi tham gia Công ước so với việc sử dụng các Hiệp định song phương nhằm khuyến khích các quốc gia trong khu vực gia nhập Công ước. Công ước là một thiết chế đa phương giúp tiết kiệm thời gian đàm phán song phương với nhiều nước, nội dung phong phú nhiều kênh thực hiện và cho phép các nước đưa ra các tuyên bố mềm dẻo. Công ước cũng không hạn chế việc thực hiện thu thập chứng cứ theo các Hiệp định song phương. Song nhiều nước trong khu vực vẫn còn e ngại về các thủ tục của nước ngoài sẽ được áp dụng như thủ tục thu thập chứng cứ trước xét xử tại Hoa Kỳ, hay vấn đề phải thay đổi pháp luật quốc gia để đảm bảo Công ước phù hợp với văn hóa pháp lý trong nước, các khó khăn khác trong nội luật quốc gia cũng có thể cản trở việc gia nhập. Từ đó có thể thấy nhận thức về Công ước trong khu vực cần được nâng cao hơn nữa để các nước có thể tham gia và tận dụng mọi lợi thế mà thiết chế đa phương này mang lại.
Cuối Hội thảo, đại diện của HCCH giới thiệu thêm về Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (hiện có 78 quốc gia thành viên) và việc ứng dụng nghệ trong thực hiện Công ước Tống đạt thông qua chuyển giao điện tử các giấy tờ hoặc thực hiện tống đạt điện tử theo nội luật quốc gia.
Phòng Tư pháp quốc tế và tương trợ tư pháp, Vụ Pháp luật quốc tế