Giới thiệu Công ước La Hay năm 1996 về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vào nửa cuối của thế kỷ 20, trẻ em càng gặp phải nhiều nguy cơ bị tổn hại trong bối cảnh xuyên biên giới. Vì vậy, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế - HCCH đã tập trung xây dựng nhiều điều ước quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em - vốn là một trong những trụ cột của tổ chức.
Trước khi Công ước La Hay năm 1996 về thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận, thi hành và hợp tác liên quan đến trách nhiệm của cha mẹ và các biện pháp bảo vệ trẻ em ra đời, HCCH đã xây dựng hai Công ước liên quan đến bảo vệ trẻ em là Công ước năm 1902 về giám hộ người chưa thành niên và Công ước năm 1961 về thẩm quyền và pháp luật áp dụng liên quan đến bảo vệ người chưa thành niên. Công ước năm 1961 không đạt được thành công như mong đợi khi số lượng các quốc gia thành viên không nhiều (14 quốc gia). Vào thời điểm những năm 1990, các biện pháp bảo vệ bản thân người chưa thành niên bị cho là đã lỗi thời và không còn phù hợp với các thay đổi trong đời sống. Thêm vào đó, nhu cầu tăng cường bảo vệ trẻ em do ảnh hưởng của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (CRC) năm 1989 cũng thúc đẩy việc hình thành Công ước năm 1996.
Công ước năm 1996 xuất phát từ Quyết định được đưa ra ngày 29/5/1993 của các quốc gia tại Phiên thứ 17 của HCCH về việc sửa đổi Công ước năm 1961. Để thực hiện Quyết định này, Ban thư ký đã thành lập Ủy ban đặc biệt tổ chức các phiên họp từ năm 1994 đến 1995 và đã dự thảo văn kiện kèm Báo cáo giải thích để thảo luận tại Phiên ngoại giao thứ 18 tổ chức tại La Hay từ 30/9 - 19/10/1996. Hội nghị tiếp tục hoàn thiện dự thảo và thông qua tại Phiên toàn thể ngày 18/10/1996.
Công ước năm 1996 khẳng định ngay trong Lời mở đầu rằng việc xem xét các vấn đề trong Công ước này trước tiên là vì lợi ích tốt nhất của trẻ. “Công ước đã thống nhất các quy tắc quyết định cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em, ưu tiên cho cơ quan có thẩm quyền nơi trẻ thường trú nhưng cũng cho phép bất kỳ quốc gia nào nơi trẻ hiện diện thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp hoặc tạm thời. Công ước quyết định pháp luật của quốc gia nào được áp dụng và quy định về việc công nhận và cho thi hành các biện pháp được thực hiện tại một quốc gia thành viên tại tất cả các quốc gia thành viên khác. Ngoài ra, biện pháp hợp tác của Công ước quy định cơ chế cơ bản để trao đổi thông tin và phối hợp giữa các cơ quan hành chính có thẩm quyền bảo vệ trẻ em tại các quốc gia thành viên khác nhau trong phạm vi cần thiết.” Trên cơ sở đó, 63 Điều trong Công ước chia thành 7 Chương quy định về việc bảo vệ trẻ em, tránh xung đột giữa các hệ thống pháp luật về vấn đề thẩm quyền, pháp luật áp dụng, công nhận và thi hành các biện pháp bảo vệ trẻ em, cơ chế hợp tác giữa các quốc gia thành viên thông qua Cơ quan Trung ương, trình tự, thủ tục gia nhập Công ước đối với thành viên mới, cụ thể như sau:
Chương I (Phạm vi Công ước) gồm 4 điều (từ Điều 1 đến Điều 4) quy định về các vấn đề chung như mục tiêu, phạm vi của Công ước, các quy định về độ tuổi, trách nhiệm của cha mẹ (quyền của cha mẹ hoặc các quan hệ xác lập các quyền, quyền hạn và trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật liên quan đến bản thân hoặc tài sản của trẻ em); khái niệm quyền nuôi dưỡng.
Mục tiêu cụ thể của Công ước theo Điều 1 là:
- Xác định quốc gia nào có thẩm quyền tiến hành các biện pháp bảo vệ bản thân hoặc tài sản của trẻ;
- Xác định pháp luật nào được áp dụng tại quốc gia có thẩm quyền;
- Xác định pháp luật áp dụng với trách nhiệm của cha mẹ;
- Quy định việc công nhận và thi hành các biện pháp bảo vệ tại tất cả các quốc gia thành viên, và
- Thiết lập hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên.
Công ước áp dụng đối với trẻ em dưới 18 tuổi. Các biện pháp bảo vệ thuộc phạm vi Công ước bao gồm: Việc hình thành, thực thi, chấm dứt hoặc hạn chế quyền của cha mẹ cũng như việc ủy quyền thực hiện các quyền này; Các quyền nuôi dưỡng và thăm nom; Giám hộ và trợ tá; Chỉ định và chức năng của bất kỳ người hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm về bản thân hoặc tài sản của trẻ; Việc giao trẻ cho gia đình chăm sóc thay thế hoặc cơ sở nuôi dưỡng; Việc giám sát của cơ quan công quyền với việc chăm sóc trẻ của bất kỳ người nào có trách nhiệm với trẻ và Việc quản lý, bảo quản hoặc từ bỏ tài sản của trẻ. Công ước không áp dụng đối với việc thiết lập hoặc phản đối quan hệ cha mẹ con, quyết định về nuôi con nuôi, tên của trẻ, việc trưởng thành trước tuổi, nghĩa vụ cấp dưỡng, tín thác hoặc thừa kế, an sinh xã hội, các biện pháp công cộng về giáo dục hoặc sức khỏe, các tội phạm hình sự do trẻ thực hiện và quyết định về quyền tị nạn và về nhập cư.
Chương II (Thẩm quyền) gồm 10 điều (Điều 5 đến Điều 14) quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp hoặc hành chính của các Quốc gia ký kết trong việc bảo vệ trẻ em.
Quy tắc chung xác định thẩm quyền là quốc gia nơi trẻ thường trú, với một số ngoại lệ, thẩm quyền thuộc về:
- Quốc gia nơi trẻ hiện diện (trẻ em không xác định được nơi thường trú, trẻ tị nạn, trường hợp khẩn cấp, trường hợp cần ban hành biện pháp tạm thời);
- Quốc gia nơi giải quyết vụ việc ly hôn, ly thân, hủy hôn nhân trái pháp luật của cha mẹ trẻ (nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định gồm (i) vào thời điểm tiến hành thủ tục nêu trên thì một bên cha mẹ thường trú tại quốc gia đó và một trong số họ có trách nhiệm của cha mẹ đối với trẻ và (ii) thẩm quyền này được cả hai bên cha mẹ và cả người có trách nhiệm cha mẹ với trẻ chấp thuận và (iii) thẩm quyền này là vì lợi ích tốt nhất của trẻ);
- Quốc gia khác vì lợi ích tốt nhất của trẻ (quốc gia nơi trẻ có quốc tịch, nơi trẻ có tài sản, nơi trẻ có liên hệ đáng kể…).
Công ước còn quy định việc duy trì và thay đổi thẩm quyền khi thay đổi nơi thường trú của trẻ, hoặc khi trẻ bị đưa đi hoặc giữ lại trái phép, giải quyết trường hợp xung đột thẩm quyền khi có nhiều cơ quan tại các quốc gia khác nhau cùng có thẩm quyền xem xét ban hành các biện pháp bảo vệ trẻ em.
Chương III (Pháp luật áp dụng) gồm 8 điều (Điều 15 đến Điều 21) quy định về pháp luật áp dụng trong việc bảo vệ trẻ em; thực hiện trách nhiệm của cha mẹ trong việc bảo vệ trẻ em.
Quy tắc chung là các quốc gia có thẩm quyền sẽ áp dụng pháp luật nước mình. Công ước quy định một số trường hợp xác định pháp luật áp dụng đối với việc xác lập, chấm dứt và thực thi trách nhiệm của cha mẹ theo pháp luật nơi thường trú của trẻ và trường hợp từ chối pháp luật áp dụng do vi phạm trật tự công cân nhắc đến lợi ích tốt nhất của trẻ
Chương IV (Công nhận và thi hành) gồm 6 điều (Điều 23 đến Điều 28) quy định về việc công nhận và thi hành các biện pháp bảo vệ trẻ em; các trường hợp từ chối công nhận, từ chối thi hành; áp dụng thủ tục đơn giản, nhanh chóng đối với việc công nhận và thi hành.
Việc công nhận là tự động, không cần qua thủ tục tại Tòa án nhưng việc công nhận cũng có thể bị từ chối trong một số trường hợp sau:
- Biện pháp bảo vệ trẻ em được ban hành không đúng thẩm quyền quy định trong Công ước;
- Không có ý kiến của trẻ (trừ trường hợp ban hành biện pháp khẩn cấp);
- Không có ý kiến của người cho rằng trách nhiệm làm cha mẹ của mình bị xâm phạm;
- Việc công nhận rõ ràng trái với trật tự công, cân nhắc đến lợi ích của trẻ;
- Biện pháp được ban hành trái với biện pháp sau đó được ban hành tại quốc gia không phải thành viên Công ước nơi trẻ trường trú mà biện pháp đó có khả năng được công nhận;
- Không thực hiện thủ tục tại Điều 33 Công ước về việc tham vấn khi trao trẻ cho một gia đình chăm sóc thay thế hoặc cơ sở nuôi dưỡng ở quốc gia khác.
Điều này không hạn chế người có liên quan yêu cầu tòa án của quốc gia thành viên công nhận hay không công nhận biện pháp bảo vệ trẻ em đã được ban hành tại quốc gia thành viên khác.
Khác với công nhận là quá trình tự động, việc thi hành biện pháp bảo vệ trẻ em phải trải qua "bước đệm" là thủ tục tuyên bố khả năng thi hành hoặc đăng ký thi hành. Các thủ tục này phải được thực hiện một cách nhanh chóng và đơn giản theo pháp luật của quốc gia thi hành. Biện pháp bảo vệ trẻ em của nước ngoài cũng chỉ có thể bị từ chối được tuyên bố khả năng thi hành hoặc đăng ký thi hành trong các trường hợp giống như trường hợp từ chối công nhận. Sau khi được tuyên bố khả năng thi hành hoặc đăng ký thi hành, biện pháp bảo vệ trẻ sẽ được thi hành theo pháp luật của quốc gia được yêu cầu trên cơ sở cân nhắc lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Chương V (Hợp tác) gồm 11 Điều (Điều 29 đến Điều 39) quy định việc chỉ định Cơ quan Trung ương, tham vấn, hỗ trợ giữa các Cơ quan Trung ương và cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan Trung ương có nhiệm vụ:
- Tạo thuận lợi cho việc liên lạc hoặc cung cấp hỗ trợ trao đổi giữa các cơ quan có thẩm quyền,
- Thông tin về pháp luật và các công việc có thể thực hiện để bảo vệ trẻ em,
- Tạo thuận lợi, bằng cách hòa giải, tham vấn hoặc các cách tương tự khác, đối với các giải pháp đã được đồng ý để bảo vệ bản thân hoặc tài sản của trẻ em trong các trường hợp áp dụng Công ước,
- Hỗ trợ, theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của một Quốc gia ký kết khác, tìm kiếm nơi ở của trẻ em trong trường hợp trẻ em có thể đang ở trong lãnh thổ của Quốc gia được yêu cầu và đang cần bảo vệ.
Chương VI (Các quy định chung) gồm (Điều 40 đến Điều 56) chứng nhận về việc trao quyền, bảo mật thông tin, miễn hợp pháp hóa lãnh sự, chỉ định các cơ quan có thẩm quyền khác, các quy tắc dẫn chiếu, mối quan hệ với các điều ước quốc tế khác, ngôn ngữ trao đổi, bảo lưu, rà soát thực thi
Trong số các quy định này, đáng chú ý là quy định tại Điều 40 Công ước theo đó, Cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên nơi trẻ thường trú, hoặc quốc gia thành viên nơi ban hành các biện pháp bảo vệ trẻ em, có thể cấp giấy chứng nhận cho người có quyền (là cha mẹ hoặc người được trao quyền bảo vệ bản thân hoặc tài sản của trẻ) để chứng minh người đó có các quyền nêu trên.
Chương VII (Điều khoản cuối cùng) 18 Điều (Điều 57 đến Điều 63) quy định về thủ tục ký kết, hiệu lực và lưu chiểu.
Các quốc gia là thành viên của Hội nghị vào phiên ngoại giao thứ 18 có quyền ký Công ước, việc ký sau đó phải được phê chuẩn, phê duyệt, đồng ý, chấp thuận. Các quốc gia khác có thể gia nhập khi Công ước có hiệu lực theo khoản 1 Điều 61.
Với các quốc gia gia nhập, sau thời hạn thứ nhất (6 tháng để các quốc gia thành viên đưa ra ý kiến phản đối việc gia nhập) và thời hạn thứ hai (3 tháng tiếp theo), Công ước sẽ có hiệu lực giữa quốc gia gia nhập và quốc gia không đưa ra ý kiến phản đối vào ngày đầu tiên của tháng kế tiếp khi hết thời hạn thứ hai.
Khi phê chuẩn, phê duyệt, đồng ý, chấp thuận, gia nhập Công ước, các quốc gia có thể đưa ra bảo lưu theo quy định tại khoản 2 Điều 54 (vấn đề ngôn ngữ - chỉ đối với việc sử dụng 1 trong hai ngôn ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp khi trao đổi), và Điều 55 (thẩm quyền với các biện pháp liên quan đến tài sản của trẻ em) và tuyên bố theo Điều 34 (trao đổi thông tin các biện pháp bảo vệ dự định được tiến hành thông qua cơ quan trung ương) và khoản 2 Điều 59 (tuyên bố về vùng lãnh thổ áp dụng Công ước).
Công ước La Hay năm 1996 về bảo vệ trẻ em là một trong số các Công ước thành công của HCCH với 53 quốc gia ký kết, những năm gần đây tiếp tục thu hút thêm các thành viên mới, chứng tỏ tầm quan trọng của mình trong các văn kiện của Hội nghị.
(Toàn văn Công ước La Hay 1996 và bản dịch tiếng Việt tham khảo trong file đính kèm).