Báo cáo nghiên cứu nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tại Việt Nam trong khuôn khổ Dự án UNDP UK 2019 - 2020

Báo cáo nghiên cứu nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp tại Việt Nam trong khuôn khổ Dự án UNDP UK 2019 - 2020

Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước đi tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với những dấu mốc quan trọng là việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA); gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương về thương mại, đầu tư, trong đó nổi bật nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (IPA). Đồng thời, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành các văn bản định hướng, hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư nước ngoài quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị.
Đi cùng với quá trình hội nhập quốc tế, các mâu thuẫn, bất đồng trong hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế ngày càng gia tăng. Bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống là tòa án thì giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, trọng tài ngày càng được các bên ưa chuộng bởi tính hiệu quả của các phương thức này. Trên thế giới, Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) cũng đã có những thảo luận tích cực để xây dựng các văn kiện pháp lý đa phương có liên quan đến thương mại, đầu tư quốc tế, trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Công ước Singapore về hòa giải, xây dựng cơ chế trọng tài rút gọn hay cải tổ cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư (ISDS). Từ năm 2019, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của UNCITRAL, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 ban hành Kế hoạch Việt Nam đảm nhận vai trò thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế thuộc Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025. Đây là "cơ hội vàng" để Việt Nam sẽ có điều kiện tham gia sâu hơn vào quá trình thảo luận, xem xét các vấn đề mà các quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân đặt ra trong các vấn đề thương mại, đầu tư quốc tế, nhờ đó đóng góp tích cực vào công việc chung của thương mại, đầu tư quốc tế và bảo đảm những lợi ích chính đáng cho Chính phủ. 

Đối với các tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài, cùng với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam đã và đang đàm phán, ký nhiều hiệp định, thỏa thuận song phương, đa phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư có quy định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Khi ký kết các hiệp định, các thỏa thuận này theo pháp luật quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia của mình và trao cho các nhà đầu tư của nước ký kết các hiệp định và thỏa thuận đó quyền khởi kiện Chính phủ Việt Nam khi các nhà đầu tư này cho rằng Chính phủ (bao gồm các cơ quan nhà nước) vi phạm các cam kết liên quan.
Đối với tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua, số lượng các vụ tranh chấp mà Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước là một bên ngày càng có xu hướng tăng cao. Giá trị của các tranh chấp này thường là rất lớn (có những vụ, số tiền bồi thường lên tới hàng tỷ USD). Trước bối cảnh số lượng các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế ngày càng tăng cao và thực tiễn giải quyết tranh chấp thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định, Bộ Tư pháp với vai trò là đại diện pháp lý cho Chính phủ trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo quy định tại Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp trong đánh giá và đề xuất các quy định phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam và thế giới sau 05 năm thực hiện. Ngày 08/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 14/2020/QĐ - TTg ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, đây là văn bản có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh số lượng các vụ nhà đầu tư có vướng mắc, khiếu kiện ngày càng gia tăng.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư và phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10/7/2020 nhằm phát huy tối đa hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Bộ Tư pháp đã phối hợp với Quỹ Thịnh Vượng Vương Quốc Anh và UNDP Việt Nam thực hiện Phi dự án “hỗ trợ thực thi các tiêu chuẩn trọng tài và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế nhằm thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại Việt Nam” và thực hiện Báo cáo nghiên cứu nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế tại Việt Nam nhằm đánh giá lại tình hình việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế sau 05 năm thực hiện Quyết định số 04/2014/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế và đề xuất các phương án, giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao tính hiệu quả của việc phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Bộ Tư pháp đăng tải toàn văn nội dung Báo cáo nghiên cứu trong file đình kèm.