Hoàn thiện các quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005 về nguyên tắc công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài
Bài viết dưới đây xin phân tích những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 về nguyên tắc công nhận và thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài[1] và bước đầu đề xuất một số kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi các quy định này nhằm góp phần hoàn thiện hơn các quy định về tố tụng dân sự quốc tế và tư pháp quốc tế của Việt Nam, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam và nước ngoài trong các quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài.
1. Về nguyên tắc “có đi có lại” trong việc công nhân và thi hành bản án, quyết định DS của TANN và QĐ của TTNN:
Khoản 3 Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) có quy định mở rộng hơn phạm vi các bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài bằng cách khẳng định việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong việc xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam. Đây là một nguyên tắc quan trọng, thường được áp dụng phổ biến trong công pháp và tư pháp quốc tế. Tuy nhiên, nguyên tắc này bản thân nó cũng còn nhiều vấn đề hạn chế. Việc áp dụng điều khoản này, trên thực tế đã ngày càng giảm đi đáng kể. Rất nhiều độc giả đã chỉ trích, lên án việc áp dụng điều khoản “có đi có lại” và đề nghị quy định này cần được xem xét lại. Trong nhiều trường hợp, nếu áp dụng một cách cứng nhắc, nó sẽ hạn chế và ảnh hưởng ngay chính đến quyền lợi chính đáng của công dân nước áp dụng nguyên tắc này.
Tác giả xin dẫn chứng ở đây một số kinh nghiệm quốc tế trong việc áp dụng nguyên tắc này:
Ở Đức, phán quyết của trọng tài nước ngoài được thi hành theo thể thức chung về thi hành tài quyết của Đức mà không cần tính đến yếu tố có đi có lại.[2] Điều 1044 Điều lệ tố tụng dân sự Đức quy định rằng, tài quyết của nước ngoài không được công nhận và thi hành nếu như nó vi phạm một số nguyên tắc cơ bản như vi phạm trật tự công cộng, một trong các bên không được đại diện đúng quy cách, không thể tham dự việc xét xử, nếu tài quyết không có giá trị theo pháp luật của nước mà nó phải tuân theo. Nguyên tắc có đi có lại không được quy định như một điều kiện cần thiết để công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài tại CHLB Đức. Pháp luật của Anh hay Italia cũng có những quy định tương tự.[3]
Trên thực tế, nhiều Toà án cũng đã từ chối áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong thực tiễn công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài cũng như bản án, quyết định của Toà án nước ngoài. Mục 98 của Bản tuyên bố lại (Restatement) Luật xung đột (Conflict law) của Hoa Kỳ không đòi hỏi điều khoản có đi có lại. Những nhà soan thảo Bộ luật thống nhất của Hoa Kỳ về công nhận các bản án của nước ngoài có yếu tố tài sản, đã loại bỏ nguyên tắc “có đi có lại” như là yếu tố cân nhắc việc công nhận và cho thi hành bản án của Toà án nước ngoài. Vụ công ty Mata kiện American Life Ins.Co.,[4] là một điển hình trong việc từ chối áp dụng nguyên tắc này. Ý kiến của Toà án tối cao Minnesota trong Vụ Nicol v. Tanner[5] cũng đã thể hiện rất rõ những điểm bất cập của nguyên tắc có đi có lại này.[6] Ngoài ra, bản thân nguyên tắc “có đi có lại” trong quy định về bảo lưu tại Điều I (3) của Công ước New York đối với việc công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài cũng gây rất nhiều tranh cãi. Thuật ngữ “có đi có lại” thông thường được sử dụng trong Luật quốc tế để chỉ trường hợp trong quan hệ giữa các quốc gia với nhau, nước này đảm bảo cho các chủ thể của nước kia những ưu đãi nhất định với điều kiện các chủ thể của nước họ cũng được hưởng những ưu đãi tương tự tại quốc gia kia. Tuy nhiên, bởi lẽ yếu tố quốc tịch của một bên đã bị loại bỏ với tư cách là một điều kiện để áp dụng Công ước, cho nên nguyên tắc đối xử “có đi có lại” giữa các chủ thể của những quốc gia thành viên Công ước New York là không cần tính đến.[7] Tương ứng với đó, thuật ngữ “có đi có lại” tại điều khoản bảo lưu nêu trên của Công ước không được hiểu theo nghĩa gốc của Luật quốc tế. Một ví dụ về sự tranh cãi trong hai cách hiểu về “có đi có lại” có thể tìm thấy trong Quyết định của Toà án Quận tại Michigan, Hoa Kỳ.[8]
Do vậy, đề xuất của tác giả là Bộ luật LTTDS không quy định nguyên tắc có đi có lại như một điều kiện công nhận và thi hành bản án quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, mà quy định thoáng hẳn theo hướng, về nguyên tắc Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án mọi quốc gia, trừ trường hợp bản án, quyết định đó rơi vào một trong những điều khoản là căn cứ để từ chối việc công nhận, ví dụ như điều khoản về vi phạm thủ tục tố tụng, vi phạm trật tự công cộng.... (Điều 356 BLTTDS). Quan điểm này đang là xu hướng khá phổ biến trong pháp luật của nhiều nước.
2. Nguyên tắc công nhận và thi hành quyết định của Trọng tài nước ngoài (Khoản 2 Điều 343)
Điều 343 của Bộ luật LTTDS đưa ra 6 nguyên tắc công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài. Theo quy định tại khoản 2 Điều này, thì Toà án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của Trọng tài nước ngoài trong trường hợp quyết định này được tuyên tại nước hoặc của Trọng tài của nước mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này. Điểm này trước hết mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 342 Chương này, khi định nghĩa quyết định trọng tài nước ngoài là quyết định được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam nhưng do trọng tài nước ngoài tuyên, theo thoả thuận lựa chọn của các bên. Ngoài ra, cần phải nhấn mạnh một điều, quy định này thực chất là hẹp hơn định nghĩa về quyết định trọng tài nước ngoài nêu tại Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết dịnh của trọng tài nước ngoài năm 1995 (sau đây gọi là Pháp lệnh 1995). Theo Pháp lệnh này, quyết định trọng tài nước ngoài được hiểu là: các quyết định (1) được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam; và (2) trong lãnh thổ Việt Nam nhưng do trọng tài nước ngoài tuyên. Theo loại quyết định thứ nhất thì các quyết định trọng tài được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ là rất rộng, bao gồm cả các quyết định trọng tài được tuyên tại các nước đã ký kết điều ước quốc tế với Việt Nam (trong trường hợp này là các nước thành viên Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài, mà Việt nam đã tham gia (sau đây gọi là Công ước). Quy định hiện hành tại Điều 1 Pháp lệnh năm 1995 là hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về quyết định trọng tài nêu tại Công ước New York. Công ước không đòi hỏi (mặc dù về vấn đề này, Công ước cũng có cho phép điều khoản bảo lưu)[9] việc quyết định trọng tài phải được tuyên trên lãnh thổ của các nước thành viên.[10] Điều I Công ước tuyên rằng quyết định trọng tài nước ngoài là quyết định được tuyên tại lãnh thổ của một nước khác với nước nơi công nhận và thi hành quyết định đó. Công ước cũng áp dụng đối với quyết định trọng tài nước ngoài không được coi là quyết định trọng tài trong nước tại quốc gia có yêu cầu công nhận và thi hành. Điều này thực chất là định nghĩa về quyết định trọng tài nước ngoài. Do không có điều kiện ràng buộc nào khác, nên phạm vi áp dụng của Công ước là rất rộng, bao gồm quyết định trọng tài được tuyên tại bất kỳ nước ngoài nào, không kể nước đó là thành viên Công ước hay không. Cách tiếp cận hiện đại này tại Điều I Công ước, là thể hiện sự tổng hoà, nhất quán của pháp luật quốc tế – cả công pháp và tư pháp – trong một lĩnh vực cụ thể. Theo nguyên tắc mang tính phổ quát này, thì quyết định trọng tài, bất kể được tuyên tại nước thành viên Công ước hay không, đều được áp dụng như nhau. Luật mẫu về trọng tài[11] của Uỷ ban thương mại quốc tế cũng quy định, tại Điều 35 và 36, về việc phải công nhận và thi hành quyết định trọng tài “bất kể quyết định đó được tuyên tại quốc gia nào”.
Trái ngược với định nghĩa rộng về quyết định trọng tài nước ngoài trong Công ước New York năm 1958 và Pháp lệnh công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, BLTTDS đưa ra một định nghĩa rất hẹp về quyết định trọng tài nước ngoài. Định nghĩa hiện hành về các quyết định trọng tài được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bị bó hẹp bằng cách ràng buộc thêm điều kiện là quyết định đó phải được tuyên tại nước hoặc của trọng tài của nước mà Việt Nam và nước đó đã ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế về vấn đề này. BLTTDS cũng đã loại hẳn các quyết định trọng tài quy định tại điểm (2) nói trên, tức là các quyết định trọng tài được tuyên tại lãnh thổ Việt Nam nhưng do trọng tài nước ngoài tuyên.[12] Quy định này đi ngược lại xu thế của các điều ước quốc tế về trọng tài hiện nay, và đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam, do phạm vi các quyết định trọng tài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đã bị thu nhỏ lại rất nhiều.
3. Về nguyên tắc “đương nhiên công nhận bản án, quyết định dân sự không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam” (khoản 5, Điều 343).:
Việc đương nhiên công nhận các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam (phần lớn là các bản án, quyết định ly hôn không có yêu cầu thi hành về tiền, tài sản và con cái) được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự với nguyên tắc dựa trên cơ sở điều ước quốc tế (khoản 5 Điều 343). Tại thời điểm hiện tại chỉ có duy nhất 02 Hiệp định Tương trợ tư pháp (TTTP) mà Việt Nam ký với các nước (với Liên Xô cũ và Cuba) quy định vấn đề đương nhiên công nhận. Trên thực tế toàn bộ các hồ sơ yêu cầu công nhận các bản án, quyết định ly hôn không có yêu cầu thi hành mà Bộ Tư pháp nhận được đều xuất phát từ những quốc gia chưa ký Hiệp định TTTP với Việt Nam (chủ yếu là từ Cộng hòa Liên bang Đức, Đại Hàn Dân Quốc, Trung quốc (Đài Loan), Xinh-ga-po, Cộng hòa Ốt-xtrây-lia, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ...). Do quy định của Bộ luật TTDS nên tất cả các bản án, quyết định ly hôn (không có yêu cầu thi hành) do Tòa án nước ngoài tuyên đều không thể được công nhận tại Việt Nam, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam có liên quan bị ảnh hưởng.
Những tồn tại nêu trên trước đây đã xảy ra tương tự đối với các quy định của Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài năm 1995 và đã được giải quyết gián tiếp thông qua việc ghi chú vào Sổ đăng ký hộ tịch các việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo quy định của Nghị định số 83/1998/NĐ-CP ngày 10/10/1998 của Chính phủ về đăng ký hộ tịch (Nghị định 83/CP).
Như vậy, cần phải khẳng định, từ năm 1998 đến trước khi BLTTDS ra đời (năm 2005), Nhà nước Việt Nam trên thực tế cũng đã công nhận về mặt pháp lý các quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với nhau và với người nước ngoài được tiến hành trước các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (kể cả với những nước chưa ký với Việt Nam điều ước quốc tế về vấn đề này) thông qua việc cho phép ghi vào sổ các thay đổi về hộ tịch do kết hôn, ly hôn và chấm dứt việc nuôi con nuôi đã được đăng ký trước các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (không chỉ là Tòa án mà là cả các cơ quan hộ tịch của nước ngoài). Việc ghi vào sổ những thay đổi về hộ tịch này được thực hiện dựa trên các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 83/CP là nguyên tắc có điều ước quốc tế và nguyên tắc “có đi có lại”. Hiện Nghị định này đã được thay thế bằng Nghị định số 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch (Nghị định 158/CP). Tuy nhiên, vấn đề ghi chú vào sổ theo quy định của Nghị định 83/CP không được tiếp tục quy định trong Nghị định 158/CP với lý do Bộ luật TTDS đã quy định vấn đề công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài[13].
Do vậy, kể từ thời điểm Nghị định 158/2005/NĐ-CP được ban hành, các hồ sơ yêu cầu ghi vào Sổ đăng ký hộ tịch các việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam không còn cơ sở pháp lý để được giải quyết, dẫn đến tình trạng hàng ngàn yêu cầu công nhận bản án, quyết định ly hôn của nước ngoài/ yêu cầu ghi chú việc ly hôn đã được tiến hành ở nước ngoài không được đáp ứng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam[14].
Nhằm tạm thời khắc phục tình trạng ách tắc hồ sơ, giải quyết bức xúc và góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, trong khi chờ sửa đổi Bộ luật TTDS, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư hướng dẫn việc ghi chú vào Sổ hộ tịch các việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam[15].
Việc ghi chú vào sổ hộ tịch (có thể hiểu gián tiếp là công nhận những quyết định không mang tính chất tài sản của Toà án hay các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, không có yêu cầu thi hành về tài sản tại Việt Nam) là rất cần thiết, nhằm giúp các cơ quan Nhà nước quản lý tốt hơn tình trạng nhân thân của công dân Việt Nam, tạo điều kiện cần thiết để chứng minh tình trạng nhân thân cũng như về quan hệ hôn nhân và gia đình của đương sự, qua đó tạo ra một sự đảm bảo an toàn về mặt pháp lý của công dân khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, việc “ghi vào sổ” (công nhận) những thay đổi về hộ tịch này mới chỉ là biện pháp giải quyết tình thế những vướng mắc trong việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài. Về lâu dài, những quy định này cần được pháp điển hoá thành các văn bản pháp luật toàn diện và có hiệu lực cao hơn, đó chính là Bộ Luật Tố tụng dân sự.
Xuất phát từ những phân tích trên, tác giả cho rằng cần phải loại bỏ cụm từ “theo điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập” tại khoản 5 Điều 343 của BLTTDS.
Tóm lại, nguyên tắc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài là những quy định có tính chất nền tảng, làm cơ sở cho việc các nước công nhận và thi hành lẫn nhau các bản án, quyết định dân sự của Tòa án, Trọng tài. Tuy nhiên, để các quy định này đi vào thực tiễn, cần cân nhắc và xem xét chúng đưới mọi khía cạnh, đảm bảo cả tính khoa học và thực tiễn, tránh gây những bất cập như đã xảy ra trong thời gian vừa qua. Hy vọng những kiến nghị nêu trên của tác giả sẽ được cân nhắc và tiếp thu trong quá trình sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đặng Hoàng Oanh - Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp
Bài viết có liên quan
· Huỷ quyết định trọng tài: Chế định còn nhiều bất cập trong pháp luật Việt Nam
· Giải quyết tranh chấp thương mại tại Nhật Bản: Nét đặc thù của pháp lý Á Đông
· Pháp lệnh Trọng tài thương mại Việt Nam với các quy định về Hình thức và Nội dung của Quyết định trọng tài: những điểm còn bất cập
· Trọng tài - phương thức giải quyết tranh chấp ngoài toà án của Tây Ban Nha
· Những vấn đề tồn tại trong pháp luật và thực tiễn công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài: Thử nhìn từ vụ việc TYCO
· Công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài đã bị huỷ tại nước gốc theo Công ước New York 1958: Những vấn đề lý luận và thực tiễn
· Một số điểm bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại Việt Nam về quy định tuyên quyết định trọng tài theo nguyên tắc đa số
[1] Theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 và Nghị định của Chính phủ số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp có chức năng là cơ quan giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác tương trợ tư pháp, trong đó có việc chủ trì thực hiện đàm phán, ký kết và gia nhập các điều ước quốc tế song phương và đa phương về TTTP; thực hiện các uỷ thác tư pháp về dân sự theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, yêu cầu công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài.
Về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài, Bộ Tư pháp đang gặp rất nhiều vướng mắc trong việc áp dụng các quy định của Bộ Luật TTDS khi thực hiện chức năng của mình là phối hợp với TAND cấp tỉnh thực hiện việc công nhận và cho thi hành các bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài. Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự lại không kiến nghị những sửa đổi liên quan đến các quy định nói trên.
[2] Vấn đề thi hành án có yếu tố nước ngoài, thực trạng và giải pháp, Thông tin khoa học pháp lý, số 1/2002.
[3] Điều 800, Bộ luật tố tụng Dân sự Italia,
[4] Mata v.American Life Ins.Co , 771 F.Supp. 1375 (D.Del.1991), aff’d 961F.2d 208 (3rd Cir. 1992),
[5] Nicol v. Tanner, 310 Minn.68, 256 N.Ư.2d 796 (Minn.1976);
[6] Xem Josheph J. Simeone, The recognition ans enforcement of foreign country judgement, 37 STATE.L..J 341 (1993),
[7] Albert Jan van den Berg, The New York Arbitration Convention of 1958. Towards a Unifrom Judicial Interpretation, tr. 14.
[8] U.S. District Court, E.D.Michigan (South. Div.), August 9, 1976, Audi-NSU Auto Union A.G.v.Overseas Motors Inc. (U.S.no.11)
[9] Điều I(3) của Công ước quy định “Khi ký kết, phê chuẩn, hoặc gia nhập Công ước này, hoặc thông báo phạm vi áp dụng Công ước theo điều X, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể, trên cơ sở có đi có lại, tuyên bố rằng Quốc gia đó sẽ áp dụng Công ước để công nhận và thi hành các phán quyết được ban hành tại lãnh thổ một quốc gia thành viên khác mà thôi. Điều khoản về bảo lưu “có đi có lại” này cho phép các nước thành viên chỉ công nhận các quyết định trọng tài được tuyên tại các quốc gia thành viên Công ước. Tuy nhiên, việc áp dụng điều khoản này ngày càng ít ý nghĩa do sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng các nước thành viên Công ước. Ngoài ra, cũng đã có rất nhiều học giả đã chỉ trích, lên án việc áp dụng điều khoản “có đi có lại’ này (sẽ trình bày rõ thêm ở phần sau). Nhiều Toà án cũng đã từ chối áp dụng nguyên tắc “có đi có lại” trong thực tiễn công nhận và thi hành quyết định trọng tài nước ngoài cũng như bản án, quyết định của Toà án nước ngoài. Mục 98 của Bản tuyên bố lại(Restatement) Luật xung đột (Conflict law) của Hoa Kỳ không đòi hỏi điều khoản có đi có lại. Những nhà soan thảo Bộ luật thống nhất về công nhận các bản án của nước ngoài có yếu tố tài sản đã loại bỏ nguyên tắc “có đi có lại” như là yếu tố cân nhắc việc công nhận và cho thi hành bản án của Toà án nước ngoài. (Xem thêm Vụ kiện Mata v.American Life Ins.Co., 771 F.Supp. 1375 (D.Del.1991), aff’d 961F.2d 208 (3rd Cir. 1992), Vụ Nicol v. Tanner, 310 Minn.68, 256 N.Ư.2d 796 (Minn.1976); Josheph J. Simeone, The recognition ans enforcement of foreign country judgement, 37 STATE.L..J 341 (1993).
ã Xem Albert Jan van den Berg “The New York Arbitration Convention of 1958” towards a uniform interpretation (1981), p 14
[11] Luật Mẫu về trọng tài Thương mại quốc tế, được Uỷ ban Thương mại quốc tế thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1985.
[12] Điều 1 Pháp lệnh công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài năm 1995.
[13] Có nhiều lý do khách quan dẫn đến việc Nghị định 158/CP đã loại bỏ các quy định về ghi chú hộ tịch của Nghị định 83/CP trước đây. Thứ nhất, về lý thuyết, Bộ luật TTDS là văn bản pháp lý có hiệu lực cao hơn đã quy định chế định công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của TANN, quyết định của Trọng tài nước ngoài, nên rõ ràng “giải pháp tình thế” là việc ghi chú vào Sổ hộ tịch trong Nghị định 83/CP không cần thiết nữa. Thứ hai, cũng cần nhấn mạnh, tại thời điểm xây dựng và ban hành Nghị định 158/CP, do chưa có thực tiễn áp dụng Bộ luật TTDS nên những vướng mắc về mặt pháp luật và thực tiễn của chế định công nhận và thi hành quyết định của TANN, quyết định của Trọng tài nước ngoài trong Bộ luật TTDS chưa được phát hiện và đề xuất. [14] Do việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không được ghi vào Sổ hộ tịch, nên đương sự không thể kết hôn lần tiếp theo.
[15] Tại thời điểm hiện tại (tháng 7/2010), Dự thảo Thông tư về cơ bản đã được hoàn thành và dự kiến sẽ sớm được ban hành.