Triển khai rà soát, sửa đổi Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Séc

Triển khai rà soát, sửa đổi Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hoà Séc

Thực hiện Kế hoạch rà soát, sửa đổi Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc ký ngày 12 tháng 10 năm 1982 (đã được Cộng hoà Séc và Cộng hoà Xlôvakia kế thừa), chiều ngày 10/11/2009, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp đã chủ trì cuộc họp liên ngành của phía Việt Nam (Toà án - Kiểm sát - Tư pháp - Ngoại giao - Công an), với đại diện Đại sứ quán Cộng hoà Séc tại Việt Nam để thảo luận và thống nhất sơ bộ về việc triển khai Kế hoạch nêu trên.
Do Hiệp định Tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa hai nước được ký từ năm 1982, Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) của Việt Nam lại mới ban hành (năm 2007), nên còn có khá nhiều điểm chưa thống nhất giữa hai văn bản này, trong đó có các quy định về ngôn ngữ sử dụng, cơ quan đầu mối thực hiện, chi phí thực hiện tương trợ tư pháp, quy trình chuyển hồ sơ, tài liệu v.v... Bên cạnh đó, việc thực hiện các uỷ thác tư pháp giữa hai nước thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, dẫn đến thực trạng còn tồn đọng khá nhiều hồ sơ uỷ thác tư pháp, đặc biệt là các uỷ thác tư pháp về hình sự. Tại buổi làm việc, liên ngành Việt Nam và phía Đại sứ quán Séc đều nhất trí cần triển khai sớm việc rà soát lại Hiệp định đã ký với pháp luật về TTTP của hai nước, đề xuất xem xét việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định một cách toàn diện nhằm hài hoà hoá các quy định của Hiệp định với pháp luật của hai nước, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc thực hiện Hiệp định, đẩy mạnh tiến độ và hiệu quả công tác tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Séc. Đại diện các bộ, ngành của Việt Nam và phía Séc đã thống nhất sơ bộ lộ trình, phương thức tiến hành việc nghiên cứu, sửa đổi Hiệp định nói trên. Phía Séc thông báo sẵn sàng tiếp nhận đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sang Cộng hoà Séc vào Quý I năm 2010 nhằm: 1. Gặp gỡ, làm việc với Bộ Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền khác của Séc trực tiếp thực hiện công tác tương trợ tư pháp để rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực thi Hiệp định Tương trợ tư pháp đã ký giữa hai nước từ năm 1982, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị cần thiết cho việc sửa đổi, bổ sung Hiệp định và hoàn thiện, tăng cường năng lực các thiết chế, bộ máy thực thi Hiệp định...; 2. Khảo sát về pháp luật tương trợ tư pháp của Séc, tình hình thực thi các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp mà Séc đã ký kết với các nước khác, bao gồm cả việc gia nhập các điều ước đa phương về tương trợ tư pháp; trao đổi kinh nghiệm về việc phối hợp giữa các cơ quan nhằm thực hiện TTTP, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy nhanh quá trình thực hiện tương trợ tư pháp; việc hoàn thiện, tăng cường năng lực các thiết chế thực hiện tương trợ tư pháp v.v… Kinh nghiệm thu được trong lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện công tác tương trợ tư pháp, đặc biệt là việc mở rộng hợp tác thông qua các thiết chế, điều ước quốc tế đa phương về tương trợ tư pháp; 3. Khảo sát và tìm hiểu đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở Séc, những khó khăn, thuận lợi và nhu cầu của cộng đồng người Việt đang sinh sống, làm việc tại Séc; thảo luận các biện pháp với cộng đồng người Việt, các cơ quan hữu quan của Séc nhằm bảo hộ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở Séc. Hai Bên ghi nhận các nội dung đã thảo luận, hứa sẽ báo cáo, trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định triển khai Kế hoạch nêu trên. Hai Bên tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước và quyết tâm của các cơ quan có liên quan, hợp tác pháp luật, tư pháp nói chung và công tác tương trợ tư pháp nói riêng mà hai bên đã, đang và sẽ thực hiện sẽ phát triển ngày một hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân hai nước, đóng góp tích cực vào các mục tiêu chung trong quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế. Họp liên ngành về Kế hoạch rà soát, sửa đổi Hiệp định TTTP và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Cộng hoà Séc[i]. Trước khi tiến hành cuộc trao đổi, thảo luận với Đại sứ quán Cộng hoà Séc tại Việt Nam, chiều ngày 10/11/2009, Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tư pháp cũng đã chủ trì cuộc họp liên ngành Tư pháp, Ngoại giao, Kiểm sát, Công an nhằm thống nhất các nội dung làm việc với phía Séc như đã nêu ở trên. Các cơ quan đều nhất trí cao đề xuất của Bộ Tư pháp về Kế hoạch việc rà soát, sửa đổi các Hiệp định TTTP đã ký trước đây, trong đó có Hiệp định với CH Séc. Các cơ quan cũng đề xuất việc nghiên cứu, xem xét tách các Hiệp định TTTP về dân sự, hình sự hiện hành thành các Hiệp định TTTP riêng về từng lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người bị kết án. Theo thông báo của Bộ Công an và Đại sứ quán Séc, đầu năm 2010, Bộ Công an sẽ chủ trì tiến hành đàm phán Vòng 1 Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Cộng hoà Séc. Việc giao các cơ quan có liên quan là đầu mối chủ trì đàm phán, ký kết và thực hiện các HĐTTP về từng lĩnh vực trực tiếp thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của mình sẽ tạo thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế. Bộ Tư pháp, với vai trò là cơ quan điều phối công tác, sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong quá trình đàm phán các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (Điều 62 Luật TTTP, Điều 6 Nghị định 92/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật TTTP) Đại diện các bộ, ngành tư pháp, ngoại giao, kiểm sát, toà án, công an cũng cho rằng việc ký kết các Hiệp định TTTP theo mô hình điều ước toàn diện về TTTP mà ta đã ký với các nước XHCN trước đây là đề ra những quy phạm xung đột thống nhất để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền là không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Các cơ quan đề nghị nên xây dựng, đàm phán để đi đến ký kết các Hiệp định TTTP theo mô hình mới, phù hợp với xu thế, kinh nghiệm, thực tiễn của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế, tức là các Hiệp định TTTP theo từng lĩnh vực chuyên ngành (hoặc chỉ chuyên về hình sự, dẫn độ, hoặc chuyên về tố tụng dân sự), không quy định xen kẽ, lồng ghép nhiều lĩnh vực với nhau. Cụ thể, trong tương lai, Dự thảo các Hiệp định TTTP nên được xây dựng trên nguyên tắc điều chỉnh các vấn đề mang tính nguyên tắc, thủ tục tương trợ tư pháp và dẫn chiếu đến luật tố tụng và luật nội dung của quốc gia ký kết, chứ không đề ra những quy phạm xung đột thống nhất để giải quyết xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền như những Hiệp định đã ký trước đây với Liên Xô và các nước XHCN cũ. Đây cũng là mô hình các Hiệp định TTTP mà ta đã ký gần đây với Trung Quốc, Pháp, hay Dự thảo Hiệp định đang và sẽ được đàm phán với Liên hiệp Anh và Bắc Ai Len[ii], Angeri, Hàn quốc[iii]. Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành cũng đã nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa việc phối kết hợp trong công tác tương trợ tư pháp nói chung và việc đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế về TTTP nói riêng, nhằm đáp ứng được nhu cầu về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước. Việc mở rộng ký kết, gia nhập, sửa đổi, hoàn thiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, nhất là việc thực hiện tốt công tác này không những góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân, mà còn củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, phục vụ tích cực cho quá trình hội nhập quốc tế của chúng ta, góp phần gìn giữ hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới./. [i] Việc Bộ Tư pháp chủ động đề xuất cuộc họp liên ngành nêu trên cũng là một trong các hoạt động nhằm thực hiện chức năng giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp, trong đó có việc 1) Phối hợp với cơ quan đề xuất ký kết điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp xây dựng kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm về ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp theo quy định của Luật Tương trợ tư pháp; chủ trì đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự; phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan đàm phán các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan lập kế hoạch triển khai thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trình Chính phủ quyết định; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; 2) chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra việc thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự tại các Tòa án nhân dân và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao kiểm tra việc thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù nhằm phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật liên quan; 3) chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tổ chức các cuộc họp định kỳ để trao đổi thông tin, thảo luận, quyết định các biện pháp phối hợp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện tương trợ tư pháp…. (Điều 62 Luật TTTP, Điều 6 Nghị định số 92/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 do Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật tương trợ tư pháp). [ii] Với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen, nhu cầu ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp đã được thể hiện rõ trong "Tuyên bố chung về quan hệ đối tác vì sự phát triển giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen" được ký kết giữa hai Chính phủ ngày 05/3/2008 tại Luân Đôn, Anh. Tuyên bố đã khẳng định "….. Hai Thủ tướng nhất trí khởi động đàm phán Hiệp định Tương trợ Tư pháp về các vấn đề hình sự, tạo điều kiện cho việc trao đổi các chứng cứ liên quan tới việc điều tra và tố tụng hình sự nhằm đẩy mạnh xét xử những người phạm tội nghiêm trọng trên cơ sở kết quả hợp tác giữa hai nước. Hai Thủ tướng đã nhất trí rằng Việt Nam và Anh sẽ tạo điều kiện sớm ký kết Hiệp định chuyển giao người bị kết án, cho phép người bị kết án được thụ án tù tại cộng đồng quê hương…". Trong chuyến thăm Anh của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường vào tháng 6/2008, và chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9/2008 của Bộ trưởng Tư pháp Anh Jack Straw, hai bên đã thảo luận việc đàm phán, ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa hai nước. Hiệp định này đã được các cơ quan có thẩm quyền của hai bên đàm phán lần thứ nhất tại Hà Nội cuối năm 2008. Hai bên đang xúc tiến các công việc cần thiết cho việc tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Hiệp định này để có thể đi đến ký kết trong năm 2010. Như vậy, với Anh, dự kiến sẽ có 2 Hiệp định riêng về TTTP 1) trong lĩnh vực hình sự và 2) trong lĩnh vực dân sự, thương mại. [iii] Trong lĩnh vực tương trợ tư pháp, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký 3 loại Hiệp định: Hiệp định hợp tác dẫn độ tội phạm (9/2003), Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (9/2003) và Hiệp định chuyển giao người đã bị kết án phạt tù (5/2009). Hiệp định thứ 4 về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Hàn Quốc - Hiệp định TTTP về dân sự và thương mại - đã được hai bên tiến hành đàm phán lần thứ nhất vừa qua tại Hà Nội trong các ngày từ 28-30/10/2009. Dự kiến hai bên sẽ tiếp tục đàm phán, thống nhất nội dung Hiệp định để có thể đi đến ký kết trong năm 2010.