Phiên họp lần thứ nhất Tổ Công tác liên ngành soạn thảo Dự thảo Hiệp định ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ

Phiên họp lần thứ nhất Tổ Công tác liên ngành soạn thảo Dự thảo Hiệp định ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ

Ngày 08/6/2012, Tổ Công tác liên ngành soạn thảo Dự thảo Hiệp định ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu công nước ngoài (Hiệp định Apostille trong ASEAN) đã tiến hành họp triển khai xây dựng Dự thảo Hiệp định Apostille trong ASEAN tại trụ sở Bộ Tư pháp dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Khánh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp. Thành viên của Tổ Công tác gồm đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An, Bộ Nội Vụ và một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Pháp luật ASEAN (ALAWMM) lần thứ 6 và Hội nghị Quan chức pháp luật cao cấp (ASLOM) lần thứ 10 được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2005, Việt Nam đã đưa ra “Sáng kiến về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN” với mục đích hướng tới xây dựng một cơ chế khu vực về tương trợ tư pháp dân sự và thương mại trong bối cảnh các quan hệ, giao lưu nhiều mặt giữa người dân, doanh nghiệp của các quốc gia thành viên ASEAN với nhau ngày càng phát triển và đa dạng hơn. Tại Hội nghị ALAWMM lần thứ 6, Bộ trưởng các quốc gia thành viên ASEAN thông qua và đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam, đánh dấu một bước phát triển mới trong hợp tác tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại trong ASEAN, thể hiện nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của tương trợ tư pháp của các quốc gia thành viên ASEAN. Để cụ thể hóa sáng kiến của Việt Nam, Nhóm Công tác về sáng kiến của Việt Nam trong ASEAN đã được thành lập. Phiên họp lần thứ 2 gần đây nhất của Nhóm Công tác về sáng kiến của Việt Nam đã được tổ chức vào ngày 31/10/2011 ngay trước thềm diễn ra Hội nghị ASLOM 14 và Hội nghị ALAWMM 8 tại Campuchia. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, 10 quốc gia thành viên ASEAN đã trao đổi và đi đến thống nhất các nội dung nhằm thực hiện một cách có hiệu quả và khả thi hơn Sáng kiến của Việt Nam, cụ thể như sau: Việt Nam sẽ xây dựng một Hiệp định khu vực về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công vụ nước ngoài trên nền của Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công vụ nước ngoài Tiến hành tổ chức cuộc họp tiếp theo để trao đổi về dự thảo Hiệp định khu vực về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công vụ nước ngoài trên nền của Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công vụ nước ngoài. Sau phiên họp này, Bộ Tư pháp đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, tại Công văn số 9170/VPCP-QHQT ngày 26/12/2011 và Công văn số 2901/VPCP-PL ngày 26/4/2012 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì xây dựng Hiệp định ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu công nước ngoài trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Pháp luật các nước ASEAN”. Trên cơ sở phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, ngày 04/6/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 969/QĐ-BTP về việc soạn thảo và thành lập Tổ Công tác liên ngành soạn thảo Dự thảo Hiệp định ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu công nước ngoài. Thành viên của Tổ Công tác gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp mà nòng cốt là Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Tổ Công tác có nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Hiệp định ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu công nước ngoài trên để làm cơ sở để các nước ASEAN đàm phán. Tại phiên họp lần thứ nhất của Tổ Công tác diễn ra tại trụ ở Bộ Tư pháp ngày 8/6/2012 vừa qua, các thành viên của Tổ công tác đã thảo luận sôi nổi về cách thực triển khai xây dựng Hiệp định Apostille trong ASEAN. Theo thống nhất của các nước ASEAN, dự thảo Hiệp định Apostille trong ASEAN phải được xây dựng trên cơ sở Công ước Apostille của La Hay và được điều chỉnh phù hợp với điều kiện của các nước thành viên ASEAN. Chính vì vậy, các thành viên của Tổ Công tác đã đề nghị cần phải nghiên cứu, đánh giá các quy định và thực tiễn thi hành Công ước Apostille của La Hay, những mặt được và bất cập của Công ước để rút kinh nghiệm xây dựng Dự thảo Hiệp định Apostille trong ASEAN. Nhằm mục tiêu hài hòa hóa pháp luật trong ASEAN, Dự thảo Hiệp định cần phải xây dựng trên cơ sở nghiên cứu đánh giá hệ thống pháp luật và thực tiễn của các nước thành viên ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ. Tuy nhiên, các nước ASEAN vốn có truyền thống pháp luật khác nhau, một số một số nước theo truyền thống luật thành văn (civil law), một số nước theo truyền thống thông luật (common law) và cũng như có một số nước bị ảnh hưởng bởi truyền thống luật đạo hồi, do đó việc hài hòa hóa pháp luật trong các nước ASEAN về lĩnh vực này đang là một thách thức lớn cho Tổ Công tác. Tổ Công tác cũng đề nghị Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan chủ trì thành lập một Nhóm Thường trực nhằm cung cấp các tài liệu tham khảo cũng như soạn thảo các Dự thảo ban đầu để các thành viên của Tổ Công tác góp ý kiến. Tổ Công tác liên ngành soạn thảo Dự thảo Hiệp định ASEAN về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu công nước ngoài được chính thức thành lập là một hoạt động quan trọng trong việc triển khai kế hoạch xây dựng Hiệp định Apostille trong ASEAN, thể hiện sự nghiêm túc, tích cực và quyết tâm của Việt Nam nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng nhằm hiện thực hóa “Sáng kiến về tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên ASEAN” . Các phiên họp tiếp theo của Tổ Công tác sẽ tiếp tục được thực hiện nhằm hoàn tất việc soạn thảo Dự thảo Hiệp định Apostille trong ASEAN phục vụ cho cuộc họp Nhóm Công tác ASEAN về Sáng kiến của Việt Nam dự kiến tổ chức vào Quý IV năm 2012 tại Việt Nam.