Việt Nam hoàn thành Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần 4

Việt Nam hoàn thành Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị lần 4

1. Giới thiệu chung
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (Công ước ICCPR) là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, với sự tham gia đông đảo của 173 quốc gia thành viên[1] (tính đến ngày 31/3/2023). Việt Nam trở thành thành viên Liên hợp quốc vào năm 1977 và gia nhập Công ước ICCPR vào năm 1982. Kể từ khi gia nhập cho đến nay, Việt Nam đã xây dựng, nộp các Báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước ICCPR tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1989, 2001 và 2017. Việc nộp các Báo cáo quốc gia này đã thể hiện thiện chí, nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế.
Trên cơ sở Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 (giai đoạn 2002 - 9/2017), tại kỳ họp lần thứ 125, Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (sau đây gọi là Ủy ban Nhân quyền LHQ) đã tổ chức Phiên đối thoại đối với Việt Nam về Báo cáo này vào ngày 11-12/3/2019 tại Geneva, Thụy Sỹ và đưa ra các Bản khuyến nghị đối với tình hình thực hiện Công ước ICCPR tại Việt Nam.
Ngày 28/3/2019, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã ban hành Bản khuyến nghị về Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 tại Việt Nam. Bản khuyến nghị có tổng cộng 59 đoạn, trong đó tại đoạn 59 của Bản khuyến nghị, Ủy ban Nhân quyền LHQ có yêu cầu Việt Nam nộp báo cáo định kỳ tiếp theo vào ngày 29 tháng 3 năm 2023 và có báo cáo cụ thể, cập nhật thông tin về việc triển khai các khuyến nghị được đưa ra tại Bản khuyến nghị và về Công ước nói chung. Phù hợp với Nghị quyết 62/268 của Đại hội đồng, dung lượng của báo cáo không vượt quá 21.200 từ.
2. Về việc xây dựng, hoàn thành nộp Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4
Theo yêu cầu tại đoạn 59 Bản khuyến nghị nêu trên, Việt Nam được yêu cầu báo cáo cụ thể, cập nhật thông tin về việc triển khai các khuyến nghị được đưa ra tại Bản khuyến nghị và về Công ước nói chung. Ủy ban cũng yêu cầu Việt Nam, trong quá trình chuẩn bị báo cáo, tham vấn rộng rãi các tổ chức, cá nhân và nộp vào ngày 29 tháng 3 năm 2023. Yêu cầu này đã được cụ thể hóa tại Mục II.4.đ Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền LHQ (sau đây gọi là Quyết định số 1252/QĐ-TTg) và Mục D.V.2 Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 1252/QĐ-TTg.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg nêu trên và nhiệm vụ nêu tại Mục B.I.4 Quyết định số 3028/QĐ-BTP ngày 04/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền LHQ, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng dự thảo Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4. Báo cáo do Ban soạn thảo liên ngành gồm 23 thành viên là đại diện các Bộ, ngành, đơn vị liên quan trực tiếp đến nội dung Công ước ICCPR xây dựng. Báo cáo được xây dựng và hoàn thiện trên cơ sở ý kiến đóng góp của các cơ quan ở cả trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và người dân. Dự thảo Báo cáo đã được đăng công khai để lấy ý kiến toàn dân trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Nhiều cuộc họp, hội thảo, toạ đàm đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa Ban soạn thảo và các bên liên quan. Các ý kiến đóng góp đối với dự thảo Báo cáo đều được Ban soạn thảo tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý.
Trong quá trình xây dựng Báo cáo nêu trên, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung của Công ước ICCPR và các khuyến nghị nêu tại Bản khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền LHQ đối với Việt Nam. Báo cáo được xây dựng dựa trên các nguyên tắc như bám sát, nhất quán và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về công tác quyền con người; quan điểm của Việt Nam khi trao đổi, đối thoại với nước ngoài trong lĩnh vực này cũng như yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền LHQ; phản ánh đầy đủ, kịp thời những thành tựu và nỗ lực của Việt Nam trong công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền dân sự và chính trị…
Ngày 22/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nội dung, cho phép nộp Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp đã thực hiện các thủ tục để nộp Báo cáo đến Ủy ban Nhân quyền LHQ đúng hạn. Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam đã được đăng tải trên website của Ủy ban Nhân quyền LHQ[2].
 
Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 được chia thành 2 phần (Phần I Thông tin chung và Phần II về Báo cáo về các quy định cụ thể) với tổng số 135 đoạn, trong đó tình hình thực hiện đối với từng điều và khuyến nghị được phân chia cụ thể, rõ ràng tại Phần II của Báo cáo. Báo cáo này cũng được trình bày theo đúng yêu cầu của Ủy ban Nhân quyền LHQ với dung lượng không vượt quá 21.200 từ. Cùng với Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4, Việt Nam đã nộp 05 Phụ lục kèm theo (bao gồm Phụ lục 1(Các Kế hoạch thực hiện Công ước ICCPR); Phụ lục 2 (Danh mục Luật, Nghị quyết của Quốc hội có liên quan (năm 2019-2022)); Phụ lục 3 (Danh mục các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị (năm 2019-2022)); Phụ lục 4 (Các chương trình mục tiêu quốc gia (năm 2021-2025)); và Phụ lục 5 (Thông tin về một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông).
Trong nhiều hoạt động đã triển khai, có thể kể đến việc từ khi Quyết định số 1252/QĐ-BTP được ban hành cho đến hết tháng 12/2022, 36 Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch riêng thực hiện các khuyến nghị trong các lĩnh vực phụ trách. Các khuyến nghị cũng được tiến hành hiệu quả thông qua việc lồng ghép với các chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia trong nhiều lĩnh vực liên quan như Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Một số khuyến nghị liên quan đến rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật đã được Việt Nam triển khai thực hiện: Trong giai đoạn từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2022, Việt Nam đã thông qua 56 luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến quyền con người, quyền công dân[3], góp phần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên như: Bộ luật lao động năm 2019, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2021, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Luật Thanh tra năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022,… Trong Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội còn dự kiến ban hành nhiều luật khác liên quan tới quyền con người như: Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Dân số (sửa đổi),…
Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 4 tại Việt Nam cung cấp các thông tin chính thức của Nhà nước Cộng hoà xã hội nghĩa Việt Nam, thể hiện những bước phát triển và nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị. Báo cáo phản ánh những tiến bộ của Việt Nam cả về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thực tiễn thực hiện trong giai đoạn 2019-2022. Thông qua Báo cáo, Việt Nam mong muốn thế giới hiểu rõ hơn về những nỗ lực, tiến bộ của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị, cùng với đó, tiếp tục ghi nhận, ủng hộ những nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này./.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp
 
[1] https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?chapter=4&clang=_en&mtdsg_no=IV-4&src=IND
[2] https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/TreatyBodyExternal/countries.aspx?CountryCode=VNM&Lang=EN
[3] Phụ lục 2 Báo cáo quốc gia ICCPR lần thứ 4