Bộ Tư pháp lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo ICCPR lần thứ 4 từ ngày 28/02-15/3/2023

Bộ Tư pháp lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo ICCPR lần thứ 4 từ ngày 28/02-15/3/2023

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) là điều ước quốc tế đa phương quan trọng với số lượng các quốc gia tham gia đông đảo (173 quốc gia). Nội dung Công ước quy định các quyền gắn liền với các cá nhân từ khi sinh ra đến hết cuộc đời (quyền sống, quyền được bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tham gia quản lý xã hội…). Một số quyền trong Công ước ICCPR sau này được Liên hợp quốc phát triển thành những điều ước quốc tế riêng như quyền không bị tra tấn, quyền bình đẳng giới…. Việt Nam đã gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24/9/1982. Theo quy định tại Điều 40 của Công ước này, Việt Nam đã 03 lần thực hiện nghĩa vụ nộp báo cáo việc thực thi Công ước ICCPR vào các năm 1989, 2002 và năm 2019.
Thực hiện yêu cầu tại Điều 40 Công ước ICCPR và Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/09/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ 4 của Việt Nam thực thi Công ước ICCPR.
Báo cáo này do Ban soạn thảo liên ngành gồm 23 thành viên là đại diện các Bộ, ngành, đơn vị liên quan trực tiếp đến nội dung Công ước ICCPR soạn thảo theo Tài liệu Hướng dẫn các quốc gia thành viên xây dựng Báo cáo theo quy định của Điều 40 Công ước ICCPR (Tài liệu CCPR/C/2009/1). Báo cáo gồm Phần I “Các thông tin chung” và Phần II “Báo cáo về các quy định cụ thể”. Ngoài ra, Báo cáo gồm 05 Phụ lục, cụ thể như sau:
Phụ lục 1: Các Kế hoạch thực hiện Công ước ICCPR;
Phụ lục 2: Danh mục Luật, Nghị quyết của Quốc hội giai đoạn 2019-2022;
Phụ lục 3: Danh mục các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự, chính trị giai đoạn 2019-2022;
Phụ lục 4: Các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025;
Phụ lục 5: Thông tin về một số văn bản pháp luật trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.
Nhiều cuộc họp, hội thảo tham vấn đã được tổ chức trong không khí cởi mở, thẳng thắn và cầu thị nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Nhằm tiếp tục thực hiện yêu cầu của Uỷ ban Nhân quyền về việc tham vấn rộng rãi đối với dự thảo Báo cáo, đồng thời để dự thảo Báo cáo ngày càng hoàn thiện hơn, Bộ Tư pháp mong nhận được các ý kiến góp ý hữu ích của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm. Sau khi kết thúc việc lấy ý kiến, Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Báo cáo.
Xin trân trọng cảm ơn!

Chi tiết xem tài liệu đính kèm.