TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁP LUẬT VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2019 TẠI TỈNH THANH HÓA

Được sự hỗ trợ của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp 585 - Bộ Tư pháp, thực hiện Quyết định số 1259/QĐ-585 ngày 03/6/2019 về việc chọn Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực tham gia thực hiện hoạt động tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng và người thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019, hợp đồng giao việc số 13/BTP - 585 ngày 03/6/2019 giữa Ban quản lý chương trình 585 và Trung Tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực về việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp chuyên đề: "Pháp luật về đất đai liên quan đến doanh nghiệp"

Ngày 26/7/2019 tại Khách sạn Sao Mai, số 20 Phan Chu Trinh, phường Điện Biên, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực phối hợp với Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp chuyên đề: "Pháp luật về đất đai liên quan đến doanh nghiệp"
Lớp bồi dưỡng được diễn ra với sự tham gia của giảng viên PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Trưởng khoa Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.
Lớp bồi dưỡng đã dành được sự quan tâm tham dự của 100 đại biểu là cán bộ pháp chế, cán bộ ở các đơn vị có liên quan được giao làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thuộc các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa; các luật sư, luật gia, người quản lý doanh nghiệp; những người được giao thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tại lớp bồi dưỡng, các học viên được nghe PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Trưởng khoa Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội trình bày những nội dung cơ bản về quy định của Luật Đất đai năm 2013 liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; pháp luật về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế trong sử dụng đất; những khó khăn khi thực hiện pháp luật về đất đai về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế; những vướng mắc, bất cập của quy định pháp luật về đất đai liên quan đến doanh nghiệp; tranh chấp đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai; giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp.
Lớp bồi dưỡng nhận được 2 ý kiến đặt vấn đề trao đổi của các đại biểu, cụ thể là:
1. Công ty có trụ sở chính tại tỉnh X nhưng được UBND tỉnh Y cho thuê đất làm văn phòng đại diện tại tỉnh Y với thời hạn 50 năm theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Nay thời hạn còn 30 năm nhưng công ty không có nhu cầu sử dụng nữa. Đất này nằm trong khu dân cư thì có thể cho tổ chức khác thuê lại được không?
Trả lời:
Theo quy định tại điều 175 Luật đất đai 2013:
“Điều 175. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm
1. Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
b) Thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
c) Bán tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 189 của Luật này; người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;
d) Góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê; người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất theo mục đích đã được xác định;
đ) Cho thuê lại quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm đối với đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế”.
Với trường hợp này doanh nghiệp không thể cho tổ chức khác thuê lại mà chỉ có các quyền và nghĩa vụ theo quy định trên.
Nếu đất công ty bạn thuê đã xây dựng kết cấu hạ tầng thì được phép cho thuê lại theo điểm đ khoản 1 Điều 175 Luật Đất đai 2013 , nếu chưa xây thì công ty bạn không được cho công ty khác thuê lại.
2. Anh A và một công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh A đang tranh chấp với nhau về đất, nhưng anh A không nắm rõ được thủ tục giải quyết tranh chấp tại địa bàn . Vậy thủ tục giải quyết tranh chấp đất được như thế nào?
Trả lời:
Thứ nhất, vì đây tranh chấp đất đai có một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh (điểm b khoản 3 điều 2 của Quyết định 42/2014/QĐ-UBND).
Thứ hai, về điều kiện để được thụ lý vụ việc đã được quy định tại điều 3 của Quyết định số 42/2014/QĐ-UBND như sau:
1. Cá nhân, tổ chức tranh chấp đất đai phải có căn cứ chứng minh
a) Phần đất đó thuộc quyền sử dụng của mình khi gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Ủy ban nhân dân các cấp;
b) Bị điều chỉnh trực tiếp bởi quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Người gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
3. Việc yêu cầu giải quyết tranh chấp được thực hiện bằng đơn khiếu nại yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu giải quyết tranh chấp trực tiếp đến đúng cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn quy định tại Điều 4, trừ trường hợp quy định tại Điều 5 của Quy định này.
4. Việc khiếu nại yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai chưa được Tòa án thụ lý để giải quyết.
Thứ ba, về việc lập hồ sơ trình UBND cấp tỉnh giải quyết được quy định khoản 3 điều 20 của Quyết định 42/2014/QĐ-UBND như sau:
a) Trường hợp nhận đơn trong thời hạn quy định nếu xét thấy nội dung giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật đất đai thì trong thời hạn sáu mươi (60) ngày kể từ ngày thụ lý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường lập tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định giữ nguyên quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
b) Trường hợp qua thẩm tra xác minh, xét thấy có tình tiết mới hoặc quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa phù hợp với quy định của pháp luật đất đai, thì Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện. Thời gian thẩm tra xác minh đến khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định trong thời hạn quy định tại Điều 19 Quy định này.
  Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực đã tổ chức thành công lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp với sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình 585, Bộ Tư pháp
 

Phạm Hoàng Giang