SỞ TƯ PHÁP TỈNH AN GIANG TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2019

SỞ TƯ PHÁP TỈNH AN GIANG TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LUẬT KINH DOANH CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2019 Thực hiện Quyết định số 1427/QĐ-585 ngày 25 tháng 6 năm 2019 của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, Bộ Tư pháp về việc chọn Sở Tư pháp tỉnh An Giang tham gia thực hiện hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp năm 2019 và Hợp đồng số 52/BTP-585 ngày 25 tháng 6 năm 2019 ký giữa Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 và Sở Tư pháp tỉnh An Giang về tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp năm 2019 với chuyên đề: “Những nội dung về hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp lao động doanh nghiệp cần lưu ý”

Ngày 07 tháng 9 năm 2019, tại Khách sạn  Hòa Bình 1, Sở Tư pháp An Giang tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp, chuyên đề: “Những nội dung về hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp lao động doanh nghiệp cần lưu ý”.
Lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm hỗ trợ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp, nhân viên pháp chế doanh nghiệp và các doanh nghiệp được tiếp cận kịp thời các quy định của pháp luật. Đồng thời, thực hiện giải pháp, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Và tăng cường sự phối hợp với các cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc tổ chức hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Lớp bồi dưỡng có sự tham gia giảng dạy của Luật sư Võ Hoàng Tâm, Trưởng phòng Pháp chế, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang và sự tham gia của hơn 100 đại biểu là - Đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh. - Đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp. - Cán bộ quản lý các phòng, ban trong doanh nghiệp. - Nhân viên pháp chế, phụ trách hoạt động pháp lý trong doanh nghiệp. - Công chức phụ trách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. - Ngoài các đối tượng nêu trên, Sở Tư pháp mời thêm Luật gia, Luật sư; đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, Phòng Tư pháp, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố.

Tại lớp bồi dưỡng, giảng viên đã triển khai các nội dung: 1. Những vướng mắc, bất cập của doanh nghiệp trong quá trình thi hành các quy định pháp luật về hợp đồng lao động và những hợp đồng liên quan. 2. Thực trạng doanh nghiệp thi hành quy định pháp luật về vấn đề giao kết hợp đồng, cụ thể: Chủ thể giao kết; số lượng hợp đồng lao động được ký. 3. Những vướng mắc của doanh nghiệp trong việc chấm dứt hợp đồng lao động, cụ thể: Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động; thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động. 4. Những bất cập trong giải quyết tranh chấp lao động của các doanh nghiệp, cụ thể: Tranh chấp lao động cá nhân; tranh chấp lao động tập thể. 5. Các tình huống, vụ việc thực tiễn của doanh nghiệp về hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp lao động.


Nội dung các thắc mắc của doanh nghiệp cần giải đáp và câu trả lời của giảng viên:
1. Câu hỏi 1 Tôi ký hợp đồng lao động thứ nhất là thời hạn 01 năm, hết hạn hợp đồng, công ty MA làm phụ lục gia hạn thời hạn hợp đồng 01 năm nữa. Cho tôi hỏi công ty MA làm như vậy đúng hay sai?
Trả lời: Theo luật, hết hạn hợp đồng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới. Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn (Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012). Vậy công ty MA gia hạn hợp đồng (bằng phụ lục) thêm 01 năm thì phụ lục này cũng được coi là hợp đồng xác định thời hạn lần 02. Trường hợp này tôi cũng xin lưu ý, nếu phụ lục này hết hạn mà công ty vẫn tiếp tục thuê người lao động thì lúc đó công ty phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Nếu phụ lục hết hạn, công ty không ký mới hợp đồng lao động và người lao động tiếp tục làm việc thì hợp đồng lao động của người này mặc nhiên trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
2. Câu hỏi 2 Xin luật sư cho biết, ký kết Hợp đồng lao động thời vụ có phải trải qua thời gian thử việc không?
Trả lời: Khoản 2 Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Điều 26. Thử việc 2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.”. Căn cứ theo quy định trên, khi ký kết hợp đồng lao động thời vụ thì không phải thử việc.
3. Câu hỏi 3 TA đang làm việc tại Công ty May mặc MM thành phố LX, tỉnh AG. Công việc có thời gian ngắn nên TA định làm việc tại công ty khác trong thời gian rảnh. Vậy TA có thể kí hợp đồng lao động với công ty cùng một lúc không?
Trả lời: Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động: “Người lao động có thể giao kết hợp 4 đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết. Bộ luật Lao động trong trường hợp giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động được thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động:“Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”. Như vậy, theo quy định TA có thể kí hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng cùng một thời gian. TA có quyền tự do lựa chọn công việc phù hợp và giao kết hợp đồng lao động phù hợp với khả năng lao động.
4. Câu hỏi 4 Tôi có một người bạn tên SQ làm việc tại Công ty FT. Tháng 7 năm 2019, công ty FT đã ra quyết định sa thải đối với SQ. Tuy nhiên, SQ không đồng ý với quyết định sa thải đó. Vậy trong trường hợp này, bạn tôi phải đến cơ quan, cá nhân nào để giải quyết việc này?
Trả lời: Theo Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động Do đó, trường hợp của SQ có thể gửi đơn khiếu nại quyết định sa thải của công ty đến công ty để giải quyết. Trong trường hợp công ty không giải quyết đơn khiếu nại thì SQ có thể gửi đơn khiếu nại lên Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nơi công ty đặt trụ sở để giải quyết. Theo Điều 200 Bộ luật Lao động năm 2012 thì cơ quan, có nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là: “Hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân”. Điểm a Khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:..”. Do đó, SQ có thể không cần phải tiến hành thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà có thể trực tiếp gửi yêu cầu ra Tòa án nhân dân giải quyết.
5. Câu hỏi 5 Xin báo cáo viên cho biết, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể và thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân?
Trả lời: 5 Căn cứ Điều 200, Điều 203 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định như sau: - Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân (Điều 200 Bộ luật Lao động) bao gồm: Hòa giải viên lao động và Tòa án nhân dân. - Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể (Điều 203 Bộ luật Lao động) bao gồm: Hoà giải viên lao động; Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Toà án nhân dân.
6. Câu hỏi 6 Xin hỏi luật sư, khi ký kết hợp đồng lao động, cần thực hiện ký bao nhiêu bản?
Trả lời: Điều 16 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
7. Câu hỏi 7 Xin cho biết, nội dung hợp đồng phải có các nội dung nào?
Trả lời: Các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012 và được cụ thể hóa tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động và Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP. Hợp đồng lao động phải có các nội dung sau đây: - Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; - Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; - Công việc và địa điểm làm việc; - Thời hạn của hợp đồng lao động; - Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; - Chế độ nâng bậc, nâng lương; - Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; - Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; 6 - Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; - Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
Lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh dành cho doanh nghiệp năm 2019, chuyên đề: “Những nội dung về hợp đồng lao động, giải quyết tranh chấp lao động doanh nghiệp cần lưu ý” đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra; công tác tổ chức, chuẩn bị các điều kiện tổ chức lớp được đảm bảo; giảng viên truyền đạt đầy đủ các nội dung tập huấn, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế tại tỉnh An Giang; đại biểu tham dự lớp đúng đúng thành phần, thời gian quy định, đại biểu nêu cao trách nhiệm và nghiêm túc tiếp thu các nội dung của lớp bồi dưỡng, tích cực thảo luận và trao đổi những khó khăn, vướng mắc. 
 Sở Tư pháp An Giang đã tổ chức thành công lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp với sự hỗ trợ kinh phí từ Chương trình 585, Bộ Tư pháp.


 

Phạm Hoàng Giang