Kết thúc cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” lần thứ nhất: Thành công với những bất ngờ lớn

06/07/2010
Đến ngày 20/6, khi cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” kết thúc thời hạn nhận tác phẩm, điều bất ngờ đầu tiên là vẫn còn rất nhiều tác giả, tác phẩm gửi đến Tòa soạn với mong mỏi biểu dương một tấm gương nữa, góp thêm một tiếng nói tôn vinh nữa về những cá nhân, tập thể tiên tiến, điển hình trong công tác tư pháp. Quả thật, các thành viên Hội đồng Giám khảo đã phải rất vất vả, khó khăn trong việc lựa chọn những “bông hoa” đẹp nhất trong một “rừng hoa” tác phẩm dự thi…

Lan tỏa rộng khắp

Chiều muộn ngày 25/6, Hội đồng Giám khảo cuộc thi đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương nhưng đầy hào hứng trước số lượng đông đảo các tác  giả, tác phẩm. Chỉ được phát động từ ngày 25/1/2010 - cũng là lần thứ 3 Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức cuộc thi viết – nhưng một trong những bất ngờ lớn là lần này, đã có tới gần 200 tác phẩm dự thi gửi về từ khắp mọi miền đất nước, được thực hiện bởi phần lớn các cây bút không chuyên nghiệp trong và ngoài ngành tư pháp. Điều ấy chứng tỏ, cuộc thi đã thật sự lan tỏa rộng khắp cả về mặt ý nghĩa  cũng như địa lý - không gian.

Trên thực tế, việc phát động cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” chính là một hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” vốn đang diễn ra sôi nổi, hào hứng trong cả nước cũng như toàn ngành Tư pháp. Ngay từ khi được phát động, cuộc thi viết đã được lãnh đạo Bộ Tư pháp chỉ đạo  triển khai rộng khắp trong toàn ngành Tư pháp, thông qua việc biểu dương những tấm gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội, đặc biệt trong cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp; ghi nhận và biểu dương những thành quả đã đạt được của toàn Ngành; cổ vũ, động viên cán bộ, công chức ngành Tư pháp phát huy truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của toàn Ngành trong giai đoạn mới, phục vụ các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Thông qua gần 200 tác phẩm dự thi là gần 200 tấm gương người tốt, việc tốt được vinh danh; là gần 200 điển hình tiên tiến với những sáng kiến mới, những mô hình, cách làm hay cần nhân rộng trong công tác Tư pháp, Thi hành án dân sự trên cả nước. Đây cũng chính là những tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng, Nhà nước đang phát động.

Những “bông hoa” đẹp nhất

Phải nói rằng, ngành Tư pháp có được những bước phát triển vượt bậc thời gian qua chính bởi một phần nhờ những nỗ lực, đóng góp tâm huyết và trí tuệ của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành  Tư pháp từ trung ương đến các xã, phường, thị trấn. Với gần 200 tấm gương điển hình được vinh danh trong các tác phẩm dự thi gửi về cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp”, việc lựa chọn cho được những tấm gương điển hình nhất, được khắc họa sắc nét nhất bằng ngôn ngữ báo chí quả thật là việc không hề dễ dàng với Hội đồng Giám khảo gồm 10 người, đại diện cho Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Bộ Tư pháp và một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp.

Trong 25 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, Hội đồng Giám khảo đặc biệt ấn tượng với tấm gương Giám đốc Nguyễn Đại Dân khi ông cùng các đồng nghiệp làm hết sức mình để xây dựng một “thương hiệu” đấu giá ở Hải Dương – một công việc đầy khó khăn, phức tạp của ngành Tư pháp. Hay như khi viết về câu chuyện của một “Người nói chuyện với…tử thi” , thì tác giả Hà Thu không chỉ tỏ bày một thái độ đồng cảm với công việc vốn bị rất nhiều người xa lánh – nghề giám định pháp y, môt tử thi – mà bài viết còn làm sáng lên một tấm gương hết lòng với công việc dẫu công việc ấy khiến ông  “đi ăn cỗ, nhiều người không dám bắt tay vì họ nghĩ tôi vừa tiếp xúc với xác chết về”. Làm nghề pháp y, vốn nằm giữa ranh giới y khoa và pháp lý, tấm gương Giám định viên Nguyễn Hoài Nam (Vĩnh Phúc) khiến bất cứ ai đọc được cũng thấy cay cay nơi khóe mắt bởi vẫn còn quá nhiều người hiểu lầm, kỳ thị mà không biết rằng, không có những người như ông Nam, không có những bán kết luận giám định khách quan và trung thực thì không bao giờ có thể lật mặt tội phạm, trừng trị được cái ác.

Công tác Tư pháp nói chung và công tác thi hành án dân sự nói chung đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ; yêu cầu chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa bởi vậy cũng trở nên cấp bách hơn lúc nào hết. Ở một tỉnh miền Đông đất đỏ, đã có một cán bộ kỹ thuật dành 3 năm trời trăn trở, tìm tòi để rồi cho ra đời “Phần mềm Tin học hoá thống kê Thi hành án Dân sự”- một giải pháp cực kỳ hữu ích cho chấp hành hiên thi hành án dân sự. Chỉ với niềm đam mê tin học, anh  Nhơn tự bỏ tiền theo học các khoá sửa chữa máy, lập trình cũng bởi “thấy Cục và các chi cục không có kĩ thuật viên, mỗi lần máy móc hư hỏng không biết làm sao”, thật là một động cơ hết sức trong sáng, bình dị nhưng cao đẹp biết bao. Chỉ bằng một phần mềm, anh Nhơn đã giúp những người làm thống kê thi hành án dân sự không phải mất từ 3 -5 ngày chỉ để cộng số liệu, mà chỉ cần nhập liệu rồi nhấp chuột là xong, vừa nhẹ nhàng, nhanh chóng vừa cực kỳ chính xác. Hãy nghe anh tỏ bày: “Tôi làm vì lòng yêu nghề, vì muốn hết mình cho công tác THA địa phương ”. Khi bỏ phiếu chọn tác phẩm này đạt giải Nhì, một thành viên Hội đồng Giám khảo đã nhận xét: “Đây thực sự là một tấm gương hết lòng vì ngành tư pháp, đam mê khoa học kỹ thuật mới và nhờ sự kết hợp tuyệt vời ấy mà ngành tư pháp có được một phần mềm hữu dụng, vừa giúp tháo gỡ một phần khó khăn trong công tác thi hành án dân sự vừa là lời cổ vũ ứng dụng những thành tựu khoa học mới nhất cho công tác tư pháp.”

Vinh danh và cổ vũ ngành Tư pháp

Cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” không chỉ là một dịp tôn vinh, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình trong ngành Tư pháp mà thực sự, đã trở thành một dịp khẳng định vai trò, vị trí của công tác tư pháp trong xã hội; vinh danh và cổ vũ toàn ngành tư pháp tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa trong chặng đường mới vì một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với gần 200 tác phẩm dự thi và  gần 70 tác phẩm được chọn lọc, đăng tải trên các số báo Pháp luật Việt Nam ra hàng ngày, bạn đọc trong và ngoài ngành còn được làm quen với rất nhiều tấm gương khác đang từng ngày, từng giờ mang tâm huyết và trí tuệ của mình đóng góp cho sự nghiệp tư pháp. Đó là chị Út Mười- cán bộ Tư pháp - hộ tịch xã Long Chánh, thị xã Gò Công, Tiền Giang  luôn “muốn được đi công tác thực tế nhiều hơn để được nghe và được chia sẻ những trăn trở bức xúc của bà con thông qua những buổi hòa giải, những cuộc tuyên truyền pháp luật,những đợt vận động xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư nông thôn…” Đó là A Phong - cán bộ Tư pháp xã Đắk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đều tận tình giải thích rõ ràng, hòa giải thành công, tham mưu giải quyết thấu đáo, làm người đồng bào dân tộc thiểu số rất ưng cái bụng,  thường trìu mến gọi A Phong là “Yàng(Vua) pháp luật”! Đó là chị Phạm Thị Hương trẻ trung, xinh đẹp và nhẹ nhàng nhưng cũng là “thủ lĩnh” của một cơ quan thi hành án, từng cầm quân xông pha nhiều vụ án phức tạp nhưng luôn lấy thuyết phục là biện pháp nghiệp vụ cao nhất: “Trong mọi trường hợp tôi luôn cố vận động người phải thi hành án tự nguyện chấp hành. Ngẫm mà xem, đã phải mất tiền và tài sản theo bản án, giờ họ còn phải chịu thêm chi phí cưỡng chế nữa, lấy đâu ra? Cơ quan Thi hành án không thu được mà đương sự nhiều khi không hiểu, lại thêm phần bức xúc”. Đó là chị Đoàn Thị Thanh Ngân - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), hoà giải viên xã Vũ Lạc, TP Thái Bình đã 30 năm làm người “giữ lửa” cho mái ấm của nhiều gia đình: “Làm hoà giải chỉ nhiệt tình thôi thì chưa đủ, phải cần có kiến thức xã hội và pháp luật, thêm vào đó phải có uy tín trong cộng đồng dân cư thì mình nói mọi người mới nghe theo, mới làm theo. Đặc biệt, làm hoà giải cũng phải dũng cảm nữa vì nghề này cũng “nguy hiểm” lắm!”v.v…Rất nhiều, rất nhiều những tấm gương sáng, những tấm lòng tâm huyết với nghề tư pháp vừa khô, vừa khó, vừa khổ như thế đã được các cây bút chuyên và không chuyên trong và ngoài ngành phát hiện, biểu dương. Họ chính là những “bông hoa đẹp” trong “rừng hoa” Tư pháp Việt Nam nói riêng và trong “rừng hoa” thi đua yêu nước nói chung.

Có thể nói, cuộc thi viết “Gương sáng Tư pháp” lần thứ nhất đã thành công với những bất ngờ lớn và hoàn toàn có thể tin tưởng, ở những cuộc thi viết sau, sẽ có nhiều, nhiều hơn nữa những tấm gương sáng như thế…/.

Chí Công

A. GIẢI NHẤT:

1. Một “cánh chim đầu đàn” (Hải Dương), Tác giả: Thu Hằng – Xuân Hoa

 

B. GIẢI NHÌ:

2. Người nói chuyện với…tử thi   (Vĩnh Phúc), Tác giả: Hà Thu;

3. Giải pháp hữu ích cho chấp hành viên (Bình Dương), Tác giả: Ngọc Mai- Ngọc Quý

 

C. GIẢI BA:

4. Mấu chốt là ở tuyên truyền tốt  (Khánh Hòa), Tác giả: Đặng Hữu Tý;

5.”Yàng pháp luật” ở Kon Tum, Tác giả: Hoàng Cư;

6. Mặn mà duyên…nữ Trưởng Thi hành án (Phú Thọ), Tác giả: Đông Bình;

7. Ba mươi năm làm người giữ lửa (Thái Bình), Tác giả: Quỳnh Lưu

 

D. GIẢI KHUYẾN KHÍCH:

8. “Út Mười” – Nữ cán bộ tư pháp giỏi (Tiền Giang), Tác giả: Lê Thanh Hùng;

9. Ông Giám đốc của dân  (Điện Biên), Tác giả: Ngọc Trìu;

10. Người khéo dân vận (Lâm Đồng), Tác giả: Ngô Nhã Thụy Ca;

11. Chân dung một nữ Cục trưởng (Bộ Tư pháp), Tác giả: Hoàng Thư;

12. Bà Toán hòa giải  (Hòa Bình), Tác giả: Mai Huệ;

13. Lửa tuổi trẻ nơi vùng cao biên giới (Quảng Trị), Tác giả Tân Tuấn Hiệp;

14. Chi cục trưởng miền gió Lào cát trắng (Quảng Bình), Tác giả: Võ Xuân San


Chí Công