Người của hòa thuận
Tổ 21, nơi bà Toán sinh sống, đất rộng nhưng cằn cỗi. Cả tổ còn 16/50 hộ sống chung 3 thế hệ, vì chưa có điều kiện làm nhà riêng. Thu nhập của nhiều người chỉ từ làm vườn, chăn nuôi nên cuộc sống bấp bênh, khiến người ta dễ bí bức, dễ phát sinh mâu thuẫn...
Về hưu, bà được bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ 21. Chồng bà không may qua đời vì tai nạn giao thông đã hơn chục năm, con cái lớn khôn cả, nên xóm giềng có chuyện buồn, chuyện vui, bà đều chia sẻ. Ban đầu, việc hoà giải của bà chỉ là gặp gỡ đôi bên có mâu thuẫn, khuyên họ điều hay, lẽ phải.
Khi Tổ hoà giải được UBND phường công nhận "danh chính, ngôn thuận", bà Toán được tham gia một số lớp tập huấn kiến thức pháp luật do UBND phường và Phòng Tư pháp thành phố tổ chức, được UBND phường, Chi bộ đảng tổ dân phố khuyến khích, nên bà càng nhiệt tình hơn. Nhiều vụ việc mất đoàn kết kéo dài từ trong gia đình đến xóm giềng, gây bức xúc trong nhân dân, bà Toán đã cùng với thành viên Tổ hoà giải, Chi hội phụ nữ, Cựu chiến binh tìm hiểu kỹ nguyên nhân, giải quyết dứt điểm để giữ đoàn kết trong tổ.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh Tổ, bà khoe: Năm 2006 và 2007, Tổ dân phố 21 đã tự nguyện ủng hộ kinh phí để bê tông hoá đường đi chung và xây nhà văn hoá ở tổ (hộ ủng hộ cao nhất cho mỗi công trình là gần 3 triệu đồng; thấp nhất cũng gần 1 triệu đồng), nên việc sinh hoạt của nhân dân thuận tiện hơn rất nhiều. Bà Toán cũng chỉ cho chúng tôi "hiện trường" các vụ tranh chấp phức tạp mà bà và tổ hòa giải 21 đã hòa giải thành công.
Vụ mẹ chồng mang con dâu trả về nhà cha mẹ đẻ, làm sứt mẻ tình cảm mẹ- con, vợ- chồng, quan hệ thông gia là một ví dụ. Nguyên do cô con dâu thiếu sự chăm sóc của gia đình từ nhỏ, nên tính tình ngang ngạnh, hay cáu bẳn, nói năng thiếu lễ phép. Con trai là lao động chính, mải kiếm sống, không còn thời gian quan tâm đến mẹ, chấn chỉnh vợ khi có việc làm sai trái. Mẹ chồng, tuy là cán bộ nghỉ hưu, nhưng bảo thủ, áp đặt, lại hay kể xấu con dâu. Qua nhiều lần gặp gỡ các cả gia đình, tổ hoà giải đã phân tích lý, tình. Con dâu nhận ra lỗi của mình và lần đầu tiên, cô đã nói lời xin lỗi mẹ chồng. Anh con trai nhận ra sự vô tâm của mình đối với mẹ, với vợ, hứa khắc phục để gia đình hòa thuận. Mẹ chồng, tuy chưa nhận cái sai của mình, nhưng sau đó, các thành viên tổ hoà giải thường xuyên thăm hỏi, trò chuyện, giúp bà giải tỏa tâm lý. Giờ đây, gia đình bà đã yên ấm trở lại.
Vụ mâu thuẫn giữa hai nhà liền kề, thân nhau lắm, một ngày kia bỗng chửi nhau ầm ĩ, rồi gây thương tích cho nhau. Công an phường có mặt, hai bên phải ký biên bản để bồi thường, nhưng mâu thuẫn vẫn âm ỉ kéo dài mấy năm. Thì ra, hơn hai chục năm trước, đất ở đây rẻ, chưa có "bìa đỏ", nên mua bán cũng đơn giản. Chủ đất chỉ đo đại khái, viết giấy bán 500 m2(không qua UBND phường), khi cắm mốc còn cho thêm nhiều m2. Năm 2000, Nhà nước kiểm đếm để cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, bên bán thấy bên mua ghi diện tích 674,9m2, cũng không có ý kiến gì. Khi giá đất từ chỗ 50.000 đồng/m2, nay tăng gấp 7, 8 lần nên bên bán muốn đòi lại phần đất trước đây đã "cho". Bên mua vội xây nhà, bên bán cũng xây tường, mâu thuẫn cứ nóng hừng hực. Tổ hoà giải 21 đề nghị UBND phường cử cán bộ địa chính đến cùng giải quyết. Lý và tình được đưa ra: Giấy mua bán hai bên thoả thuận viết tay từ năm 1984, không có dấu và chữ ký của cơ quan có thẩm quyền, chỉ dùng để tham khảo. Bên mua được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2000, bên bán đã biết, giờ mới đòi lại đất là sai. Ranh giới hai bên đã xây nhà, tường rào được công nhận là đúng. Cho đến giờ, hai gia đình chưa nối lại tình cảm, nhưng cũng không cãi nhau nữa…
Vụ gần nhất, ông Kh. (tổ 21) và bà K. (tổ 19) cãi vã, xô xát lớn vì tranh chấp cây gỗ lát trên rẻo đất giáp ranh (không thuộc đất hai nhà, cũng không được thể hiện trên bản đồ địa chính của phường). Phương pháp giải quyết là: Thời gian trồng cây hai bên đưa ra khác nhau, nên mời Kiểm lâm đến xác định tuổi cây, chính xác với thời gian trồng cây của ai, người đó được nhận cây gỗ, người kia phải trả chi phí xác định tuổi cây. Nếu cả hai đều không chính xác, thì cùng chịu phí tổn, và không ai được sở hữu cây gỗ…Ông Kh. và bà K. không tranh chấp, quay ra cùng xin mua cây gỗ để sử dụng (tiền bán gỗ tặng 2 tổ dân phố làm quỹ). Để tránh phát sinh mâu thuẫn mới, tổ hoà giải mời người thứ 3 đến mua gỗ (thu tiền mặt tại chỗ được 1.650.000 đồng, chuyển luôn cho 2 tổ dân phố) và giám sát việc chặt gỗ. Vậy là hết tranh chấp..
“Bí quyết” thật đơn giản
Nói về "bí quyết" hoà giải, bà Toán cho rằng: "Hoà giải viên phải hiểu biết nhất định về pháp luật, nắm được tâm lý của đối tượng mà mình sẽ tiếp xúc khi hoà giải; nắm rõ bản chất của sự việc mâu thuẫn, đặc biệt phải công tâm, khách quan khi hoà giải thì các bên tranh chấp mới "tâm phục, khẩu phục" mà hóa giải mâu thuẫn". Nghe đơn giản vậy, nhưng để có kết quả hoà giải thành công các vụ việc này, bà Toán và tổ hoà giải đã mất rất nhiều công sức, mà nếu không tâm huyết, chắc sẽ chẳng ai nhiệt tình đến vậy. Sự đóng góp của bà Toán đã được UBND phường, UBND thành phố Hoà Bình ghi nhận, khen thưởng. Năm 2008, bà được UBND tỉnh Hoà Bình tặng Bằng khen về thành tích 10 năm thực hiện tốt công tác hoà giải (1999- 2008).
Chia tay với bà Toán, chúng tôi mang theo nụ cười tươi tắn của bà cùng lời khoe: Hiện UBND phường Chăm Mát đã có chế độ thanh toán thù lao cho tổ hoà giải theo vụ việc, như vậy, hoạt động hoà giải ở cơ sở ngày càng được quan tâm, ghi nhận. Nhưng bà mong, tổ hoà giải của mình "thất nghiệp", đồng nghĩa với việc: Tình đoàn kết trong gia đình, xóm giềng trong tổ 21 của bà sẽ bền chặt lắm./.
Mai Huệ