30 năm làm người “giữ lửa”

29/06/2010
Ấn tượng ban đầu về chị Đoàn Thị Thanh Ngân - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), hoà giải viên xã Vũ Lạc, TP Thái Bình là dáng người to khoẻ, giọng nói trầm ấm và gương mặt đầy quả cảm. Tiếp xúc với chị, tôi càng hiểu vì sao bà con xã Vũ Lạc (TP Thái Bình) lại kính trọng và tin yêu người phụ nữ này đến thế.

“Alô, chị Ngân đây…”

Chỉ cần nghe giọng nói hiền hậu, ấm áp của người phụ nữ này đã cảm thấy yên tâm và tin cậy.

Có phải vì thế mà điện thoại di động của chị liên tục đổ chuông tựa một đường dây nóng? Chị Ngân cười lý giải rằng vì chị làm công tác hội phụ nữ đã rất bận rộn, lại tham gia tổ hoà giải cũng “trăm dâu đổ đầu tằm”, rồi điện thoại hỏi về vay vốn xoá nghèo, tư vấn về hôn nhân gia đình, tư vấn pháp luật.v.v. Từ ngày làm khách mời của chương trình “Những phụ nữ vượt lên số phận” của VTV1 Đài truyền hình Việt Nam, chị Ngân còn được độc giả cả nước điện thoại sẻ chia, tâm sự. Bận rộn nhưng chị rất vui, quên hết mọi vất vả và mệt nhọc. Đúng vậy, 30 năm gắn bó với công tác hội phụ nữ cơ sở và công tác hoà giải, chưa khi nào chị Ngân cảm thấy mệt mỏi cho dù cuộc sống của chị còn muôn vàn khó khăn.

Vũ Lạc quê chị là một vùng quê nghèo ven đô, đất chật người đông, cận giang cận lộ. Nghe cái tên thì vui vẻ bình yên như thế nhưng vài năm trước đây, Vũ Lạc nổi lên như một “điểm nóng” về nạn bạo hành phụ nữ, trẻ em và sự đói nghèo, thiếu thốn cả vật chất lẫn kiến thức. Chị Ngân nhớ lại: Hồi đó, tổ hoà giải bận liên miên vì phải đi dàn xếp những vụ tranh chấp, trộm cắp vặt, chồng đánh vợ…

 Sổ hoà giải của chị còn ghi, trung bình mỗi năm ở Vũ Lạc có tới 76 vụ bạo hành gia đình, chủ yếu chồng đánh vợ. Sự đói nghèo, dốt nát, con đông nheo nhóc, vợ chồng không công ăn việc làm đã nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình và trong cộng đồng. “Làm thế nào để đẩy lùi thực trạng này, xây dựng mỗi gia đình ấm no hạnh phúc?” - đó là điều chị Ngân nung nấu.

Nói là làm, chị không quản khó khăn đi vận động các doanh nghiêp để Hội phụ nữ xã bảo lãnh cho các hộ phụ nữ nông dân tín chấp phân bón trả chậm và đặc biệt giúp chị em vay vốn xoá nghèo. Tính đến nay, Hội LHPN xã chị đã nhận trên 3 tỷ đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân giúp chị em phụ nữ vay vốn xoá đói giảm nghèo. Đồng thời, chị Ngân cũng tích cực xúc tiến thành lập các CLB phụ nữ ở cơ sở như CLB phòng chống bạo lực gia đình, phụ nữ với pháp luật, phụ nữ giúp nhau làm giàu… Dưới sự điều khiến của “nhạc trưởng” Đoàn Thị Thanh Ngân, các mô hình CLB này  hoạt động khá hiệu quả, là sân chơi để chị em và bà con trong thôn xã mở mang kiến thức và chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với nhau trên mọi lĩnh vực.           

*30 năm làm người giữ lửa

30 năm liên tục làm công tác hoà giải cơ sở, với chị Ngân có biết bao kỷ niệm, ân tình. Người dân xã Vũ Lạc gọi chị Ngân là người chia lửa từ trái tim mình đến mọi người để giữ cho mọi ngôi nhà luôn sáng và ấm lửa.

Ngoài sự tin yêu, kính trọng chị Ngân vì sự hiểu biết, tận tâm, người dân Vũ Lạc còn “mê tín” chị Ngân vì chị hoà giải rất “mát tay”, có vụ tưởng đã mười phần tan vỡ thế mà chị dàn xếp được yên ấm thuận hoà, không những thế còn giúp họ phát triển kinh tế. Chị “bật mí”: “Làm hoà giải chỉ nhiệt tình thôi thì chưa đủ, phải cần có kiến thức xã hội và pháp luật, thêm vào đó phải có uy tín trong cộng đồng dân cư thì mình nói mọi người mới nghe theo, mới làm theo. Đặc biệt, làm hoà giải cũng phải dũng cảm nữa vì nghề này cũng “nguy hiểm” lắm!”    

Không dũng cảm làm sao chị Ngân dám xông vào giải cứu những vụ phụ nữ trẻ em bị bạo hành và ngăn cản anh chồng say rượu, hung hãn đang cầm dao lăm lăm trong tay chửi bới, hành hung vợ con? Bằng vốn kiến thức pháp luật của mình, chị Ngân phân tích một cách thấu lý đạt tình cho đương sự hiểu và nhận thức được hành động sai trái của mình, mềm dẻo nhưng kiên quyết chị thuyết phục họ cam kết không tái phạm.

Chị Ngân phấn khởi cho biết: “Đến nay, không những đẩy lùi được nạn bạo hành mà Vũ Lạc còn thành lập được nhóm nam tuyên truyền viên phòng chống bạo lực gia đình với nòng cốt chính là những người trong cuộc đã được cảm hoá, giáo dục.” 

Câu chuyện của chúng tôi luôn bị gián đoạn vì điện thoại của chị vẫn liên tục reo. Nhưng không phải để nghe điện báo tới hoà giải, mà là điện thoại của bà con trao đổi về kinh nghiệm sản xuất mới, sẻ chia về cách gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con ngoan, học giỏi… Chị Ngân khoe, hiện xã không còn hộ nghèo nữa, phấn khởi hơn là chị em đều biết cách làm giàu, nuôi dạy con học hành.

Với sự nỗ lực vượt bậc của chị Ngân, xã Vũ Lạc là một trong những điểm sáng về phong trào phụ nữ cơ sở trong cả nước vinh dự được Trung ương Hội LHPN Việt Nam khen thưởng. Cá nhân chị cũng được nhận nhiều Bằng khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh Thái Bình về công tác hoà giải. Nhưng với chị Ngân, điều “kỳ diệu” nhất mà chị làm được là đã tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của những người dân với pháp luật, ý thức về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của mỗi cá nhân với gia đình và cộng đồng. Đến nay xã không còn hộ nghèo, không còn tình trạng đàn ông đánh vợ; phụ nữ Vũ Lạc bây giờ không chỉ đảm đang, biết làm giàu mà còn hiểu biết pháp luật nữa. 

* Đam mê với tư pháp cơ sở

Thời gian biểu của chị gần như kín đặc: giờ hành chính thì đầu tắt mặt tối với công tác của phụ nữ xã, giờ nghỉ chị Ngân lại tất bật với công tác ở CLB phụ nữ với pháp luật, CLB phòng chống bạo hành gia đình, hoà giải thôn. Bởi vậy, nhiều người hết sức bất ngờ và khâm phục khi biết mặc dù hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, vất vả nhưng chị Ngân đã biết vượt lên hoàn cảnh để công tác. Chồng là thương binh nặng hạng ¾ không có khả năng lao động nặng, con đông nên kinh tế gia đình chị cũng khó khăn chật vật. Thế nhưng, chị luôn mở rộng cửa giúp đỡ mọi người không chỉ về tình thần mà cả vật chất. Có bữa chị em bị bạo hành đến gõ cửa nhà chị xin tạm lánh, chồng chị thì giúp sơ cứu vết thương, các con lo cơm cháo giúp nạn nhân. Chính tình yêu và niềm đam mê với công việc hoà giải của chị đã lan toả tới chồng con và mọi người khiến ai cũng hào hứng, nhiệt tình chung tay cùng chị “vác tù và”.

“Mình có thế mạnh là cán bộ phụ nữ xã nên có điều kiện tiếp cận với các chủ trương chính sách, cập nhật các các văn bản quy phạm pháp luật. Khi bà con có vướng mắc tìm đến là mình có thể tư vấn, nếu tình huống khó mình ghi chép lại vào sổ rồi đi hỏi giúp. Nhờ giúp mọi người mà mình được mở mang tầm hiểu biết pháp luật ra nhiều.” Nghe những lời bộc bạch chân thành, nhìn những cống hiến tận tuỵ hết mình, hào phóng và vô tư của chị cho bà con thôn làng, cho công tác hoà giải khiến tôi hiểu ra một điều giản dị mà thiêng liêng: Đó chính là tình yêu, niềm đam mê đối với tư pháp cơ sở.

Quỳnh Lưu