“Út mười” - Nữ cán bộ tư pháp xã giỏi

25/06/2010
Đất nước được hoà bình bao nhiêu năm, thì chị cũng đã được ngần ấy tuổi. Trưởng thành sau năm 1975, may mắn sống trong hòa bình, chị Phạm Thị Mười (Út Mười), cán bộ Tư pháp - hộ tịch xã Long Chánh, thị xã Gò Công, Tiền Giang luôn phấn đấu vươn lên, sống có lý tưởng, có hoài bão, có trách nhiệm.

“Thương ai 12 bến nước…”

Là con gái út trong một gia đình nông dân “nòi” nhưng chị đã sớm “bén duyên” với ngành Tư pháp ngay từ khi rời chiếc ghế nhà trường trung học phổ thông, rồi chính thức được tuyển dụng vào ngành sau khi tốt nghiệp khoá trung cấp Luật. Khi ấy, chị vừa tròn 22 tuổi và đây cũng là cái tuổi vinh dự chị được đứng chân vào hàng ngũ Đảng CSVN.

Nhớ lại những ngày đầu vào ngành, mặc dù bên cạnh đồng nghiệp toàn là “đàn anh, đàn chị”, nhưng chị rất chịu khó vừa công tác, vừa trau dồi, tích lũy kinh nghiệm, lại biết tranh thủ sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp trên. Bên cạnh “lợi thế” ấy, tổ ấm gia đình là điểm tựa vững chắc cũng giúp chị ngày càng tiến bộ về mọi mặt trong công tác.

 “Thương ai 12 bến nước…” mà ai đó ví von về cán bộ tư pháp xã cũng thật xác đáng bởi trong nhiều năm qua, họ mang trên vai 12 nhiệm vụ. Cùng thế hệ, lại vừa là đồng nghiệp nên hơn ai hết, tôi dễ cảm thông về “nỗi đa đoan” của cán bộ ngành mình như chị.

Cũng như bao đồng nghiệp khác, với chị, bên cạnh thời gian phải “loay hoay” với công tác hộ tịch, chứng thực thì việc đảm đương các nhiệm vụ tư pháp còn lại là một “gánh nặng”, bởi đó là những nhiệm vụ cũng tốn kém rất nhiều thời gian và công sức, nhất là đối với những nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự phối hợp của tập thể như công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), công tác hoà giải,…mà chỉ những ai có tâm huyết với nghề như chị mới có thể “bám trụ” thực hiện được đến nơi đến chốn. Hơn thế nữa, Long Chánh là một xã nghèo của thị xã, lại giáp ranh với 2 xã Yên Luông và Thành Công thuộc huyện Gò Công Tây và cũng là những xã nghèo của huyện. Trước đây, tình hình ANTT - ATXH trên địa bàn khá phức tạp, các tệ nạn xã hội dễ phát sinh, những mâu thuẫn xích mích trong nội bộ cộng đồng dân cư xảy ra không ít…Trong phạm vi chức trách của mình, ngoài thời gian biểu tập trung cho công tác chuyên môn trên bàn giấy và công tác tiếp dân tại công sở, chị muốn được đi công tác thực tế nhiều hơn để được nghe và được chia sẻ những trăn trở bức xúc của bà con - thông qua những buổi hòa giải; những cuộc tuyên truyền pháp luật; những đợt vận động xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư nông thôn,…

Vượt lên chính mình…

Hơn 10 năm gắn bó với ngành, lặng lẽ và bền bỉ, chị đã không ngừng nỗ lực trong vai trò thường trực Hội đồng Phối hợp công tác PBGDPL xã, tham mưu tổ chức phối hợp thực hiện có bài bản và đồng bộ các Chương trình PBGDPL theo từng giai đoạn của Thủ tướng Chính phủ. Các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đều được chuyển tải sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Ý thức pháp luật trong nhân dân ngày càng được nâng cao, số vụ vi phạm pháp luật phát sinh trên địa bàn ngày càng giảm đáng kể.

Đặc biệt, chị là người rất nhiệt tình trong công tác hòa giải. Chị tâm sự: “Những mâu thuẫn khi chưa đến mức độ gay gắt nếu được can thiệp, vận động kịp thời thì khả năng hàn gắn sẽ cao. Ngược lại, những xích mích dù nhỏ, nếu không hòa giải kịp thời thì sớm muộn gì cũng sẽ hình thành mâu thuẫn lớn, từ tranh chấp thuần túy dân sự có thể sẽ trở thành vụ án hình sự…”. Điểm “lợi thế” ở chị trong công tác này là biết tận dụng khéo léo những tình cảm quý mến của bà con để thuyết phục họ trên cơ sở vận dụng những phong tục tập quán, những quy định của pháp luật một cách phù hợp vào quá trình phân rõ cái đúng, cái sai, tháo gỡ từng nút rối, từng mối bất hòa trong từng vụ việc…

Có lẽ, cũng nhờ những kỹ năng, những “vốn sống” hòa giải, hộ tịch phong phú ấy nên chị chắt lọc thành những tiểu phẩm sân khấu và đều gây được nhiều cảm tình nhất trong Ban Giám khảo tại các Hội thi “Hòa giải viên giỏi”, “Hộ tịch viên giỏi” của ngành.

Cô em “út” của ngành Tư pháp thị xã Gò Công hôm qua, bằng những nỗ lực không ngừng của sức trẻ, nay chị đã vượt trội toàn diện trong công tác. Chị rất xứng đáng là cán bộ Tư pháp - hộ tịch cơ sở tiêu biểu của đơn vị thị xã liên tiếp được tuyên dương tại Đại hội điển hình tiên tiến ngành Tư pháp tỉnh Tiền Giang lần I/2005 và lần II/2010. Đây là những “thành quả lao động” quý giá tạo thêm sức mạnh cho chị tiếp tục phấn đấu học tập và gắn bó với ngành Tư pháp.

Lê Thanh Hùng