Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án là quyền hạn của chấp hành viên. Thế nhưng, có một chấp hành viên chưa hề phải sử dụng đến quyền này mà vẫn đảm bảo được việc thi hành án. Đó là anh Chế Đình Châu – chấp hành viên Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
“Nói phải, củ cải cũng nghe”
Hơn 10 năm trước, mới chân ướt chân ráo về nhận công tác, anh Châu được phân công tham gia ghi biên bản một vụ cưỡng chế thi hành án. Chứng kiến tường tận sự việc anh hiểu rằng, đây là biện pháp cần thiết để giữ nghiêm kỷ cương phép nước.
Nhưng liệu có cách nào để tránh được cưỡng chế? Bởi vì, dù bên phải thi hành án có ngoan cố đến đâu thì cuối cùng không những bản án vẫn được thực thi nghiêm túc mà họ còn phải gánh thêm khoản chi phí cưỡng chế không đáng có. Nếu được giải thích thấu đáo hẳn họ phải nghe ra mà không cản trở việc thi hành án (ông bà ta dạy “Nói phải củ cải cũng nghe” kia mà!). Băn khoăn ấy đeo đẳng anh mãi...
Ngày nhận quyết định bổ nhiệm chấp hành viên, anh tự hẹn với mình, sẽ gắng hạn chế tối đa việc cưỡng chế thi hành, thay vào đó là vận động, thuyết phục, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đương sự tự nguyện chấp hành bản án. Và anh bình tĩnh đối đầu với thử thách đầu tiên: Theo bản án ly hôn, anh A. được sở hữu căn nhà gỗ tọa lạc trên đất của cha mẹ; chị B, được nhận một nửa giá trị của căn nhà, nhưng anh A viện cớ không có tài sản để lần lữa không thực hiện.
Cất công tìm hiểu anh Châu biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc ly hôn của hai người là mâu thuẫn giữa chị B, với mẹ chồng, còn anh A là người phụ thuộc vào mẹ, nhất nhất mọi việc đều nghe lời mẹ. Như thế, chính bà mẹ mới là người quyết định việc thi hành bản án chứ không phải con trai bà. Khéo léo tiếp xúc với mẹ anh A, anh hướng cho bà thấy hậu quả có thể xảy ra là buộc phải thảo dỡ nửa căn nhà chia cho chị B, tất yếu xảy ra thiệt hại cho con trai bà; về tình, mặc dù chị B không còn là dâu con trong nhà nhưng 2 đứa con chị trực tiếp nuôi dưỡng vẫn là cháu nội, là máu mủ ruột rà của gia đình bà, việc chi nhận số tiền đó cũng chỉ là góp thêm điều kiện giúp chị chăm sóc 2 đứa cháu nội của bà được tốt hơn mà thôi. Tỉ tê trò chuyện, bà cụ dần nghe ra và đã hỗ trợ con trai thanh toán đầy đủ cho người vợ cũ.
Thành quả đầu tay ấy là sự khích lệ lớn lao, giúp anh thêm tự tin vào hướng đi đã chọn.
Gần 4 năm đảm nhiệm cương vị chấp hành viên, anh Châu đã tổ chức thi hành được hàng nghìn việc, không phải việc nào cũng suôn sẻ nhưng nhờ làm tốt việc thuyết phục, động viên nên chưa lần nào anh phải sử dụng đến biện pháp cưỡng chế. Theo anh thì, mọi trường hợp không tự nguyện thi hành án đều có nguyên nhân riêng (đa phần là do không hiểu luật, hoặc vì tự ái, sĩ diện...) còn trong sâu thẳm thì bất cứ ai cũng có sự kiêng nể, e dè trước sự nghiêm khắc của luật pháp.
Vấn đề đặt ra là phải tìm cho ra nguyên nhân, thấy được nguyên nhân xử lý dứt điểm nguyên nhân là nắm được thành công. Nghe thì đơn giản nhưng đó là cả một quá trình mà người chấp hành viên phải biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa mềm mỏng và kiên quyết, giữa nguyên tắc và linh hoạt... làm cho đương sự chuyển hóa từ bất hợp tác sáng hợp tác, từ chống đối sang đồng thuận.
Không chỉ gặp gỡ, làm việc riêng với đương sự mà nhiều khi chấp hành viên còn phải tác động đến người thân của đương sự, bàn bạc với chính quyền nơi đương sự cư trú, cơ quan nơi đương sự làm việc đẻ cùng phối hợp vận động; không chỉ đơn thuần giữ cương vị của người tổ chức thi hành bản án mà có lúc người chấp hành viên còn phải đảm nhận vai trò tư vấn để trao đổi, gợi ý họ nên sử dụng tài sản nào để thi hành án một cách thuận tiện và có lợi nhất.
Lòng yêu nghề sẽ tôn vinh nghề nghiệp
Chấp hành viên là nghề vất vả, có người xem đây là nghề bạc bẽo “nghề đòi nợ”, nhưng theo anh Châu, đối với nghề nào cũng vậy nếu biết yêu nghề thì chẳng bao giờ nghề phụ người, chính lòng yêu nghề sẽ tôn vinh nghề nghiệp. Trong công việc thi hành án, khi hóa giải được sự đối đầu giữa các bên, giúp cho bên được thi hành cảm thấy hài lòng, bên phải thi hành cảm thấy nhẹ nhõm là người chấp hành viên đã bồi đắp tính nhân văn cho nghề nghiệp của mình.
Trong núi công việc lặng thầm của người chấp hành viên, anh nhận được sự quý trọng, cảm mến không chỉ của bên được thi hành mà cả bên phải thi hành, vì bằng sự tận tụy của anh hộ biết là anh đã thực thi nhiệm vụ với tất cả sự vô tư, khách quan và đúng luật pháp, với anh đó là một phần thưởng vô giá, một hạnh phúc lớn lao không có gì sánh nổi.
Anh tự nhận mình là người gặp nhiều may mắn, lại có đôi chút kinh nghiệm sống nên có nhiều thuận lợi trong công tác, nhưng tôi hiểu rằng, nếu không yêu nghề, không tâm huyết với công việc thì anh không thể nào có được những thành công như thế.
Thủ trưởng cơ quan nhận xét anh là chấp hành viên có năng lực tốt, có tinh thần trách nhiệm cao, đồng nghiệp thì tặng anh biệt danh “cán bọ dân vận”. Anh – người chấp hành viên có cái tâm trong sáng hoàn toàn xứng đáng với những đánh giá tốt đẹp và trìu mến đó.
Ngô Nhã Thụy Ca