“Phần mềm Tin học hoá thống kê Thi hành án dân sự”: Giải pháp hữu ích cho chấp hành viên

01/07/2010
Có một cán bộ nhận được sự yêu quý của đồng nghiệp tại Cục Thi hành án Dân sự và các Chi cục trong toàn tỉnh Bình Dương. Người ấy, dù không trực tiếp phụ trách công việc của một chấp hành viên (CHV), nhưng với tâm huyết, nỗ lực và sáng tạo của mình, anh đã giúp công việc của các CHV tiện lợi hơn gấp bội.

Người cán bộ mà chúng tôi muốn nói là anh Nguyễn Thành Nhơn, cán bộ kĩ thuật Cục Thi hành án (THA) Dân sự  tỉnh Bình Dương. Suốt ba năm mày mò sáng tạo, anh Nhơn đã viết ra chương trình phần mềm Tin học hoá thống kê thi hành án dân sự. Mới đây nhất, trong chuyến công tác tại Cục THA, biết được sự tiện lợi của phần mềm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đã khen ngợi và yêu cầu xem xét nghiên cứu nhân rộng cho cả nước.

Cảm nhận sự gian nan!

Khi được hỏi động lực thúc đẩy tìm tòi và viết nên phần mềm Tin học hoá thông kê THA, Kĩ thuật viên Nguyễn Thành Nhơn trả lời đơn giản như thế (thấy CHV gian nan qua!). Sinh năm 1970, bắt đầu công tác tại Cục THA năm 1993 với công việc kế toán, với niềm đam mê tin học, anh  Nhơn tự bỏ tiền theo học các khoá sửa chữa máy, lập trình, cũng lý do là “thấy Cục và các chi cục không có kĩ thuật viên, mỗi lần máy móc hư hỏng không biết làm sao”.

Thời gian làm việc tại Cục, tiếp xúc với công việc của CHV, anh  nhận thấy,. ngoài việc chịu nắng, chịu gió đến làm việc với đương sự, điều mà CHV “hãi” nhất là phải “đánh vật” với con số báo cáo mỗi tháng. Đây lại là khâu không thể thiếu trong công việc hàng tháng của mỗi CHV, và việc thống kê THA - điều tra, báo cáo, tổng hợp, phân tích và công bố các thông tin THA nhằm phản ánh khối lượng công việc phải thực hiện, đã thực hiện và chưa thực hiện của CHV trong kì báo cáo có vai trò quan trọng trong quản lý chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo cơ quan THA.

Từng được giao tổng kết báo cáo số liệu thống kê, anh biết rằng, công việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng hoá ra tiêu tốn thời gian, công sức rất nhiều. Đó là chưa nói đến hệ thống biểu mẫu hiện hành gồm: 12 biểu dùng cho Cục THA dân sự tổng hợp số liệu toàn tỉnh; 10 biểu dùng cho Cục và các Chi cục và 8 biểu dùng cho CHV.

Ngoài ra, để hoàn chỉnh số liệu báo cáo bằng cách cộng tay trên biểu mẫu, mỗi một CHV phải hao tốn từ 3 đến 5 ngày mới xong. Theo anh Nhơn, việc tổng hợp thủ công rất dễ dẫn đến sai sót về số liệu, khó lòng chính xác 100% so với thực tế. Đó là chưa kể đến lượng việc ở các Chi cục THA còn nhiều và tỉ mỉ hơn, tỉ lệ sai sót còn lớn hơn nhiều.

Trước tình hình đó, anh  nghĩ mình phải làm “một cái gì đó” để giúp CHV đỡ phần cực nhọc, và công tác báo cáo thống kê THA dân sự chính xác hơn. Ba năm, kể từ ngày được lãnh đạo Cục giao nhiệm vụ làm công tác thống kê công việc THA Dân sự toàn tỉnh, cũng là 3 năm anh vừa cố gắng hoàn thành tốt công việc, vừa theo học các khoá lập trình và tìm tòi nhằm sáng tạo ra một phần mềm có tính ứng dụng cao. Anh kể, có những đêm để tìm hướng đi của công thức, anh phải ngồi ở công viên cạnh nhà gần thâu đêm…

Cuối cùng, vào tháng 9/2009, niềm vui như vỡ oà đối với anh, chương trình phần mềm Tin học hoá thống kê THA dân sự ra đời, sau khi cho “chạy”  thử nghiệm, phần mềm đã chính thức được áp dụng trong công tác thống kê THA dân sự tại Cục THA. Niềm vui như được nhân đôi khi phần mềm phát huy tối đa hiệu quả của nó, công việc mà người CHV phải làm là nhập số liệu hàng ngày, và cuối tháng, muốn có báo cáo chỉ nhập công thức đơn giản:  Tổng số thụ lý = Số uỷ thác + số THA, và… in báo cáo.

“Người xưa nay hiếm”!

CHV Nguyễn Thị Trúc Lam bộc bạch: “Sau khi chương trình phần mềm Tin học hoá thông kê THA Dân sự được áp dụng, công việc làm báo cáo thông kê của CHV trở nên nhẹ nhàng hẳn. Ngoài ra, với phần mềm này, CHV không được phép dồn công việc đến cuối tháng, mà ngày nào phải giải quyết xong ngày đó”. Riêng bà Võ Ngọc Huệ, Phó Cục trưởng Cục THA Bình Dương nhận xét: “Với việc áp dụng phần mềm này chúng tôi rất yên tâm, số liệu báo cáo thông kê hoàn toàn chính xác, mọi sự làm dối, chây ì đều được phát hiện, khiến CHV luôn phải có trách nhiệm và trung thực hơn với các số liệu báo cáo của mình”.

Bà Huệ cũng cho biết, anh Nhơn là người yêu công nghệ, và rất tâm huyết với ngành, luôn muốn trau dồi tri thức của mình để phục vụ tốt cho công tác THA. Hiện, anh vừa làm việc tại Cục, vừa theo học khoá Lập trình viên do tỉnh tổ chức. Hầu hết các Chi cục THA các huyện, nhất là huyện xa đang thiếu trầm trọng Kĩ thuật viên chuyên lo về máy móc, công nghệ, anh chính là người duy nhất đang đảm nhiệm công việc ấy - rong ruổi đi về các huyện, có ngày đi hàng trăm cây số để sửa máy, cài đặt phần mềm… mà không nhận thêm đồng nào ngoài lương.

Được biết, lãnh đạo tỉnh đã đề nghị khen thưởng anh Nhơn vì sáng tạo trên, nhưng anh từ chối, với lý do “chương trình còn chưa hoàn thiện, và tôi còn phải nỗ lực hơn nhiều”.

Năm 2009, anh Nhơn được lãnh đạo Cục trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Tại Hội nghị tổng kết ngành gần đây, anh cũng được đọc tham luận trước hội nghị về kết quả sáng tạo của mình. Một số đơn vị THA tỉnh khác cũng đã ngỏ lời “mua” lại phần mềm, nhưng anh Nhơn chưa đồng ý, với lý do, anh muốn hoàn thiện chương trình hơn nữa, và áp dụng hiệu quả ngay trên quê hương của mình trước.  Theo dự kiến của Cục THA Bình Dương, trong năm 2010, chương trình Tin học hoá thông kế THA dân sự sẽ được mở rộng sử dụng trong công tác thống kê THA Dân sự trên địa bàn của toàn tỉnh.

Dáng người nhỏ, giọng nói mộc mạc, mọi suy nghĩ và hành động của anh Nhơn đều mang tính chân thành, giản dị của người Nam bộ. “Tôi làm vì lòng yêu nghề, vì muốn hết mình cho công tác THA địa phương ” – anh Nhơn tâm sự. Giản dị, có tâm, hết lòng vì công việc… đó là những gì chúng tôi cảm nhận được ở người cán bộ này.

Ngọc Mai - Ngọc Quý