Lửa tuổi trẻ nơi vùng cao biên giới

05/07/2010
Hơn mười năm bám trụ huyện miền núi nghèo, đồng lương công chức eo hẹp vẫn chẳng đủ để chị trang trải cuộc sống. Dẫu vậy, lửa tuổi trẻ luôn rạo rực trong tim nữ chuyên viên phòng Tư pháp huyện Đakrông – Trương Thị Tố Uyên (1977). Chị tâm nguyện: “Mảnh đất nào còn vất vả, ở đấy người dân mới thực sự cần đến mình”.

Đâu cần thanh niên có

Thỉnh thoảng gặp lại bạn cũ, giờ là ông này, bà nọ; tiền bạc dư dả, chị Uyên thoáng chạnh lòng. Hơn mười năm trước, nếu không tự nguyện đến mảnh đất được ví là “thâm sơn, cùng cốc” này có lẽ cuộc sống chị giờ đã khác. Thế nhưng, nữ chuyên viên tư pháp vẫn một lòng, một dạ hướng về miền quê nghèo: “Nếu trở lại quá khứ, mình vẫn chọn mảnh đất cằn cỗi này. Người dân ở đây còn vất vả lắm. Họ thực sự rất cần kiến thức pháp luật, cần đến chúng mình”.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất tụ hội ba dân tộc Kinh – Vân Kiều – PaKô, chị Uyên thấm thía nỗi vất vả vì lẽ thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật của người dân. Mắt chị từng chứng kiến cảnh: một số người sa vào vòng lao lý vẫn tròn mắt chẳng hiểu nguyên do; những ông già, bà lão cả đời chưa biết đến tấm giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn… “Lỗ hổng” này đẩy họ vào vòng luẩn quẩn: Không biết – Vi phạm pháp luật – Không hiểu lý do – Rõ điều này, lại vi phạm điều kia. Thực tế đáng trăn trở khiến mong ước trở thành người “cõng” kiến thức luật pháp về với bà con sục sôi trong tim chị.

Sau bốn năm đèn sách ở trường đại học, cô gái 22 tuổi xách chiếc balô, về xin làm việc tại miền quê nghèo Đakrông – một huyện vùng cao biên giới thuộc tỉnh Quảng Trị, thành lập chưa đầy 2 năm. 

Không phải không có những cơ hội mới mở ra trước mắt,  nhưng đắn đo mãi, cuối cùng nữ chuyên viên tư pháp vẫn vững vàng quyết định: “Mình sẽ bám trụ mảnh đất này. Ở đây, mình mới thấy hết giá trị của công việc, thấy người dân quê mình nghèo nhưng ấm áp tình lắm... Ai cũng bỏ nơi khó khăn mà đi, thì lấy đâu người giúp dân đỡ khổ”.

“Đâu khó có thanh niên”

Đakrông là một trong 62 huyện nghèo theo quyết định 30A của Thủ tướng Chính phủ. Khó khăn đeo bám người dân nơi đây như căn bệnh. Đói ăn, đói mặc vốn là nỗi ám ảnh. Nhưng, “đói” kiến thức pháp luật mới thực sự nguy hiểm. Hiểu điều ấy, chị Uyên và đồng nghiệp thường xuyên có những chuyến công tác đến các xã vùng sâu, vùng xa như: A Vao, Ba Nang, Tà Rụt… để tuyên truyền chính sách pháp luật, đăng ký giấy khai sinh; giấy kết hôn miễn phí…

Trước đây, nhiều xã chưa có điện, đường. Mỗi chuyến công tác là một lần anh em mất cả ngày trời vạch rừng, cuốc bộ “tìm đến dân bản”. Chuyện lạc đường, “bụng đói, cật rét”, gặp thú dữ… vốn chẳng xa lạ. Vậy mà, khi đến trung tâm xã, gặp gỡ bà con người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, “nói tiếng Kinh như nhặt thóc”, mệt nhọc như vơi hết. Các anh chị nhanh chóng bắt tay vào công việc. Ai cũng hăng hái hoàn thành nhiệm vụ với nụ cười toả rạng trên môi.

Đáp lại nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ phòng Tư pháp Đakrông, người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa giờ tỏ tường hơn về pháp luật. Họ lại trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình, thôn bản. Đặc biệt, trẻ em nơi đây không còn xa lạ với tấm giấy khai sinh, các đôi vợ chồng trẻ đều ý thức cao về việc đăng ký kết hôn…

Nhưng, thành công lớn nhất đối với chị Uyên và cán bộ phòng Tư pháp huyện Đakrông là đã xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Người Vân Kiều, Pa Kô ở các xã vùng sâu, vùng xa giờ đây coi cán bộ tư pháp là con cháu của bản làng. Nhờ thế, công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật Nhà nước trở nên khá thông suốt.

Thành quả chung                                                    

Hiện tại, bản thân chị Tố Uyên còn phụ trách công tác thẩm định, kiểm tra việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân huyện Đakrông; đảm nhiệm công tác chứng thực, thẩm định các hương ước, quy ước xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, quy ước bảo vệ và phát triển rừng…

Sự cố gắng của chị Trương Thị Tố Uyên được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Đakrông nói riêng công nhận. Chị vinh dự đón nhận danh hiệu “Công nhân viên chức, lao động tiêu biểu tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2004 – 2009”, bằng khen của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị vì “đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh” trong hai năm – 2008 và 2009, đạt danh hiệu cán bộ công chức tiêu biểu huyện Đakrông giai đoạn 2005 – 2010. Ngoài ra, người cán bộ tư pháp tận tâm này còn “sở hữu” bằng khen, giấy khen trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nói đến “thành công nho nhỏ” ấy, chị Uyên cười e thẹn, tâm sự: “Còn gì hạnh phúc hơn khi nỗ lực của mình được công nhận. Nhưng, mình luôn xem mỗi món quà tinh thần này là thành quả chung của tập thể. Mình chỉ có thể phát triển trong một tập thể sẵn sàng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”. 

Rời Đakrông khi chiều xuống, tâm trí chúng tôi có lẽ mãi mãi khắc sâu dáng hình và nụ cười luôn thường trực trên môi chị Tố Uyên. Chúng tôi hiểu: Ở đâu cuộc sống còn in hằn chữ khổ, ở đó có những trái tim nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho quê hương, đất nước.

Quý biết bao những ngọn lửa tuổi trẻ ấm áp như vậy!

Tân Tuấn Hiệp