Đi để rồi mang pháp luật về làng
Tiếng lành loan xa, bà con người Bah Bar, người Jrai, người Rơ Ngao… thường xuyên đến tìm gặp, nhờ A Phong tư vấn các luật lệ, trợ giúp pháp lý và làm nhiều việc miễn phí. Tận nghe thấy A Phong nói đúng, hiểu biết rất nhiều vấn đề, làm nhiều việc xưa nay chưa ai làm được, đạt lợi ích thiết thực cho các buôn làng; bà con trong vùng thường gọi A Phong là “Yàng (Vua) pháp luật”!
A Phong sinh ra (năm 1977) và lớn lên ở làng Klor, xã Đắk Rơ Wa. Ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ nhiều cá tính tốt, vượt mọi khó khăn, kiên trì học tập. Anh là người đầu tiên trong xã Đắk Rơ Wa học hết phổ thông lớp 12, rồi tình nguyện đi bộ đội. Hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ quân sự (năm 2000), anh phấn khởi trở về quê nha,ø vừa học đại học luật, vừa làm cán bộ tư pháp xã, từ chối những lời mời làm việc có mức lương cao ở các công ty.
Xã Đắk Rơ Wa có 5 làng, hơn 600 hộ, trên 1.500 người Bah Nar và người Rơ Ngao. Đa số bà con nơi đây là người công giáo. Lợi dụng dân trí hạn chế, kinh tế khó khăn, địa bàn sông núi cách trở, một số người xấu thường lén lút vào các làng xuyên tạc chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kích động bà con bỏ bê công việc nương rẫy, làm những việc vi phạm pháp luật... Thấu hiểu thực tế này, anh luôn gương mẫu chấp hành các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng các tổ hoà giải, hăng hái phối hợp với ban ngành, các cấp phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi đối tượng, nhất là bà con người địa phương. Anh dùng ngôn ngữ bản địa để khuyên răn bà con: “Không thảo kính với cha mẹ, không nói sự thật, tham lam lấy của người khác, ham muốn vợ hoặc chồng của người khác, che giấu sự gian dối là vi phạm 10 điều răn của Thiên Chúa và cũng là vi phạm pháp luật. Phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo là vi phạm pháp luật. Chia rẽ tình đoàn kết của các dân tộc anh em là “phá hoại chính sách đoàn kết” của Đảng. Đi trái đường, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là vi phạm Luật Giao thông Đường bộ. Eùp buộc lấy chồng, lấy vợ là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình…”.
“Mình làm đúng pháp luật bà con mới tin mình”
Trong các cuộc họp, những lần giải quyết tranh chấp, anh luôn mang tài liệu, tích cực phổ biến, giáo dục pháp luật. Rất nhiều vụ việc mâu thuẫn, xích mích trong các gia đình, dòng họ, thôn làng đã được anh hoà giải thành công, tránh những thiệt hại cho nhiều người, làm thất bại âm mưu đen tối của các thế lực thù địch.
Mới đây nhất, ngày 9/6/2010, anh phân giải dứt điểm việc tranh chấp các khu đất thừa kế trong dòng họ của Y Bưl, ở làng Kon Kơ Nâm. Từ vụ việc này, anh vận động, hướng dẫn hàng trăm hộ tự nguyện kê khai đất đai, hoàn tất các thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đó, anh hòa giải thành công việc Y Phương bỏ chồng, bị Hội đồng già làng và dòng họ bên chồng xử phạt 4 con bò, 6 con heo (lợn), 10 con gà, 10 ghè rượu và sau 10 năm nữa mới được bắt chồng. Sau khi lắng nghe anh phân tích việc Y Phương bỏ chồng là do chồng Y Phương ít làm việc, hay ăn nhậu bê tha, thường xuyên la ó, đánh đập vợ, con; việc Y Phương bị xử phạt theo luật tục là không phù hợp với tình bác ái trong kinh Thánh và sai trái Luật Hôn nhân và Gia đình của Nhà nước…; các già làng và mọi người đã hiểu ra nhiều vấn đề và đồng ý xóa bỏ xử phạt đối với Y Phương, cải sửa luật tục, tuân theo quy ước, hương ước và pháp luật.
Những việc làm thiết thực của A Phong đã, đang và sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao kiến thức, áp dụng pháp luật vào cuộc sống. Ngồi trong phòng làm việc đơn sơ, tại trụ sở xã Đắk Rơ Wa, A Phong vui vẻ: “Luật tục của các làng, giáo luật của các tôn giáo và pháp luật của Nhà nước có nhiều điểm giống nhau, giúp mọi người sống “tốt đạo đẹp đời”. Pháp luật của Nhà nước ta hài hòa các mối quan hệ, không cục bộ, bảo vệ lợi ích chính đáng cho quảng đại người lao động nên được mọi người thượng tôn, chấp hành”. Nhờ vậy, A Phong thêm tin tưởng, thêm điều kiện nâng cao kiến thức để phổ biến rộng rãi, giáo dục và áp dụng các quy định pháp luật vào cuộc sống.
Hoàng Cư