Tin tức khác

Hội thảo tham vấn hướng dẫn phân tích thống kê trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở

Sáng 26/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU Justice and Legal Empowerment Programme in Viet Nam – gọi tắt là EU JULE), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo tham vấn hoàn thiện Tài liệu “Hướng dẫn phân tích thống kê và đánh giá kết quả thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, tập trung vào lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp nhấn mạnh mục đích của Hội thảo nhằm thu thập các ý kiến tham vấn để hoàn thiện bộ Tài liệu hướng dẫn phân tích số liệu thống kê và đánh giá kết quả thực hiện dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, tập trung vào lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý, hai lĩnh vực liên quan đến các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Tài liệu này sẽ là công cụ hỗ trợ quan trọng giúp cho các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan Tư pháp địa phương đánh giá được hiệu quả của công tác Tư pháp, đặc biệt là lĩnh vực hòa giải cơ sở và trợ giúp pháp lý thông qua số liệu thống kê thu thập được, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị hoặc áp dụng các giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng công tác chuyên môn cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.
 
Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thu Hiền, đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc đánh giá cao sự hợp tác của Cục Kế hoạch – Tài chính, Bộ Tư pháp trong việc triển khai hoạt động xây dựng Tài liệu hướng dẫn phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý. Tài liệu này được kỳ vọng mang lại cho các cán bộ làm công tác thống kê về hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý một công cụ hữu hiệu để hỗ trợ công tác phân tích thống kê được sâu sắc và dễ dàng hơn.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các chuyên gia góp ý độc lập và ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo. Các ý kiến phát biểu đánh giá cao ý tưởng xây dựng Tài liệu hướng dẫn phân tích thống kê trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở và trợ giúp pháp lý. Đây là Tài liệu hướng dẫn phân tích thống kê đầu tiên trong ngành Tư pháp. Những hướng dẫn trong Tài liệu mang lại nhiều thông tin bổ ích cho người làm công tác thống kê, người quan tâm đến công tác thống kê từ khái niệm phân tích thống kê, các mô hình, phương pháp thống kê đến các bước tiến hành phân tích thống kê, tạo kiến thức nền khi nghiên cứu vào phân tích thống kê trong mỗi lĩnh vực cụ thể. Trọng tâm của Tài liệu là hướng dẫn phân tích thống kê dựa trên số liệu thống kê của ngành Tư pháp từ năm 2015 đến năm 2019, trong đó tập trung phân tích những số liệu quan trọng trong hai lĩnh vực, trong đó lĩnh vực hòa giải ở cơ sở chủ yếu hướng dẫn phân tích thống kê về số vụ việc tiếp nhận hòa giải, số vụ việc hòa giải thành, tỷ lệ hòa giải thành, số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên và kinh phí hỗ trợ; lĩnh vực trợ giúp pháp lý (TGPL) chủ yếu hướng dẫn phân tích thống kê về số vụ việc tiếp nhận, số vụ việc tham gia tố tụng, tỷ lệ hoàn thành TGPL, số lượt người được TGPL và kết quả thực hiện nhiệm vụ của người thực hiện TGPL.
Các ý kiến góp ý tại Hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế của Tài liệu như: Tài liệu nên được cân nhắc rút gọn tên gọi; không nên bó hẹp đối tượng sử dụng ở “công chức, viên chức làm công tác thống kê tại Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã”, nên nghiên cứu mở rộng hơn đối tượng sử dụng; một số hướng dẫn phân tích thống kê về tỷ lệ hoàn thành TGPL, số vụ việc kết thúc còn sơ lược nên được nghiên cứu chi tiết hơn; đồng thời nên bổ sung các ví dụ về phân tích số liệu của địa phương.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị, nhất là kiến nghị Bộ Tư pháp và UNDP có kế hoạch hỗ trợ tập huấn Tài liệu này tới đại diện các cơ quan tư pháp địa phương nhằm phát huy tối đa tác dụng của bộ Tài liệu.
 
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Phạm Văn Lâm cảm ơn các ý kiến đóng góp của các chuyên gia độc lập và các đại biểu tham dự. Những ý kiến đóng góp đã gợi mở nhiều ý tưởng cho nhóm chuyên gia xây dựng Tài liệu và đơn vị chủ trì nhằm hoàn thiện hơn nữa bộ tài liệu hướng dẫn. Qua đó giúp cho những người trực tiếp thực hiện thống kê trong lĩnh vực hòa giải cơ sở và trợ giúp pháp lý tăng cường năng lực phân tích số liệu thống kê, từ đó có giải pháp nâng cao chất lượng công tác của đơn vị, ngành, lĩnh vực, đồng thời giúp cho các nhà hoạch định chính sách có chất liệu nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách có liên quan; giúp các nhà quản lý có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với công tác Tư pháp nói chung, công tác hòa giải ở cơ sở và TGPL nói riêng trong thời gian tới.
Diệu Thúy