Việt Nam tham gia phiên họp Ủy ban đặc biệt của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Việt Nam tham gia phiên họp Ủy ban đặc biệt của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Phiên họp Ủy ban đặc biệt về thực thi Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt), Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Thu thập chứng cứ), Công ước La Hay năm 1980 về tiếp cận công lý quốc tế (Công ước Tiếp cận công lý) diễn ra từ ngày 02 đến 05/7/2024 tại La Hay, Hà Lan với sự tham gia của 260 đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đến từ 55 quốc gia thành viên của HCCH, 2 quốc gia ký kết không phải thành viên HCCH và quan sát viên từ các quốc gia, tổ chức chính phủ và phi chính phủ và thành viên của Ban thư ký HCCH. Đây là phiên họp chính thức đầu tiên của HCCH mà tiếng Tây Ban Nha được sử dụng với tư cách là ngôn ngữ làm việc của tổ chức.
Cách phiên họp trước của Ủy ban đặc biệt tới 10 năm, Phiên họp lần này ghi nhận kinh nghiệm phong phú trong thực thi các Công ước Tống đạt, Công ước Thu thập chứng cứ, Công ước Tiếp cận công lý.
 Từ các thách thức, khó khăn cũng như cơ hội do khoa học công nghệ mang lại cho đến các vấn đề kỹ thuật trong rà soát hồ sơ, thanh toán chi phí thực hiện, cũng như trao đổi kinh nghiệm về cách hiểu phạm vi áp dụng của các Công ước…. đều được các đại biểu bàn luận sôi nổi. Đáng chú ý, do ảnh hưởng của COVID-19, khoa học công nghệ được ứng dụng ngày càng nhiều hơn, nhiều quốc gia cho phép xét xử trực tuyến, tống đạt và chuyển văn bản tư pháp và ngoài tư pháp, cũng như trao đổi thông tin về các yêu cầu qua thư điện tử, thu thập chứng cứ bằng cầu truyền hình… trong các thủ tục tố tụng trong nước nhưng vẫn có quốc gia còn dè dặt khi áp dụng các thủ tục này trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Nguyên nhân do các hạn chế về pháp lý (pháp luật trong nước chưa có quy định) hoặc kỹ thuật (vấn đề đảm bảo bảo mật thông tin, bí mật cá nhân, xác thực các yêu cầu, …) hoặc cơ sở vật chất. Mặc dù ghi nhận các thực tiễn và cách tiếp cận khác nhau, Ủy ban đặc biệt vẫn đưa ra các khuyến nghị theo hướng ủng hộ việc ứng dụng công nghệ thông tin để hoạt động thực thi các Công ước được hiệu quả và tiết kiệm hơn.
 
 
Ủy ban đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp đầy đủ thông tin, xây dựng Bảng thông tin quốc gia để tăng tính minh bạch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực thi.
Trên cơ sở các kết luận và khuyến nghị của Ủy ban đặc biệt, Bảng thông tin quốc gia, Thực tiễn tốt thi hành các Công ước và các Sổ tay sẽ được Nhóm công tác về Sổ tay Công ước Tống đạt, Công ước Thu thập chứng cứ và Ban thư ký tiếp tục hoàn thiện, lấy ý kiến các quốc gia trước khi trình Hội đồng các vấn đề chung và chính sách (CGAP) thông qua.
Tại Phiên họp, đại biểu Việt Nam đã trình bày các khó khăn vướng mắc phát sinh, có ý kiến đóng góp về việc sửa đổi các Sổ tay Công ước Tống đạt và Công ước Thu thập chứng cứ - hai Công ước mà Việt Nam đã là thành viên.
Kết thúc Phiên họp, các quốc gia khuyến nghị CGAP cho phép Phiên họp tiếp theo của Ủy ban đặc biệt sẽ được tổ chức trong khoảng 5-6 năm tới tùy thuộc vào tình hình thực thi các Công ước cân đối với ngân sách của tổ chức. Các nước có thể tiếp tục trao đổi các vấn đề phát sinh qua thư điện tử hoặc các cuộc họp không chính thức khác được tổ chức trực tuyến trong khoảng thời gian chờ tới Phiên họp tiếp theo.

Ủy ban đặc biệt là cơ hội để đại diện các quốc gia, nhất là các Cơ quan Trung ương, Cơ quan có thẩm quyền trực tiếp gặp gỡ, bàn luận về tình hình thực thi các Công ước, gây dựng mạng lưới hợp tác ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Lần đầu tiên tham dự phiên họp Ủy ban đặc biệt về một số Công ước của HCCH mà Việt Nam là thành viên, đoàn Việt Nam đã để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm trong thực hiện các cam kết của mình.