Giới thiệu sơ lược kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp (tiếp)

Giới thiệu sơ lược kết quả tổng kết 6 năm thi hành Luật Tương trợ tư pháp (tiếp)

Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đã giao cho ba cơ quan đầu mối các lĩnh vực khác nhau của tương trợ tư pháp. Theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối về tương trợ tư pháp về dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự, Bộ Công an là cơ quan đầu mối về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Từ khi Luật có hiệu lực, các cơ quan được phân công đã tích cực, chủ động trong xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật trong nước cũng như đàm phán điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp. Nội dung bài viết sau đây giới thiệu sơ lược các kết quả đạt được, những tồn tại và một số đề xuất cho công tác đàm phán, ký và thực hiện điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp có hiệu quả hơn.

             I. Công tác đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTP

1. Đàm phán, ký các Hiệp định TTTP song phương

Kể từ khi Luật TTTP có hiệu lực (ngày 01/7/2008) đến ngày 30/6/2014, các Bộ, ngành đã ký kết 21 hiệp định TTTP trong cả 4 lĩnh vực dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT.

1.1. Các hiệp định TTTP song phương về dân sự

Bộ Tư pháp đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan như TANDTC, VKSNDTC,  Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ tổ chức đàm phán, ký và chuẩn bị đàm phán 09 Hiệp định/Thỏa thuận TTTP trong lĩnh vực dân sự, trong đó 02 Hiệp định/Thỏa thuận đã có hiệu lực; 02 Hiệp định đã ký và đang hoàn tất thủ tục để có hiệu lực; 04 Hiệp định đang đàm phán và 01 Hiệp định đang xin chủ trương đàm phán.

1.2. Các hiệp định TTTP song phương về hình sự

Thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 64 Luật TTTP, Viện KSNDTC đã xây dựng Kế hoạch đàm phán, ký kết Hiệp định TTTP về hình sự giai đoạn 2012-2016. Trên cơ sở đó, VKSNDTC đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tiến hành đàm phán thành công 03 Hiệp định TTTP về hình sự (trong đó hoàn tất thủ tục phê chuẩn 01 Hiệp định, ký 01 Hiệp định); chuẩn bị đàm phán 03 hiệp định.

Bên cạnh đó, VKSNDTC đã xây dựng Mẫu Hiệp định TTTP về hình sự của Việt Nam trình Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép sử dụng để làm cơ sở xây dựng phương án đàm phán của Việt Nam trong lĩnh vực TTTP về hình sự, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động đề xuất đàm phán, ký Hiệp định với các nước đối tác.

1.3. Các hiệp định TTTP song phương về dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thành các thủ tục đàm phán, ký, phê chuẩn 09 hiệp định về dẫn độ (trong đó đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn 05 hiệp định; ký 02 hiệp định và hoàn tất đàm phán, chuẩn bị ký 02 hiệp định) và 09 hiệp định về chuyển giao NĐCHHPT (trong đó đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn 03 hiệp định; ký 04 hiệp định và hoàn tất đàm phán chuẩn bị ký 02 hiệp định).

2. Hợp tác quốc tế và tham gia diễn đàn đa phương liên quan đến TTTP

Thực hiện chủ trương “Tham gia các điều ước quốc tế đa phương về TTTP” tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, kể từ khi Luật TTTP được ban hành, hoạt động hợp tác quốc tế và tham gia các diễn đàn, điều ước quốc tế đa phương về TTTP được đẩy mạnh. Các cơ quan đầu mối về TTTP như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Viện KSNDTC đã tích cực tham gia các hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về tư pháp quốc tế nói chung và về TTTP nói riêng.

2.1. Trong lĩnh vực TTTP về dân sự

Trong khuôn khổ của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (Hội nghị La Hay), Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tích cực tham gia sâu rộng vào tổ chức quốc tế có uy tín bậc nhất trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp quốc tế này, cụ thể:

- Đầu năm 2012, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Hội nghị La Hay của Việt Nam trình Chính phủ phê duyệt. Ngày 28/9/2012, Bộ trưởng Bộ Tư pháp được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam đã ký và trình văn bản xin gia nhập Hội nghị La Hay; Việt Nam chính thức trở thành thành viên đầy đủ thứ 73 của Tổ chức này kể từ ngày 10/4/2013. Hội nghị La Hay là tổ chức có uy tín hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực xây dựng các quy định pháp lý về tư pháp quốc tế. Trong khuôn khổ Hội nghị hiện có 38 điều ước quốc tế đa phương được ký kết với sự tham gia của rộng khắp các quốc gia trên thế giới.

- Đồng thời với việc hoàn tất các thủ tục gia nhập Hội nghị La Hay, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, Ngành xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành tháng 8/2013[1].

- Hoàn thành Đề án gia nhập Công ước La Hay về miễn hợp pháp hoá giấy tờ công nước ngoài (Công ước Apostille) theo Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2012-2016: đây là công ước phổ cập và thành công nhất của Hội nghị La Hay với 105 thành viên tham gia, quy định thủ tục đơn giản để chứng nhận tính xác thực của giấy tờ công sử dụng ở các nước thành viên. Thực hiện phân công của Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn thành Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó, vào tháng 4 năm 2013, Bộ Ngoại giao đã thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi Hội nghị La Hay văn bản bày tỏ nguyện vọng được gia nhập Công ước này. Đồng thời, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với các Bộ, ngành hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế để chính thức gia nhập Công ước.

 - Bộ Tư pháp đã chủ trì xây dựng Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ tháng 1/2014[2] và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao Bộ Tư pháp xây dựng bộ hồ sơ gia nhập Công ước theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế[3]. Đây là công ước đa phương quan trọng nhất trong lĩnh vực tống đạt giấy tờ ra nước ngoài, quy định một quy trình đơn giản hóa thủ tục tống đạt giấy tờ so với các kênh tống đạt truyền thống (thông qua kênh lãnh sự, ngoại giao), góp phần làm giảm chi phí tố tụng, đảm bảo hoạt động tống đạt có kết quả và đáp ứng thời gian tố tụng. Công ước đã có 68 thành viên trong đó có những nước mà Việt Nam có nhu cầu cao hợp tác TTTP về dân sự như Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Đức. Hiện Bộ Tư pháp đã tiến hành thủ tục thẩm định và đang phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế để dự kiến trình Chính phủ xem xét, trình Chủ tịch nước quyết định việc gia nhập Công ước này trong Quý IV năm 2014.

Trong khuôn khổ ASEAN, Bộ Tư pháp đã đề xuất và hiện đang chủ trì việc triển khai sáng kiến “Tăng cường TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại trong ASEAN” thuộc Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN. Tháng 11/2012, Việt Nam đã chủ trì tổ chức Phiên họp lần thứ 3 của Nhóm Công tác ASEAN để thảo luận xây dựng dự thảo Hiệp định khu vực về miễn hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu công nước ngoài. Hiện nay, dự thảo Hiệp định đang được các nước thành viên ASEAN cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của các nước, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ tổng hợp và đề xuất các bước đi tiếp theo phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới trong ASEAN để trình các cấp có thẩm quyền xem xét.

2.2. Trong lĩnh vực TTTP về hình sự, dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT

Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với Viện KSNDTC, TANDTC và các Bộ có liên quan đề xuất ký kết, gia nhập 05 điều ước quốc tế đa phương có quy định về TTTP về hình sự, dẫn độ, chuyển giao NĐCHHPT, bao gồm:

- Công ước ASEAN về chống khủng bố năm 2007 (phê chuẩn ngày 14/01/2011, có hiệu lực với Việt Nam ngày 28/5/2011) có quy định về TTTP về hình sự và dẫn độ;

- Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia năm 2000 (phê chuẩn ngày 29/12/2011, có hiệu lực với Việt Nam ngày 08/6/2012) có quy định về TTTP về hình sự, dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT;

- Công ước quốc tế về chống bắt con tin năm 1979 (gia nhập ngày 15/11/2013, có hiệu lực với Việt Nam ngày 08/2/2014) có quy định về TTTP hình sự và dẫn độ;

- Công ước quốc tế về chống khủng bố bằng bom năm 1997 (gia nhập ngày 15/11/2013, có hiệu lực với Việt Nam ngày 08/2/2014) có quy định về TTTP hình sự và dẫn độ;        

- Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (ký ngày 07/11/2013, chưa có hiệu lực với Việt Nam).

Đồng thời, Bộ Công an đã ban hành 01 thông tư và 01 kế hoạch nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, ký các điều ước quốc tế về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành và chủ động ban hành các kế hoạch để triển khai các công ước đa phương mà Việt Nam ký kết, gia nhập[4], trong đó có quy định về việc thực hiện công tác TTTP về hình sự, dẫn độ, chuyển giao NĐCHHPT.

Viện KSNDTC đã trở thành thành viên chính Hiệp hội Công tố viên quốc tế năm 2013.

3. Về việc thực hiện các hiệp định TTTP

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện 27 Hiệp định song phương về TTTP trong cả 4 lĩnh vực. Qua số liệu thống kê kết quả thực hiện ủy thác tư pháp (UTTP) của các cơ quan nước ngoài gửi tới Việt Nam cho thấy, nhìn chung, các cơ quan của Việt Nam đã thực hiện UTTP theo quy định của các Hiệp định về TTTP nghiêm túc, đạt kết quả khả quan trong cả hai lĩnh vực dân sự và hình sự. Tuy nhiên, số lượng và hiệu quả thực hiện các yêu cầu UTTP của Việt Nam gửi đi các nước đã ký kết Hiệp định về TTTP có sự khác biệt giữa lĩnh vực dân sự và lĩnh vực hình sự.

Theo báo cáo của Viện KSNDTC, UTTP về hình sự ra nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là gửi đến các nước đã ký Hiệp định TTTP với Việt Nam nên việc thực hiện các yêu cầu ủy thác trong lĩnh vực này được thực hiện thuận lợi hơn.

Trong lĩnh vực dân sự, 15 Hiệp định TTTP song phương giữa Việt Nam và nước ngoài hiện đang có hiệu lực. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các Hiệp định cho thấy, giữa Việt Nam và các nước thuộc khối XHCN cũ (như Tiệp Khắc, Cu Ba, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Mông Cổ, Ba Lan, Triều Tiên, Lào...) hầu như không phát sinh yêu cầu TTTP về dân sự. Đối với một số hiệp định mới có hiệu lực sau khi ban hành Luật TTTP thì cũng chưa có yêu cầu UTTP (như Hiệp định với An-giê-ri). Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực thi có một số Hiệp định, thỏa thuận TTTP về dân sự với các nước có nhiều quan hệ dân sự, thương mại đã thật sự phát huy hiệu quả như Hiệp định với Trung Quốc, Pháp, Thỏa thuận TTTP về dân sự và thương mại với lãnh thổ Đài Loan (Thỏa thuận với Đài Loan). Cụ thể, để thực hiện Thỏa thuận với Đài Loan, hai Bên đều đề xuất Cơ quan Trung ương và cử cán bộ đầu mối để trao đổi về những vấn đề đột xuất phát sinh trong quá trình thực hiện các hồ sơ UTTP. Đồng thời, hai Cơ quan Trung ương cũng tổ chức định kỳ Hội nghị thường niên luân phiên tại Hà Nội và Đài Bắc. Từ khi Thỏa thuận có hiệu lực, hai Bên đã tổ chức 5 Hội nghị thường niên trao đổi trực tiếp về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình giải quyết các hồ sơ UTTP, qua đó đề xuất những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn. Các cơ chế phối hợp đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các yêu cầu UTTP của hai Bên đạt kết quả khả quan, đạt từ 65% đến 80% (so với 0% trước khi Thỏa thuận được ký), năm sau cao hơn so với năm trước. Đồng thời, để hỗ trợ cho các cơ quan của Việt Nam thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận, Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với TANDTC tổ chức các lớp tập huấn về Thỏa thuận cho các cán bộ trực tiếp làm công tác ủy thác tư pháp ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có nhiều hoạt động UTTP với lãnh thổ Đài Loan.

Bên cạnh đó, kể từ sau tổng kết 3 năm thi hành Luật TTTP (năm 2011), các Bộ, ngành cũng đã bắt đầu thực hiện việc rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Hiệp định TTTP đã ký và có hiệu lực đối với Việt Nam.

Trong lĩnh vực dân sự, trong năm 2013 và 2014, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các tòa án nhân dân cấp tỉnh rà soát đánh giá tình hình thực hiện 03 hiệp định TTTP (với Hung-ga-ri, Pháp, Trung Quốc) để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, hoặc đề xuất sửa đổi bổ sung hay đàm phán mới các hiệp định nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa cơ chế hợp tác về TTTP giữa hai bên.

Trên cơ sở kết quả phối hợp với Viện KSNDTC CHDCND Lào rà soát việc thực hiện Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa hai nước, Viện KSNDTC đã ban hành Hướng dẫn thi hành việc hợp tác trực tiếp giữa Viện KSND các tỉnh có chung đường biên giới hai nước trong hoạt động TTTP về hình sự. 

Với vai trò là Cơ quan Trung ương về dẫn độ và chuyển giao NĐCHHPT, Bộ Công an thường xuyên trao đổi với Cơ quan Trung ương của các quốc gia về tình hình giải quyết các yêu cầu dẫn độ, chuyển giao NĐCHHPT của Việt Nam, cung cấp thông tin về tình hình thực hiện các yêu cầu của nước ngoài cũng như chính sách, pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này.

II. Đánh giá kết quả đạt được trong công tác đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTP

Sau 6 năm kể từ khi Luật TTTP được ban hành, công tác đàm phán, ký kết điều ước quốc tế trong lĩnh vực TTTP đã ngày càng có những bước phát triển về cả số lượng, chất lượng và ngày càng đi vào thực chất, tập trung trực tiếp phục vụ các yêu cầu về cải cách pháp luật, cải cách tư pháp của Việt Nam.

Công tác điều ước quốc tế về TTTP trong cả bốn lĩnh vực đã đi vào nề nếp, nghiêm túc và thống nhất quy trình thủ tục đàm phán, ký kết được quy định tại Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Điều quan trọng là Luật TTTP đã đem lại cơ sở pháp lý trong nước giúp cho việc đàm phán các Hiệp định TTTP được thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ giữa trong nước với nước ngoài.

 Công tác đàm phán điều ước quốc tế về TTTP được coi trọng. Số lượng các điều ước được đề xuất đàm phán, ký kết ngày càng tăng trong tất cả 4 lĩnh vực TTTP: dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao NĐCHHPT. Những kết quả này đã góp phần trực tiếp hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về đầy mạnh hội nhập quốc tế, thực hiện chủ trương Tiếp tục ký kết Hiệp định TTTP với các nước khác, trước hết là với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và các nước có quan hệ truyền thống” của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 2/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến 2020.

            Các Hiệp định, thỏa thuận về TTTP được ký kết và đi vào thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý góp phần kịp thời tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động hợp tác trong lĩnh vực TTTP giữa Việt Nam với các nước. Có thể thấy rất rõ điều này trong trường hợp với Đài Loan. Thỏa thuận giữa Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội về TTTP trong lĩnh vực dân sự và thương mại đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Đài Loan thực hiện các yêu cầu TTTP của nhau rất hiệu quả, góp phần kịp thời xử lý những vấn đề pháp lý phát sinh giữa cá nhân, tổ chức của hai Bên[5].

Bên cạnh hoạt động hợp tác song phương, các Bộ, ngành hữu quan cũng chủ động và tích cực hơn trong hợp tác quốc tế đa phương và đã đạt được kết quả đáng khích lệ.

Việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế vào tháng 4/2013 đã đánh dấu một bước phát triển mới về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp quốc tế của Việt Nam mà TTTP là một nội dung quan trọng. Với Kế hoạch triển khai quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 8/2013 và được các Bộ, ngành đang triển khai tích cực, có cơ sở tin rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ có những bước tiến trong xây dựng thể chế pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế về TTTP, góp phần xây dựng và nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác về tư pháp quốc tế ở cấp độ toàn cầu.

Việc các Bộ, ngành tập trung đẩy mạnh tiến trình gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ và Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ theo chỉ đạo của Chính phủ sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho Việt Nam chính thức trở thành thành viên hai Công ước trong thời gian tới. Điều này sẽ tăng cường cơ sở pháp lý quốc tế thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTTP giữa Việt Nam và nước ngoài, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các yêu cầu UTTP về tống đạt giấy tờ (chiếm tỷ lệ lớn) của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, kể từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực (từ ngày 01/01/2014) đã phát sinh một vấn đề làm ảnh hưởng đến hoạt động đàm phán, ký điều ước quốc tế về TTTP. Khoản 14 Điều 70 Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tuy nhiên, việc hiểu khái niệm “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”[6] còn chưa thống nhất, dẫn tới vướng mắc trong việc xác định cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn quyết định gia nhập và chấm dứt hiệu lực của một số loại điều ước trong đó có các điều ước quốc tế về TTTP. Điều này đã làm chậm tiến độ công tác phê chuẩn điều ước quốc tế về TTTP.

III. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập trong công tác đàm phán, ký và thực hiện các điều ước quốc tế về TTTP

- Độ bao phủ của các điều ước quốc tế của Việt Nam về TTTP rất hẹp nên chưa tạo ra được các cơ sở pháp lý quốc tế đầy đủ trong xử lý các vụ việc cụ thể. Hiện tại, có không ít các Hiệp định TTTP được ký kết trước năm 2000 có nhiều điểm không còn phù hợp với Luật TTTP và yêu cầu hợp tác hiện nay.

- Mục tiêu tập trung đàm phán Hiệp định TTTP về dân sự với những nước mà Việt Nam có nhiều UTTP như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Nhật Bản… không đạt được kết quả mong muốn dù Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đã cố gắng, trao đổi đề xuất đàm phán do họ không có nhu cầu ký kết hiệp định song phương về TTTP với Việt Nam, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác TTTP.

            - Các Bộ ngành chưa đầu tư thích đáng cho việc tham gia các cơ chế đa phương về TTTP (ngoại trừ trong lĩnh vực TTTP về hình sự, việc tham gia các điều ước quốc tế đa phương đã có những bước tiến đáng kể). Đặc biệt, trong TTTP về dân sự, Việt Nam vẫn chưa gia nhập bất kỳ Công ước đa phương nào về tương trợ tư pháp trong hệ thống các Công ước La Hay về tư pháp quốc tế (trừ Công ước La hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế), mặc dù gần đây đã có bước đầu nghiên cứu, việc gia nhập một số thiết chế đa phương này. Đây là điểm rất bất cập trong bối cảnh các nước mà Việt Nam quan tâm hợp tác thì đã tham gia các thiết chế đa phương trong khuôn khổ Hội nghị La Hay và không muốn ký kết điều ước quốc tế song phương.

- Hoạt động rà soát, định kỳ đánh giá kết quả thực hiện các hiệp định về TTTP mới chỉ được thực hiện bước đầu với số lượng ít. Bên cạnh đó, các cơ quan đầu mối của phía Việt Nam trong các Hiệp định cũng chưa thiết lập và duy trì được mối liên hệ với phía đối tác để hỗ trợ cho quá trình thực thi Hiệp định. Đây là một trong những lý do khiến vẫn còn một tỷ lệ khá cao yêu cầu UTTP về dân sự trên cơ sở các hiệp định song phương không có kết quả (chiếm 31%) mà chưa đánh giá được nguyên nhân để từ đó đưa ra đề xuất giải pháp khắc phục.

Có thể nêu một số nguyên nhân của hạn chế, bất cập trên trong công tác đàm phán, ký kết và thực thi các điều ước về TTTP đó là:

Về mặt khách quan, hoạt động đàm phán, ký kết điều ước quốc tế phụ thuộc khá lớn vào thiện chí và nhu cầu của nước đối tác. Trong nhiều trường hợp, dù phía Việt Nam có mong muốn được đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhưng phía nước ngoài không có nhu cầu do nhiều nước đã tham gia các thiết chế đa phương có liên quan nên thay vì đàm phán hiệp định song phương với Việt Nam họ lại đề nghị Việt Nam cũng tham gia vào các thiết chế đa phương. Điều này cho thấy việc nghiên cứu, gia nhập thiết chế đa phương có nội dung về TTTP là rất cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Các Hiệp định TTTP được ký trước khi Luật TTTP được ban hành đều không có cơ chế để rà soát, đánh giá và rút kinh nghiệm việc triển khai Hiệp định.Vì vậy, thiếu cơ sở pháp lý để yêu cầu các Bên thực hiện.

Về mặt chủ quan, do nguồn lực còn hạn chế nên việc tổ chức thực hiện các yêu cầu UTTP theo hiệp định cũng chưa được đầu tư thực hiện triệt để và theo dõi đôn đốc thường xuyên, kịp thời. Bên cạnh đó, mặc dù đã có chủ trương tiến hành nhưng công tác tự rà soát, đánh giá thực thi các Hiệp định TTTP đã ký với các nước (đặc biệt là các nước XHCN trước đây) để từ đó rút ra những khó khăn, vưng mắc trong quá trình hiện nhưng các Bộ, ngành chưa thực sự đầu tư để triển khai mạnh mẽ.

Về nhân lực, chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ đàm phán chuyên nghiệp, có trình độ pháp lý chuyên sâu, có kỹ năng đàm phán, có trình độ ngoại ngữ ở mức ngang tầm với yêu cầu công việc nhất là việc đàm phán các Hiệp định TTTP thường liên quan đến các vấn đề pháp lý quốc tế phức tạp khi hệ thống pháp luật của các nước còn khác nhau.

IV. Một số đề xuất đẩy mạnh công tác điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong thời gian tới

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu gia nhập các điều ước quốc tế đa phương về TTTP; sớm hoàn thành việc gia nhập các công ước đa phương của Hội nghị La Hay có nội dung liên quan về TTTP, trước mắt là Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp (là Công ước quan trọng nhất trong lĩnh vực TTTP về dân sự trong các thiết chế đa phương); Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công nước ngoài.

- Tăng cường nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế về TTTP, trọng tâm là với các nước đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước có quan hệ truyền thống, các nước láng giềng, các nước có đông người Việt Nam sinh sống, các nước có quan hệ hợp tác kinh tế - đầu tư phát triển với nước ta; sửa đổi các Hiệp định TTTP mà Việt Nam đã ký trước những năm 2000 cho phù hợp với pháp luật và tình hình hợp tác hiện nay.

- Tăng cường thực thi các điều ước quốc tế về TTTP đã có hiệu lực.



[1] Quyết định số 1440/QĐ-TTg ngày 16/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai các quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam.

[2] Bộ Tư pháp đã có Tờ trình số 06/TTr-BTP ngày 27/01/2014 về Đề án nghiên cứu khả năng gia nhập Công ước.

[3] Công văn số 1606/VPCP-QHQT ngày 12/3/2014 của Văn phòng Chính phủ.

[4] Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố[4] và Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Quyết định số 605/QĐ-TTg ngày 18/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố trong Công an nhân dân ( Quyết định số 1608/QĐ-BCA-V19 ngày 04/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an), Kế hoạch thực hiện Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong lực lượng Công an nhân dân (Quyết định số 2965/QĐ-BCA-V19 ngày 11/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an) và Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng của lực lượng Công an nhân dân

[5]Thoả thuận được ký năm 2010 và có hiệu lực từ tháng 3/2012. Trước khi Thoả thuận có hiệu lực, yêu cầu uỷ thác tư pháp của Việt Nam sang Đài Loan không có kết quả. Sau khi Thoả thuận có hiệu lực, qua số liệu thống kê cho thấy uỷ thác tư pháp của Việt Nam sang Đài Loan đã có kết quả đạt trên 80%.

[6] Hiện chưa có quy định hoặc hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền phân loại rõ ràng về các loại điều ước quốc tế, đặc biệt là điều ước quốc tế về quyền con người nói chung và các điều ước quốc tế chuyên biệt về tương trợ tư pháp, thi hành án hình sự (hiện nay còn có ý kiến cho rằng hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù và hiệp định về dẫn độ là điều ước quốc tế về quyền con người và việc phê chuẩn thuộc thẩm quyền của Quốc hội).

 

​​​