Cập nhật một số thông tin liên quan về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Cập nhật một số thông tin liên quan về Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

Trong tháng 11/2014, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã phát hành một đoạn video cung cấp thông tin tổng quan về tổ chức và hoạt động của mình với tên gọi Xây dựng cầu nối cho công dân toàn cầu (tên tiếng Anh : Building bridges for global citizens), có sẵn trên YOUTUBE tại địa chỉ http://www.youtube.com/watch?v=da0X1V8ZLX4.
Đoạn video dài 7 phút đã cung cấp những thông tin cơ bản nhất về nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, các công ước trong khuôn khổ Hội nghị, thông tin sơ lược về cơ cấu tổ chức và mục tiêu hoạt động của của Hội nghị.
 

Trong bối cảnh những công dân toàn cầu, biên giới quốc gia không còn là rào cản cho sự di chuyển của hàng hóa, dịch vụ, vốn đầu tư và con người. Các quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại … phát triển đa dạng, có sự tham gia của những người đến từ các quốc gia khác nhau, diễn ra tại những quốc gia khác nhau , bao gồm tài sản tại nhiều quốc gia khác nhau. Công nghệ thông tin, hệ thống vận chuyển và hệ thống ngân hàng toàn cầu cũng đóng góp vào quá trình phát triển mạnh mẽ các quan hệ dân sự thương mại có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển đó đồng thời cũng mang lại những rủi ro cho các cá nhân và doanh nghiệp. Vì vậy chúng ta phải đối mặt với hàng loạt câu hỏi về luật nào sẽ điều chỉnh các quan hệ dân sự, thương mại, tòa án nào sẽ bảo vệ quyền lợi của chúng ta, bản án đã được tuyên ở nước ngoài có thể có hiệu lực và được công nhận tại quốc gia sở tại hay không … Những câu hỏi đó chỉ có thể được trả lời khi các quốc gia ký kết các điều ước về tư pháp quốc tế.

Vì vậy từ năm 1893, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế HccH đã phát triển các Công ước về các vấn đề: Bảo vệ trẻ em, quan hệ gia đình và tài sản (Công ước về Bắt cóc trẻ em năm 1980, Công ước về nuôi con nuôi quốc tế năm 1993, Công ước bảo vệ trẻ em năm 1996, Công ước hỗ trợ trẻ em năm 2007 và Nghị định thư); Hợp tác pháp luật và tố tụng (Công ước Apostille 1961, Công ước Tống đạt 1965, Công ước Thu thập Chứng cứ 1970, Công ước tiếp cận Công lý 1980, Công ước lựa chọn tòa án 2005); pháp luật thương mại và tài chính (Công ước tín thác 1985, Công ước Chứng khoán 2006). Hiện tại, Hội nghị La Hay đã xây dựng được 38 Công ước về tư pháp quốc tế và 01 Hiến chương  đang có hiệu lực. Các Công ước của Hội nghị tập trung giải quyết 3 lĩnh vực chính của tư pháp quốc tế là: 1) Bảo vệ trẻ em, hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, các quan hệ về tài sản gia đình; 2) Hợp tác pháp luật và tranh tụng, và 3) Luật thương mại quốc tế và tài chính quốc tế. Ngay từ khi soạn thảo các Công ước của Hội nghị, Hội nghị đã thu hút được một đội ngũ các chuyên gia hàng đầu về tư pháp quốc tế từ các truyền thống pháp luật khác nhau tham gia. Chính vì vậy, rất nhiều Công ước của Hội nghị La Hay đang là công cụ pháp luật hữu hiệu điều chỉnh những vấn đề về dân sự và thương mại có yếu tố nước ngoài của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau.

Ông Christophe Benasconi, Tổng thư ký của HccH khẳng định tầm quan trọng của việc hành động vì một thế giới tôn trọng sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật nơi mọi người kể cả cá nhân và doanh nghiệp có thể hưởng mức độ chắc chắn và dự đoán trước được về mặt pháp lý cao hơn trong các giao dịch xuyên quốc gia của mình. Trong tất cả những trường hợp như vậy, việc mỗi người có thể tiếp cận khuôn khổ pháp lý, tìm ra luật áp dụng với vấn đề pháp lý liên quan và tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cũng như biết phải làm gì với các phán quyết của nước ngoài và việc hình thành phương thức hợp tác giữa các quốc gia giúp vượt qua những thách thức không thể tránh khỏi của những giao dịch dân sự và thương mại liên quan đến nhiều quốc gia là rất quan trọng.

Các quốc gia từ tất cả các khu vực trên thế giới đều tham gia vào HccH trong đó có cả liên minh châu Âu EU. Hiện nay, tổ chức này gồm 78 thành viên đại diện cho mọi châu lục ( 77 quốc gia thành viên và 1 tổ chức khu vực- Liên minh châu Âu). Một số nước ASEAN đã trở thành thành viên của Hội nghị như Phi-líp-pin, Ma-lai-xia hoặc đang có xu hướng gia nhập Hội nghị như Thái Lan. Nhiều quốc gia không phải thành viên của Hội nghị cũng tham gia vào các Công ước trong khuôn khổ HccH.

Tại La Hay, HccH có trụ sở chính với 30 nhân viên và có hai văn phòng khu vực: Văn phòng khu vực châu Á, Thái Bình Dương tại Hong Kong, Trung Quốc và Văn phòng khu vực châu Mỹ, Latinh tại Buenos Aires, Áchentina. Các văn phòng khu vực có vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ các nước trong khu vực tham gia vào Hội nghị và các công ước của Hội nghị, thực thi các Công ước, nâng cao hiệu quả của các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị đồng thời tăng cường mức độ đáp ứng của Hội nghị với nhu cầu của các nước trong khu vực.

Hội nghị quyết tâm tiếp tục những nỗ lực của mình để tăng cường tầm nhìn toàn cầu, mức độ liên kết của các Công ước và văn kiện của Hội nghị với những vấn đề toàn cầu thông qua thực thi hiệu quả các công ước, văn kiện hiện hành và phát triển các công ước, văn kiện mới đáp lại những thách thức và nhu cầu mới. Các công ước sẽ tiếp tục thực thi các quyền cơ bản của con người và thúc đẩy thương mại xuyên quốc gia và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Hội nghị sẽ tiếp tục hỗ trợ thực thi các công ước thông qua các hoạt động thực hiện công ước, đào tạo và trao đổi thông tin giữa các quốc gia và chuyên gia ở mọi cấp độ.

Đoạn video kết thúc với thông điệp “Chúng tôi tiếp tục xây dựng các cầu nối giữa những hệ thống pháp luật và đóng góp cho một thế giới của công dân toàn cầu”

Thông tin chi tiết về Hội nghị có trên website chính thức :

http://www.hcch.net/index_en.php?act=text.display&tid=26

Ngoài ra, các thông tin cập nhật từ Hội nghị còn được cung cấp trên trang facebook:

https://www.facebook.com/pages/Hague-Conference-on-Private-International-Law/148050175263437?ref=br_tf

​​​