Nhằm bảo đảm cho các văn bản quy phạm pháp luật thực
sự đi vào cuộc sống, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa
phương thường xuyên triển khai, tuyên truyền, phổ biến thực hiện các văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đến phạm vi, lĩnh vực quản lý; kịp thời triển khai
thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và
tích cực tham mưu các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, hoặc sửa đổi, bổ
sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Công tác điều tra,
kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật thực hiện theo nhiều cách thức
khác nhau đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Tư pháp
là cơ quan tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác theo
dõi tình hình thi hành pháp luật.Tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân
dân tỉnh, nhiệm vụ theo dõi tình hình thi hành pháp luật được giao cho cán bộ
đảm nhận nhiệm vụ pháp chế thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan chuyên
môn vẫn chưa có bộ phận pháp chế riêng nên cán bộ, công chức thực hiện công tác
theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn theo chế độ kiêm nhiệm. Đội ngũ cán
bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã đã được kiện toàn cả về số lượng lẫn chất lượng.
Đến nay, toàn tỉnh có 08 Phòng Tư pháp cấp huyện; tất cả các xã, phường, thị
trấn đều đã được bố trí công chức Tư pháp – Hộ tịch. Về cơ sở vật chất, cán bộ
làm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở các cấp, các ngành đã được
trang bị máy vi tính, nhiều cơ quan đã xây dựng được tủ sách pháp luật. Ủy ban
nhân dân tỉnh đã bố trí kinh phí theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong
nguồn kinh phí thường xuyên của Sở Tư pháp. Riêng đối với các cơ quan, đơn vị,
địa phương, kinh phí triển khai hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật
được lấy từ nguồn chi thường xuyên.
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tiến hành theo
dõi và xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực xử lý
vi phạm hành chính trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền xử lý của Công an tỉnh;
tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội; kinh tế tài chính; nông nghiệp và phát
triển nông thôn; giao thông vận tải; xây dựng; hải quan; khoa học công nghệ;
công thương và các lĩnh vực thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp huyện. Nhìn chung,
công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của
các cơ quan, đơn vị thường xuyên được quan tâm; việc tuân thủ các quy định của
pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được các cơ quan, cá nhân thực hiện
nghiêm túc. Các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ngày
càng được tuân thủ nghiêm. Công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực và
trên địa bàn quản lý cũng được các cơ quan, đơn vị chủ động và phối hợp thực
hiện có hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, tình hình
thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong 6 tháng đầu năm cho thấy, vẫn
còn tồn tại một số hạn chế, đó là: Số vụ vi phạm trong một số lĩnh vực còn ở
mức cao (trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự; quản lý, bảo vệ rừng);
một số đối tượng vẫn còn cố tình không chấp hành Quyết định xử phạt của cơ quan
có thẩm quyền, công tác cưỡng chế thi hành còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực
tế, một số đối tượng bị xử phạt do đời sống khó khăn nên không thể nộp được
tiền xử phạt vi phạm hành chính. Việc cưỡng chế các đối tượng này khó khăn vì
không có tài khoản cá nhân, nơi ở không ổn định, không có nghề nghiệp, thu
nhập, tài sản không có giá trị để kê biên. Việc tịch thu tang vật, phương tiện
vi phạm hành chính để đảm bảo cho việc thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành
chính rất khó thực hiện vì lực lượng Thanh tra chuyên ngành không có trang bị,
phương tiện, nhân lực để thu giữ; không có kho, bến bãi để cất giữ phương tiện
sau khi bị tạm giữ. Ngoài ra, việc thực hiện cưỡng chế bằng cách khấu trừ tiền
từ tài khoản của đối tượng vi phạm tại các tổ chức tín dụng rất khó khăn (chỉ
đạt 5-10% số vụ cưỡng chế) vì khi có nguy cơ bị cưỡng chế, đối tượng rút hết
tiền trong tài khoản nhằm trốn tránh việc cưỡng chế; các tổ chức tín dụng không
thực hiện quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền (nhất là các ngân hàng
thương mại, cổ phần…) nhưng chưa có chế tài cụ thể để xử lý các tổ chức tín
dụng đó. Hơn nữa, việc thực hiện cưỡng chế bằng cách khấu trừ một phần tiền
lương và thu nhập của đối tượng trên thực tế không thực hiện được vì thiếu
hướng dẫn và quy định về quy trình thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan liên
quan. Đối với lĩnh vực đất đai, Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành và
Chính phủ vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, Ủy ban nhân
dân tỉnh cũng chưa có cơ sở ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng
theo quy định mới của Luật mà vẫn đang áp dụng các quy định cũ. Đồng thời, Luật
xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực nhưng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực đất đai vẫn chưa được ban hành, trong khi các vi phạm pháp luật
trong lĩnh vực đất đai thường xuyên xảy ra. Nếu áp dụng mức phạt theo Nghị định
số 105/NĐ-CP ngày 11/11/2009 thì không còn phù hợp.
Tại Báo cáo này, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã
có những kiến nghị, đề xuất cụ thể đối với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp để tiếp tục
nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật.